Ánh Tuyết: "Bầu sô âm nhạc không nên có máu con buôn"
Vì lý do sức khỏe, thời gian qua, nữ danh ca đóng cửa phòng trà ATB để đi hát tự do cũng như có thêm nhiều thời gian lo cho bản thân và gia đình.
- Vì sao suốt thời gian dài chị đóng cửa phòng trà vốn được chị đặt nhiều tâm huyết trong gần 14 năm?
- Thật sự, tôi không muốn "khai tử" đứa con tinh thần của mình, nhưng từ khi dọn về địa điểm ở quận Phú Nhuận (TP HCM) tôi đau bệnh liên miên, phải ra vào bệnh viện phẫu thuật rất nhiều lần. Đó là lý do lớn nhất để tôi ngừng duy trì điểm diễn âm nhạc mình đặt nhiều tâm huyết. Bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân như: giá tiền thuê mặt bằng lên cao quá, rồi em trai tôi - một nhạc công của ban nhạc ATB và cũng là người giúp tôi quản lý mọi việc ở khâu kinh doanh - bị bệnh và đột ngột qua đời trong năm qua. Em mất đi, tôi mất một trợ thủ rất đắc lực.
Giờ tôi phải đứng ra quản lý công ty xây dựng của gia đình, vốn chiếm rất nhiều thời gian. Mà tính tôi đã không làm thì thôi, làm việc gì phải làm cho tới cùng. Chuyện phòng trà ca nhạc, khi tôi thấy có quá nhiều thứ cản mình phiêu với nghệ thuật, tôi bắt mình phải dừng lại.
Ngừng làm chủ phòng trà, Ánh Tuyết có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân, gia đình. Chị vừa quản lý công ty xây dựng riêng, vừa tu bổ ngôi nhà vườn để đại gia đình được quây quần bên nhau. Ảnh: Thoại Hà. |
- Trải nghiệm nhiều trong việc quản lý phòng trà, theo chị, thuận lợi và khó khăn để duy trì mô hình này hiện nay là gì?
- Với tôi, thuận lợi lớn nhất là luôn có một bộ phận khán giả rất trung thành với việc đến phòng trà thưởng thức âm nhạc. Sức sống của dòng nhạc xưa, nhạc tiền chiến hay bolero luôn bền bỉ, lâu dài và được rất đông khán giả ủng hộ. Theo tôi, khán giả của dòng nhạc này cực kỳ nhiều, kể cả khán giả trẻ, có điều họ không ồn ào, không khoa trương.
Còn về khó khăn, mỗi điểm diễn sẽ có một cách làm khác nên khó nêu ra công thức chung cho hoạt động kinh doanh phòng trà âm nhạc. Nhưng tôi luôn cho rằng, kinh doanh âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung vốn rất đặc thù. Nếu quá tính toán, chỉ lấy máu "con buôn" để vận hành hoạt động thì hoàn toàn không nên vì sẽ làm cho điểm diễn của mình không còn đúng nghĩa của phòng trà ca nhạc nữa. 14 năm duy trì ATB, tôi không đặt nặng chuyện kinh doanh, nên thường làm chương trình nào xong cũng chỉ được "tiếng" chứ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện được "miếng" ở nó cả.
- Không còn làm chủ phòng trà, hiện tại, chị hoạt động âm nhạc ra sao?
- Từ trước đến nay, tôi luôn luôn là nghệ sĩ biểu diễn. Tất nhiên, ở từng giai đoạn của cuộc đời, mỗi người sẽ phải biết chọn hoạt động nào phù hợp với mình. Bốn năm rồi, tôi không hát nhiều chương trình ở TP HCM mà chủ yếu đi show tỉnh, đi hát ở xa, hoặc có vài chuyến đi diễn nước ngoài. Trong thành phố, thỉnh thoảng có các phòng trà khác mời, tôi cũng nhận lời.
Đi hát ở sân khấu khác làm tôi có nhiều lúc thấy không thuận tiện. Vì tôi vốn quen với kiểu làm của mình, tập nhạc hay tập hát đều rất chỉn chu. Tính tôi cũng không thích phụ thuộc ai nên tôi chỉ nhận show chỗ thân tình. Giờ tôi đi hát vì tình cảm, hoặc vì yêu thích chương trình đó, chứ không phải vì chạy theo đồng tiền. Với bầu sô nào tôi thấy làm việc thoải mái, vui vẻ, trân trọng mình thì tôi nhận lời.
