Ca sĩ Việt học hát I Will Always Love You theo Whitney Houston

2 sao - 24/07/2015, 07:55

Rất nhiều ca sĩ ở Việt Nam đã, đang và mong muốn được thể hiện I Will Always Love You, nhưng ít ai nắm vững được cách hát nó.

I will always love you là ca khúc đóng đinh, làm nên tên tuổi cho Whitney Houston. Với những thành công vang dội, nó đã trở thành một phần quan trọng của âm nhạc đại chúng, là ca khúc mà ai cũng muốn hát. Từ khi ra đời tới nay, đã có hàng ngàn người trên thế giới, từ ca sĩ đến những người yêu ca hát thể hiện lại nó.

Trong nhiều năm trở lại đây, cùng với sự hội nhập âm nhạc quốc tế và nở rộ các cuộc thi ca hát tại Việt Nam, đã có rất nhiều ca sĩ Việt chọn I will always love you để thể hiện, tiêu biểu như Thu Minh, Mỹ Tâm, Mỹ Linh, Tùng Dương, Hoàng Quyên, Hương Tràm, Văn Mai Hương, Nhật Thủy. Ngoài ra, còn có các ca sĩ nhí, các ca sĩ không chuyên như Võ Thị Thu Hà, Hồ Võ Thanh Thảo, Phạm Trần Thanh Phương, Nguyễn Thị Khánh Ly... Điều này chứng tỏ I will always love you đang là một chuẩn mực ca hát, được các ca sĩ lựa chọn để thể hiện giọng hát, kĩ năng, đẳng cấp của mình.

Và trong thời gian tới, vẫn sẽ có nhiều ca sĩ chọn hát nó trong các cuộc thi hay chương trình âm nhạc. Tuy nhiên, có rất ít ca sĩ Việt có thể hát hay và để lại dấu ấn trong lòng khán giả với I will always love you. Dù trong số đó, có nhiều ca sĩ có chất giọng và cấu tạo phát âm rất phù hợp để hát ca khúc này. Điển hình nhất là Mỹ Tâm, với giọng hát vang, dày bẩm sinh, phát triển ở quãng trung, có nhiều nét tương đồng với Whitney. Thậm chí, không ít trường hợp bị khán giả chê tơi tả, vì hát không tới, khô khan cảm xúc, đánh vật với ca khúc, để lộ toàn bộ khuyết điểm giọng hát...

Vì vậy, muốn thể hiện tốt I will always love you, ca sĩ cần phải hiểu ca khúc và nắm rõ các kĩ thuật, cách hát trong bản gốc, để từ đó phát triển theo hướng riêng của mình. Một số cách hát I will always love you đã được Irina Tsukanova, một giảng viên thanh nhạc danh tiếng tại Ukraine đưa vào giảng dạy trong một chuyên đề riêng về Whitney Houston.
 

Irina Tsukanova - Giảng viên thanh nhạc danh tiếng tại Ukraine trong bài giảng
về Whitney Houston

Đầu tiên, cần khẳng định rằng, để hát được I will always love you, cần phải nắm vững cách kiểm soát hơi thở, âm lượng giọng hát, cách sử dụng mixed voice, head voice, chest voice, falsetto, đẩy âm thanh vào đúng vị trí của nó, cũng như cách nhả chữ, nhấn chữ, dùng vocal runs, melisma, vibrato nhuần nhuyễn... Ngoài ra, cũng cần hiểu thêm về một số cách hát "bí truyền" Whitney làm được trong ca khúc này.

Những kĩ thuật khó Whitney sử dụng trong ca khúc mà ca sĩ Việt cần nắm vững

Trước tiên, cần xem xét những kĩ thuật tuy khó nhưng ca sĩ Việt có thể luyện tập để thực hiện được và phát triển thêm cái mới. Có lẽ Tùng Dương và Thu Minh là hai ca sĩ nắm khá rõ về các kĩ thuật này, nhờ quá trình học hỏi thần tượng của họ.

