Bị chê béo, đen, làm xấu chiếc váy 10 triệu, cô dâu “nóng gáy” tung ảnh váy cưới khác đẹp long lanh
Sau khi lên tiếng tố chiếc váy cưới mua online giá 10 triệu nhưng không thể mặc trong ngày cưới, trước những lời bàn tán của dân mạng rằng do "mẫu xấu", béo, đen, chứ chiếc váy không có tội, cô dâu A.N. bức xúc “phản pháo”.
- Xu hướng váy cưới mùa mới: Trong suốt, mong manh mà không hề phản cảm
- 10 chiếc váy cưới lộng lẫy trị giá hàng trăm triệu của sao Việt
- Cận cảnh bộ váy cưới 250 triệu của bà xã Lương Thế Thành
- Thúy Diễm diện váy cưới trăm triệu
- Ông bầu Khắc Tiệp đăng ảnh váy cưới, nghi vấn Kỳ Hân sắp kết hôn với Mạc Hồng Quân
Sau khi câu chuyện chị A.N. – một cô dâu đang sống tại Úc – bỏ 10 triệu để may váy cưới online tại Tp. Hồ Chí Minh với màu sắc và kiểu dáng nhã nhặn, hiện đại, nhưng nhận về sản phẩm hoàn toàn không ưng ý cả về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu cho đến đường kim mũi chỉ, bên cạnh những ý kiến cho rằng chị thật xui xẻo cũng như nhà may vô trách nhiệm, “chặt chém”, một số dân mạng cũng cho rằng, việc này cũng do lỗi của chị A.N., vì dáng vóc và nước da của chị không đẹp, không chuẩn như người mẫu. Những ý kiến này đã “chọc tức” A.N., và không im lặng thêm, cô dâu này đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.
“Nói dáng không chuẩn không mặc được váy cưới đẹp là xúc phạm nặng nề”
A.N. cho hay, khi câu chuyện giữa chị và cửa hàng may của chị K.O. nhận được sự quan tâm của dư luận, chị đã được nghe nhiều ý kiến tiêu cực về vóc dáng của mình, trong đó có cả chị K.O. – người đã nhận thiết kế và may chiếc váy cưới 10 triệu gây tranh cãi. Cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương, chị A.N. chia sẻ: “Những ai đánh giá mình là dáng thô, mập, xấu, mình nói thẳng, mình biết điểm yếu của cơ thể và không muốn nó phô ra nên mới nghĩ đến việc may thiết kế sao cho phù hợp. Cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng ở Việt Nam không thể may các mẫu của nước ngoài, mình cho đó là do các bạn chưa tìm hiểu về váy cưới ở Việt Nam. Váy cưới ở Việt Nam may rất đẹp, và mẫu mình chọn không phải mẫu quá phức tạp (hầu như váy cưới nào cũng may phồng phần dưới và ôm phần trên), có điều mình không muốn mặc váy quây, vì nghĩ vai to, tay to không đẹp, sợ tụt áo… nên mới chọn mẫu có vai áo.
Ai đó nói rằng dáng xấu không thể mặc váy cưới đẹp là đụng chạm tới nhiều người khác, những người đã không tự tin vào vóc dáng của mình nhưng vẫn có mong muốn mình xinh đẹp, lộng lẫy trong ngày trọng đại. Tuy váy cưới có nhiều kiểu may khác nhau nhưng chung quy lại chỉ có một vài dáng áo cơ bản. Sau khi đi thử váy cưới, thì mình thấy hầu hết các váy cưới đều giúp định hình phom dáng, cái đó là cái tài của người may, chứ không phải váy cưới chỉ dành cho những người có dáng đẹp, chuẩn người mẫu.
Chiếc váy cưới chị A.N. chọn thay thế cho ngày cưới của mình được đánh giá là đẹp và phù hợp hơn hẳn chiếc váy đặt may.
A.N. tiết lộ, để khách quan, có thể chị sẽ mời một chuyên gia để thẩm định chiếc váy cưới “thảm họa” trước khi trả lại nó cho chị K.O. cũng như nhận lại tiền đặt may chiếc váy. Chị thông tin thêm: “Mình lên tiếng về chuyện này, không phải mình muốn đòi số tiền đó bằng mọi giá, mà vì mình không muốn im lặng trước việc coi thường khách hàng của K.O. Mính sẽ trả lại váy nên K.O. phải trả lại tiền cho mình là đúng rồi, nhưng mình không thể nhận tiền xong im lặng hoặc nói tất cả là hiểu lầm, K.O. không có lỗi gì cả được!”.
Câu chuyện chiếc váy cưới đặt may online 10 triệu và những uẩn khúc xung quanh nó, có lẽ chỉ những người trong cuộc mới thực sự nắm rõ và có giải pháp phù hợp để giải quyết. Từ chuyện của chị A.N., có thể thấy việc dở khóc dở cười khi mua hàng online vẫn là điều chị em cần cân nhắc khi lựa chọn hình thức giao dịch này, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm như thức ăn, quần áo, mỹ phẩm đắt tiền.
Chị A.N. chia sẻ: “Ở Việt Nam thiếu những trang web, trang thông tin độc lập để cho khách hàng có thể tìm thông tin về chất lương dịch vụ của một nhà cung cấp nào đó. Giống như mình, trước khi mua một món hàng nào tại Úc đều vào các trang review để xem trước. Kể cả trước khi mình đặt may váy cưới chỗ K.O., mình cũng tìm hiểu thông tin thử từ các trang web xem thử có bị vấn đề gì trước đó không, nhưng không tìm thấy, và cuối cùng là vẫn thất bại”.
Đặt hàng một đằng, nhận về một nẻo là bài học chua xót mà chị A.N. đã học được khi mua hàng qua mạng.
Hỏi thật kỹ về chính sách đổi – trả hàng, kiểm tra trước khi nhận cũng là một cách mà nhiều dân mạng “nghiện” mua hàng online tư vấn. Mai Mai cho rằng: “Với hàng thời trang, đồ gia dụng, bạn cần hỏi kỹ về chính sách đổi - trả hàng khi không ưng ý hoặc sản phẩm bị lỗi. Nếu thương thuyết được để sử dụng dịch vũ kiểm tra hàng và thanh toán khi nhận hàng là tốt nhất, bạn sẽ không bị “mù mờ” hay bị ép mua sản phẩm không ưng ý, đương nhiên là bạn phải chịu phí ship phụ trội”.
Tuy nhiên, những kinh nghiệm hữu ích này, kể cả việc đến tận nơi xem hàng cũng chỉ là phương án tối ưu với những trường hợp mua hàng trong nước, hoặc mua hàng ở những trang web lớn, có uy tín ở nước ngoài. Còn trong trường hợp tương tự như chị A.N., có lẽ, cô dâu nên nhờ người nhà đến kiểm tra chất liệu vải, màu sắc, phác thảo mẫu… trước khi chiếc váy được cắt may cũng như cập nhật tiến độ liên tục để tránh tình trạng đặt “công”, rước “cú”, rước thêm cả bực mình vào người.
Video được xem nhiều nhất