Bí ẩn hàng loạt đường hầm vừa sâu vừa dài do "quái vật" khổng lồ thời tiền sử tạo ra
Câu hỏi về nguồn gốc hình thành của những đường hầm bí ẩn này còn chưa được sáng tỏ thì lại có những câu hỏi lớn hơn xuất hiện.
Vùng đất hoang dã phía Bắc Nam Mỹ, không chỉ là "lãnh thổ" của Manchineel – loài cây được coi là nguy hiểm nhất thế giới, mà tại đây người ta còn tìm ra hàng trăm đường hầm khổng lồ đủ để con người có thể đi lại một cách thoải mái.
Những đường hầm to rộng được phát hiện ở vùng đất phía Bắc Nam Mỹ.
Tuy nhiên, những đường hầm này không phải do con người tạo nên, cũng chẳng phải là sản phẩm của quá trình biến đổi địa chất nào từng được biết đến, những dấu vết của móng vuốt khổng lồ xung quanh các bức vách và trần hang là những bằng chứng còn sót lại để người ta có thể tìm ra được câu trả lời về sự hình thành của chúng.
Qua quá trình khảo sát và nghiên cứu, các nhà địa chất học cho rằng những đường hầm qui mô lớn này do một loài lười đất cổ đại đã bị tuyệt chủng làm nên và gọi chúng là những "đường hầm cổ sinh".
Thuật ngữ "đường hầm cổ sinh" do giáo sư Heinrich Frank tại trường Đại học Federal University of Rio Grande do Sul thuộc Brazil đưa ra khi ông tìm thấy một đường hầm tương tự trong bãi đất xây dựng ở thị trấn Novo Hamburgo vào đầu những năm 2000.
Trong các đường hầm này có nhiều dấu vết do móng vuốt của con vật khổng lồ nào đó tạo ra.
Sau đó, ông và các đồng nghiệp là những nhà nghiên cứu khoa học đã tiếp tục phát hiện ra hơn 1.500 đường hầm khác chỉ ở duy nhất Rio Grande do Sul, trong đó có một số đường hầm sâu đến hàng trăm mét và phân thành nhiều nhánh khác nhau.
Đường hầm lớn có chiều dài lên tới 610m, cao 1,8m và rộng từ 1-1,5m. Ước tính phải đào đến 4.000 tấn đất đá mới có thể hình thành nên một đường hầm có kích thước như vậy.
Theo Giáo sư Frank, những đường hầm cổ sinh khổng lồ này được tạo nên bởi loài lười đất khổng lồ có kích thước cơ thể tương đương với kích thước của loài voi hiện nay. Loài lười đất cổ đại này đã từng sinh sống ở Nam Mỹ khoảng 10.000 năm về trước, chúng được coi là loài động vật có vú lớn nhất trên thế giới vượt qua kích cơ của loài voi ma mút.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến khác cho rằng loài armadillos cổ đại đã tuyệt chủng, hay còn gọi là con tatu – một loài bò sát vỏ cứng – chính là "tác giả" của những đường hầm khổng lồ này.
Bên ngoài lối vào một trong những đường hầm được phát hiện.
Giáo sư Frank và các đồng nghiệp của ông đang rất nỗ lực để giải thích cho việc tại sao những chiếc hang này lại có thể đạt được đến kích thước khổng lồ đến như vậy.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đặt dấu hỏi lớn về sự phân bố địa lý kỳ lạ của chúng. Những chiếc hang cổ sinh này chỉ được tìm thấy ở những bang phía Nam Brazil là Rio Grande do Sul và Santa Catarina. Rất ít được tìm thấy ở những vùng phía Bắc Brazil hay ở các quốc gia Nam Mỹ khác. Ngay cả ở Bắc Mỹ, khu vực mà loài lười đất khổng lồ và loài tatu cổ đại đã từng sinh sống, người ta cũng không phát hiện ra những đường hầm bí ẩn như thế này.
Việc tìm ra những đường hầm cổ sinh khổng lồ như thế này là một phát hiện rất quý đối với nền khoa học thế giới, tuy nhiên để tìm ra câu trả lời cho những dấu hỏi trên vẫn còn rất khó khăn.
Theo Minh Hân/Trí thức trẻ
(Nguồn: Amusing Planet)
Video được xem nhiều nhất