Ngay từ chữ "If" ở đầu ca khúc, Whitney đã dùng một kĩ thuật khó là cộng hưởng âm thanh ở khoang mũi rồi đưa lên head voice ở note F4, cách làm này giúp cô tạo ra những làn âm thanh ấm áp, đầy đặn mà mềm mại, lại còn có thể kết hợp với những ngân rung tinh tế, nhẹ như gió thoảng. Đoạn 5:21 clip sau:
 
Suốt toàn bộ ca khúc, Whitney gần như đẩy âm lên khoang mũi để tạo độ vang, điều mà hầu như các ca sĩ trẻ không làm được, họ thường hát ở cổ họng nhiều hơn. Cách đẩy âm lên khoang mũi giúp ca sĩ hát đỡ mệt mà khoảng vang tạo ra cân bằng được với âm ngực, âm thanh mềm hơn và không bị gắt. Trừ Lara Fabian, nhiều ca sĩ khác trên thế giới nói chung và ở Việt Nam hầu như không làm được điều này, họ thường mắc phải ba lỗi, đó là âm thanh bị vướng lại ở trong cổ họng, âm thanh bị dẹp và âm thanh thẳng ra miệng theo kiểu trâu cày.
 

Trong số các ca sĩ Việt hiện tại, Tùng Dương và Thu Minh là hai ca sĩ có giọng hát
và kĩ thuật tốt, đã từng hát lại khá hay I will always love you

Nhờ kĩ thuật cộng minh chuẩn xác, kết hợp với âm sắc giọng đẹp tự nhiên một cách hiếm có, Whitney đã hát đoạn đầu I will always love you không cần nhạc nền mà vẫn chuẩn xác về giai điệu, tạo ra những thanh âm nhẹ nhàng, êm tai, hấp dẫn người nghe. Những thanh âm này tuy nhẹ nhưng lại vang xa ra một cách tự nhiên, mà như nhạc sĩ Quốc Bảo từng nói: "Vang như tiếng chuông khánh".

 Cần nhấn mạnh vào chữ "tự nhiên", vì Whitney sở hữu chất giọng vang bẩm sinh, chỉ cần nói bình thường cũng có thể phát ra những note B4, C5 khá vang, nên cô có thể hát resonance (cộng hưởng) ở các quãng thấp và nhẹ. Có thể thấy, các ca sĩ Việt hát đoạn acapella (không nhạc nền) này thường khá thô, hoặc gồng gánh như leo núi, khó tạo ra những âm thanh mượt mà như thế. Một đề xuất được đưa ra cho các ca sĩ là sử dụng head voice trên quãng thấp khi hát chữ "If" để tạo độ mềm, mượt, ấm áp, chứ không nên dùng mixed voice hay chest voice, tránh bị thô khi không có giọng đẹp bẩm sinh như Whitney.
 
Melisma ngày nay đã trở nên phổ biến và được nhiều ca sĩ sử dụng, nhưng đúng cách hay không lại là chuyện khác. Theo ca sĩ opera Sarah Jane Dale: “Bạn chẳng thế nào làm được nếu bạn không biết điều khiển hơi thở đúng cách, và đó là thứ mà Whitney có đầy. Hãy chấp nhận sự thật rằng ca sỹ như thế không phải tuần nào cũng có đâu” (Ý của ca sĩ opera này là, để run với melisma như Whitney cần một làn hơi dày , nếu như không có làn hơi khỏe, sự hỗ trợ hơi thở tốt, bạn ko thể làm được, ca sĩ như Whitney có cả một túi hơi, những ca sĩ như thế không xuất hiện thường xuyên).


Chỗ ngân chữ "your way" (0:18), Whitney đã vận dụng tinh tế những luyến láy trong âm nhạc của người da màu đất Mỹ vào câu hát. Để làm được điều này, các ca sĩ Việt nên bỏ chút công sức để tìm hiểu về văn hóa và âm nhạc của người da màu trên đất Mỹ, từ đó nắm rõ hơn các cách hát đặc trưng của dòng Gospel/Soul/R&B.

Tiếp đó, Whitney sử dụng head voice và ngân rung rất tinh tế ở chữ "your way". Nếu để ý, dễ nhận thấy, các ca sĩ khi hát đến chỗ này thường khó tạo ra âm thanh đẹp, vì họ chỉ dùng chest voice hoặc mixed voice chứ không biết cách cộng hưởng lên head voice, và cũng thường không có vibrato.


Điều cốt lõi ở đây là vấn đề hơi thở, nếu ca sĩ không biết cách vận dụng cơ hoành, không có khả năng kiểm soát âm lượng to nhỏ theo sắc thái (kĩ thuật thắt dây nuy - an) tốt, họ sẽ không thể ngân dài được như thế. Whitney thể hiện rõ nhất cách hát này tại màn trình diễn ở Brunei, khi cô ngân chữ "way" kết hợp giữa melisma và vibrato trong những 10 giây với âm lượng nhỏ dần, rồi lại to dần, rồi lại nhỏ dần theo kiểu kĩ thuật messa di voce của opera rất mượt, không một chút gợn (1:30).