Ánh Tuyết và Quý Bình trình diễn ở phòng trà ATB đầu năm 2013. |
- Ngừng việc làm "bầu", cảm xúc của chị ra sao khi nhớ lại quãng thời gian sôi nổi khi quy tụ nhiều nghệ sĩ về mái nhà chung ATB?
- Mấy năm qua, nhiều người vẫn chưa biết tôi đã đóng hẳn phòng trà. Khán giả của ATB rất dễ thương, họ viết thư, nhắn tin hỏi han, nhiều khi làm tôi cảm động đến rơi nước mắt. Họ thường hỏi tôi chừng nào có chương trình mới. Ban nhạc ATB, rồi các bạn nghệ sĩ gắn bó lâu năm cũng tứ tán hết rồi - có ca sĩ đi nước ngoài lập gia đình, sinh con cái, có nhạc công phải tìm chỗ khác để mưu sinh. Thỉnh thoảng, các anh chị em của ban cũng nhắn tin í ới nhau, nhắc lại kỷ niệm về những ngày vui vẻ, về tính khí "dữ dằn" của tôi khi quản lý công việc của ATB. Chuyện vui hay buồn giờ nhắc lại đều là kỷ niệm mà tôi trân trọng.
Sắp tới, ngày 8/12 là ngày giỗ đầu của em trai tôi. Để tưởng nhớ người em cũng là người đồng nghiệp ở ATB, tôi rất mong ban nhạc ATB ngày nào, các anh chị em nghệ sĩ, bạn bè thân thiết có thể có thể hội tụ ở nhà vườn của tôi để cùng ăn bữa cơm, ôn lại chuyện cũ. Ở tuổi 54, tôi thấy mình luôn trân trọng những gì được - mất mà cuộc sống mang đến.
Nữ danh ca vui hưởng thú điền viên bên gia đình. Từng vào viện phẫu thuật rất nhiều lần, chị luôn giữ tinh thần lạc quan. Ảnh: Thoại Hà. |
- Chị còn những ấp ủ, dự định gì trong tương lai?
- Tôi thường ít tính toán quá xa cho những việc mình làm. Ngay cả khi đau bệnh nhiều nhất, tôi vẫn giữ tinh thần rất thoải mái, mạnh mẽ, thuận theo duyên và lẽ tự nhiên để làm việc. Dù ATB đóng cửa đã lâu, tôi chưa bao giờ thôi ý định gầy dựng lại một điểm diễn mới. Tôi hình dung đó sẽ là một không gian ấm cúng, nhỏ cũng được nhưng hoạt động theo đúng nghĩa của một phòng trà âm nhạc nhất, tôn vinh dòng nhạc xưa. Đó sẽ là nơi tôi được làm việc đúng với đam mê của mình, được phục vụ cho những khán giả rất mực yêu thương mình. Tôi vẫn ước, nếu tìm được mặt bằng và sức khỏe còn đủ, tôi hồi phục thương hiệu ATB. Nhưng nếu ý định này không thành, tôi cũng đành để nó ngừng lại ở đây mãi mãi. Ba lần dời địa điểm phòng trà, tôi chưa bao giờ có ý sang nhượng cho người khác. Để tìm được người tâm huyết với ATB là điều không dễ dàng.
Còn về tương lai gần, tôi đang ấp ủ thực hiện một chương trình, vừa là để kỷ niệm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao, vừa là để kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với tên gọi "Văn Cao - Đoàn Chuẩn: đến và đi". Tôi nhớ như in năm 2001 khi tôi dẫn đoàn ATB ra Hà Nội diễn vào ngày 15/11 - nhân kỷ niệm ngày sinh Văn Cao. Sáng hôm đó, tôi nghe tin Đoàn Chuẩn qua đời. Tôi đã ra sân khấu hát và chia sẻ tin này, rất nhiều khán giả khóc cùng tôi. Tôi muốn mình làm được một chương trình đậm chất nghệ thuật để tôn vinh hai ông.
Thoại Hà thực hiện
Video được xem nhiều nhất