Bóc mẽ 4 cách xả stress "sai bét" khiến não muốn nổ tung
Kênh 14 -
22/05/2015, 15:03
Không những không có tác dụng giải tỏa áp lực và stress, các cách thức giải trí này còn khiến não bạn thêm “phát điên”.
Trong nhịp sống công nghiệp hiện đại ngày nay, stress là một điều khó tránh khỏi với tất cả mọi người. Vậy khi stress, bạn thường làm gì?
Chơi điện tử, “tám” chuyện với bạn bè, tìm đến với thiên đường ăn uống… đó là những cách xả stress thông dụng nhất hiện nay. Tuy nhiên dưới góc nhìn khoa học, những cách thức ấy chẳng những không giúp bạn xả stress mà ngược lại còn làm bộ não thêm căng thẳng tới khó tin.
1. Đắm mình trong các trò chơi điện tử
Theo quan niệm thông thường, xem TV hoặc hòa mình vào các trò chơi điện tử có thể làm bạn cảm thấy phấn khích và thoải mái hơn khi mệt mỏi hay căng thẳng.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Journal of Communication, điều này đã thực sự bị xem xét lại khi các nhà khoa học nhận được báo cáo về một số trường hợp cá nhân cảm thấy stress nặng hơn sau khi chơi game.
Những gì bạn nghĩ về chơi điện tử...
... còn đây là sự thật
Theo đó, tùy vào mức độ và loại stress gặp phải mà con người sẽ có phản ứng khác nhau sau khi chơi điện tử. Khi bị stress nặng, con người có thể rơi vào trạng thái kiệt quệ về tinh thần và nhận thức giảm sút nghiêm trọng gọi là “ego depletion” (sự suy giảm bản ngã).
Một người bị “ego depletion” sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, trở nên thèm đồ ăn béo hoặc ngọt. Khi chơi điện tử, những người này sẽ chỉ cảm thấy mệt mỏi hơn vì bộ não phải hoạt động liên tục.
Như vậy, càng stress nặng bạn càng không nên dùng trò chơi điện tử để giải khuây. Thay vào đó, hãy thử các liệu pháp khác như đi bộ, yoga hoặc đơn giản là ngủ một giấc thật sâu.
2. Làm bạn với thế giới đồ ăn
Nhiều người hay có thói quen ăn nhiều mỗi khi thấy buồn chán hoặc bị áp lực. Các nhà khoa học gọi họ là các "emotional eater" (người ăn theo cảm xúc).
Những người thuộc loại này thường sử dụng thức ăn để ngăn chặn hoặc giảm một phần các cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như căng thẳng, tức giận, khó chịu hoặc lo âu, chán nản, tội lỗi…
Theo Aron Cheyne thuộc Viện nghiên cứu khoa học Weizmann (Israel), khi gặp stress, não người sẽ giải phóng một protein có tên gọi Ucn3. Protein này kích thích con người thèm các đồ ăn có đường và nhiều chất béo.
Tiếp đó, khi cơ thể đang căng thẳng, não bộ bị chi phối bởi các suy nghĩ tiêu cực dẫn tới bị phân tâm và làm hoạt động tiêu hóa trở nên không tốt. Điều này cũng giống như khi bạn phải suy nghĩ nhiều trong khi ăn, bạn sẽ có nguy cơ bị mắc chứng đau dạ dày.
"Bơi" trong đồ ăn không phải là cách xả stress hiệu quả như bạn lầm tưởng đâu nhé!
Như vậy, ăn nhiều có thể là một giải pháp tâm lý tạm thời, tuy nhiên về lâu dài sẽ khiến bạn béo phì hoặc mắc phải nhiều bệnh khác mà không giúp giải tỏa stress như mọi người lầm tưởng.
3. Xả stress bằng những cơn tức giận
Khi bị stress, con người có xu hướng trở nên bạo lực, tức giận, và mọi người luôn nghĩ rằng có thể xả stress bằng những cách này, tuy nhiên nhà tâm lý học Brad Bushman đã thực hiện một thí nghiệm và chứng minh điều ngược lại.
Ông cho một nhóm người tình nguyện viết một bài luận rất dài. Tuy nhiên thay vì cho họ lời khen, giấy chứng nhận hoặc tiền bồi dưỡng, ông chỉ trả lại bài cho họ với những câu đại khái như “Đây là bài luận tồi tệ nhất mà tôi từng đọc”. Điều này thực sự đã khiến họ cảm thấy bực bội.
Tiếp đó, các tình nguyện viên sẽ được chia làm 2 nhóm, một nhóm được yêu cầu “xả” hết tâm trạng của mình vào chiếc gối, nhóm còn lại sẽ “xả” bằng cách ngồi yên trong 2 phút, sau khi xả xong, họ sẽ được phát một bảng điều khiển để thiết lập âm lượng cho một bản nhạc bất kì.
Kết quả là, đa số các tình nguyện viên trong nhóm “đấm gối” sẽ chọn mức âm lượng to nhất có thể, còn những người “ngồi im” thì tỏ ra hiền lành khi chỉ chọn mức âm lượng nhỏ.
Khi được phỏng vấn, những người này nói trong thời gian 2 phút họ đã suy nghĩ về cảm xúc của mình và cảm thấy thoải mái hơn. Trong khi đó, những người đấm gối chia sẻ họ thậm chí cảm thấy tức giận hơn sau khi “xả stress” bằng bạo lực.
4. “Tám”, “tám” và “tám” tới khi mệt nghỉ
Khi bạn có chuyện buồn, bạn hoàn toàn nên chia sẻ với ai đó, điều đó có thể giúp bạn có được những lời khuyên hay những lời động viên khiến bạn vững vàng vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên các nhà khoa học cũng cho biết, chia sẻ cũng có giới hạn, đừng lạm dụng nó hoặc bạn sẽ chỉ làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn mà thôi.
Nghiên cứu này được tiến sĩ Rose xuất bản trong một bài báo trên tạp chí Child Development vào năm 2002, trong đó mô tả việc các đứa trẻ bị bắt nạt chỉ biết tụ tập và hàng ngày nói đi nói lại về việc bị đàn áp trong khi không đưa ra được một giải pháp nào.
Rose đã sử dụng thuật ngữ “co-rumination” để chỉ việc một thông tin tiêu cực bị nhai đi nhai lại nhiều lần. Theo bà, nếu lúc nào chúng ta cũng đem vấn đề tiêu cực ra thảo luận, nó có thể biến thành một nỗi ám ảnh hằn sâu vào tâm trí, khiến cho chúng ta trở nên bế tắc. Nguy hiểm hơn, các cảm xúc tiêu cực đó sẽ còn "lây nhiễm" cho người khác. Bởi vậy thay vì chỉ nói, hãy tự suy ngẫm hoặc nói chuyện theo hướng tìm giải pháp.
Nguồn: Cracked, CBS, Livescience
Video được xem nhiều nhất
Bình luận