Bởi vậy, các ca sĩ Việt nên chú ý thể hiện vibrato kéo dài trên piano (kĩ thuật hát nhỏ tiếng) ở đoạn này để tăng sự tinh tế, mềm mại.

Toàn bộ chữ "you" trong đoạn ngân đầu tiên được kéo vibrato trên head voice với làn hơi rất đều, âm lượng nhỏ, không chút gợn. Để làm được điều này, ca sĩ cần kiểm soát hơi thở thật tốt.
 

Hương Tràm nổi tiếng sau khi cover I will always love you, nhưng cô lại chưa nắm rõ các kĩ thuật trong ca khúc này

Ở chữ "my darling you", Whitney lại tiếp tục đẩy âm lên khoang mũi.

Đến chữ "goodbye", có thể thấy rõ cách nhả chữ kèm theo luyến láy rất riêng của người da màu, xuất phát từ chất Soul trong họ. Chỉ khi nào có một tâm hồn tràn ngập thanh âm, chúng ta mới tạo nên mọi giai điệu trong từng chữ được nhả ra như thế.

Có thể xem đoạn 2:57 trong màn trình diễn của Whitney tại Divas night năm 1999. Bởi vậy, ca sĩ Việt nên luyện tập khả năng cảm âm cho thật tốt và thực sự thư giãn tâm hồn cùng âm nhạc.
 
Đến chữ "don't cry", Whitney vẫn nhả chữ theo lối riêng của dòng Gospel da màu. Cách nhả chữ này tinh tế tới mức hầu như chẳng ca sĩ nào nhận ra khi hát lại, nên chẳng ai hát ra được chất của I will always love you là vì thế. Hãy xem Irina - giảng viên thanh nhạc danh tiếng tại Ukraine chỉ ra điều đó trong đoạn 12:24 clip sau:

 

Nói về cách hát Gospel, Whitney rất thông minh khi vận dụng những lối nhả chữ đặc trưng của Gospel vào nhạc pop mà không hề lạm dụng quá đà như nhiều ca sĩ da màu khác, mà hiện thân lớn nhất là I will always love you, chẳng hạn như các đoạn nhả chữ "but all above this", " i wish you, love...".

Trong đoạn cao trào đầu tiên, Whitney ngân chữ "you" ở head voice kèm theo chuỗi melisma đặc trưng, trong đó, âm được đẩy vào khoang mũi rồi chuyển giọng qua head voice một cách lẹ làng. (1:55).
 

Beyonce là trường hợp điển hình của việc lạm dụng melisma trong ca hát

Cần nói thêm về melisma, đó là cách hát đặc trưng của người da màu đã được Whitney phổ biến qua ca khúc I will always love you khi cô dùng nó trên head voice (còn Mariah Carey phổ biến trên chest voice qua ca khúc Vision of love). Nhiều ca sĩ ngày nay sử dụng nhiều tới mức lạm dụng, nhưng lại chẳng đúng kĩ thuật. Bởi muốn dùng được nó, bạn cần có một làn hơi khỏe, dài, một túi hơi đầy và kiểm soát tốt nó, giống như ca sĩ opera Jane Dale từng nói:

"Ca hát không phải chỉ xuất phát từ cổ họng bạn; mà là từ cả cơ thể. Bởi vậy, nếu bạn không gắn kết với hơi thở và nơi mà nó thoát ra, từ dưới các vùng cơ quan, thì bạn khó lòng mà quản lý được nó".

Ngoài ra, Whitney cũng chọn lọc các nguyên âm để có thể điều khiển làn hơi, từ đó giữ được các nốt “khủng”. Ví dụ: hát “luv” thay vì “love”.

Và sau đó là âm thanh mượt mà, thoải mái từ chuỗi luyến láy (melisma) của Whitney - kết quả vận dụng cơ thể điều khiển giọng hát. Việc sử dụng melisma thành thục và tinh tế như trong I will always love you không chỉ cần kĩ thuật tốt mà còn cần có thẩm mỹ âm nhạc cực kì cao. Nhiều ca sĩ có kĩ thuật sử dụng melisma rất tốt nhưng lại thường xuyên lạm dụng, phô diễn quá đà sẽ đem lại hiệu ứng ngược, như Beyonce chẳng hạn. Đó là cái mà Whitney khác biệt với ca sĩ ngày nay, và cũng là cái đáng để các ca sĩ Việt học tập.

Hiểu thêm về những kĩ thuật "bí truyền" được Whitney dùng trong ca khúc

Trong I will always love you, có một số kĩ thuật rất khó, hiếm ai làm được như Whitney. Tuy nhiên, các ca sĩ Việt vẫn có thể học hỏi để vận dụng theo đặc trưng riêng về cấu tạo phát âm, giọng hát của mình.

Vị trí âm thanh của Whitney vô cùng đặc biệt, nó được phát ra trong lúc hát gần như lúc nói, mang lại thứ âm sắc tự nhiên nhất, đó chính là điều làm cho các bậc thầy kĩ thuật dù cố gắng đến đâu cũng không thể nhái lại giọng cô.
 

Cách đẩy âm thanh vào đúng vị trí như Whitney Houston

Whitney có thể belt lên cao mà không cần chuyển vị trí âm thanh sang khoang khác để lên note như các ca sĩ khác, cảm tưởng như cô đang nói lyrics chứ ko phải hát, Làm được điều này là cực kì khó. Ở những ca sĩ khác, đoạn lên cao "and I will..." là giọng ngực mà chữ "love" đã phải chuyển lên vòm trên để hát, nhưng Whitney thì không cần làm điều đó.

Một ví dụ khác là trong ca khúc Run to you, để hát được đoạn "can't you see what hurting me" (0:52), ca sĩ Leanna Michelle đã phải đồi vị trí âm thanh và dùng hơi để phóng ra, trong Whitney hát một câu đó không hề đổi ví trí âm thanh mà vẫn rõ ràng sắc nét, nghe ngỡ như là không có gì.
 
Có thể nói, với Whitney, hát một bài từ đầu đến cuối mà phải đổi vị trí âm thanh là rất ít. Thông thường, nếu muốn âm thanh sâu thì phải đổi vị trí âm thanh lên khoang trên, nghe sẽ dày và hút hơn, nhưng với giọng ngực, Whitney hoàn toàn làm được mà không cần đổi lên.

Các ca sĩ cover nhạc Whitney, một là hát gống gánh cho dày lên (kiểu các ca sĩ da màu), hai là dùng bạch thanh. Nếu hát gồng gánh nghe sẽ mệt mỏi, nặng nề, còn bạch thanh thì chua, mỏng, thiếu lực. Riêng Whitney lại hát tự nhiên, không gồng gánh, cũng không bạch thanh. Hãy để ý kĩ, Whitney belt đoạn "and I" cao trào đầu tiên hoàn toàn bằng giọng ngực, đoạn đầu còn không hề có ngân rung, nhưng vô cùng dày, vang và mượt.

Để giữ một legato không có ngân rung dài như thế cần một làn hơi khỏe và khả năng kiểm soát tốt, và để có độ vang lớn, sâu thẳm thì không còn là vấn đề của kĩ thuật nữa, mà phụ thuộc rất nhiều vào tố chất bẩm sinh. Cách hát này rất khó, nhưng các ca sĩ Việt cũng có thể thử luyện tập để hát theo.
 

Whitney Houston đã sử dụng nhiều kĩ thuật khó trong I will always love you

Ca sĩ da màu khi hát thường ít phải pha xoang, nhưng nếu không pha xoang mà lại dùng giọng ngực thì rất gắt, nặng nề, chẳng hạn như Jennifer Hudson. Còn với ca sĩ châu Á, việc dùng giọng ngực không nghe rất chói, chua.

Đó chính là điểm khác biệt giữa Whitney và các ca sĩ da màu khác, ở chỗ âm sắc giọng của cô có sự pha trộn giữa da màu và da trắng. Trong mỗi nốt nhạc cô hát ra đều có sự nội lực, man dại của ca sĩ da màu, mà lại trữ tình, ngọt ngào như một ca sĩ da trắng. Chính điều này làm nên vẻ đẹp tự nhiên hiếm có cho giọng hát Whitney, mà như giới chuyên môn vẫn ca ngợi là "quý hiếm bậc nhất, "trộn lẫn giữa chất máu lửa của Aretha Franklin với sự sang trọng tuyệt vời và vẻ đẹp trữ tình trong giai điệu của Lina Horne".

Giọng ngực của cô có thể cộng hưởng độ vang tự nhiên ở quãng trung mà không cần đẩy lên mixed voice như nhiều ca sĩ khác. Các ca sĩ Việt cũng có thể thử qua cách hát này, vì biết đâu có những người có cấu tạo phát âm tương tự như thế.

Quan trọng hơn cả là vấn đề connected (kết nối) giữa chest mix và head voice. Hầu hết các ca sĩ trên thế giới cũng như Việt Nam khi cover I will always love you lên đến đoạn "love you.. ú ú à a a..." đều phải dùng mixed voice, vì đoạn đó đang căng, dễ bị tắc head, không thể chuyển head voice kịp, hay nói cách khác là không có đủ hơi để chuyển sang head voice. Trong khi Whitney hát chỗ đó còn đủ hơi và linh hoạt tới mức, đang căng như vậy mà vẫn luyến được sang head voice, thậm chí âm lượng vẫn không hề nhỏ đi.

Kĩ thuật làm sáng falsetto bằng airy voice của Whitney cũng vô cùng tốt, Khi hát live ca khúc này, đoạn "and I" vào đầu, ở note G#4, Whitney vẫn dùng falsetto trên kĩ thuật làm sáng giả thanh pha chút airy. (1:13)
 

Mỹ Tâm có chất giọng và cơ quan phát âm khá phù hợp với I will always love you, nhưng cô lại chưa rèn luyện được các kĩ thuật cần có

Cần nói thêm rằng, G#4 là note quá thấp với nữ để dùng falsetto (thường chỉ dùng falsetto được từ D5 trở nên). Chẳng hạn như Beyonce khi cover đoạn vào đầu "and I" là dùng mixed voice chứ không phải falsetto như Whitney. Qua đó, có thể thấy Whitney rất giỏi trong việc làm sáng falestto bằng airy voice, thậm chí là G#4 cũng làm sáng được.

Hơn nữa, Whitney có thể linh hoạt chuyển từ chest mạnh mẽ sang head chỉ trong tích tắc, mà không bị tắc hay yếu lực như các ca sĩ khác. Loại giọng nữ mạnh về falsetto hay airy thường là các giọng nữ màu sắc ít mạnh, nhẹ nhàng như Mariah Carey. Nhưng Whitney những năm 1994 là một spinto mezzo (có màu kịch tính), lại có thể hát airy như vậy quả là điều hiếm gặp.

Về vibrato, các ca sĩ Việt cũng có thể học hỏi rất nhiều từ Whitney. Như trong hai chữ "the way" và "your way" đoạn đầu I will always love you, cô ngân rung nhẹ nhàng, tinh tế vô cùng với âm lượng nhỏ dần, điều mà ít ca sĩ nào làm được (Đã phân tích ở trên). Ngân rung ở Whitney tinh tế tới nỗi, trong I will always love you, cô vibrato trên chữ "love" mà không ai nhận ra vì nó quá nhanh, quá ngắn, chỉ khi người ta tách nhạc khỏi lời thì mới nghe ra được.

Chưa kể, trong mọi âm tiết, cô có thể tạo ra những rung đuôi rất đẹp. Đoạn ngân head voice chữ "you" ở cuối ca khúc là một trong những khoảnh khắc đẹp của nhạc pop, khi cô dùng khả năng điều khiển âm lượng tối ưu của mình, cho ra những thanh âm mềm mại như suối chảy, với những ngân rung rất mượt mà, không chút gợn (mang chất da trắng nhiều hơn da màu). Bởi vậy, có thể nói, Whitney là ca sĩ pop da màu hiếm hoi có khả năng kiểm soát âm lượng bậc thầy.
 

Mỹ Linh cũng như nhiều ca sĩ khác, thường cover I will always love you để tưởng nhớ thần tượng của mình

Khán giả nghe I will always love you thường xuyên và có nhiều ca sĩ Việt đã, đang, sẽ hát nó, khiến nó trở nên phổ biến và đại chúng hóa. Nhưng ít ai trong chúng ta, thậm chí là các ca sĩ hát nó hiểu hết được nó, cũng như những gì Whitney đã làm để biến nó trở thành ca khúc kinh điển, chuẩn mực ca hát của nhiều thế hệ. Mỗi ca sĩ sẽ có cách hát và tư duy âm nhạc của riêng mình để cover lại ca khúc theo phong cách riêng.

Tuy nhiên, việc nắm rõ hơn những cách hát đặc trưng, riêng có của Whitney trong ca khúc này sẽ giúp ca sĩ Việt hát tốt hơn, tư duy sâu hơn, cám nhận tinh tế hơn, từ đó áp dụng vào sự nghiệp ca hát của mình, chứ không riêng gì một bài hát.
 
Đức Long
Theo Vietnamnet

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất