Ác mộng "nhờn kháng sinh" và câu chuyện phũ phàng về ngành chăn nuôi của nhân loại
Loại vi khuẩn chống lại được tất cả những loại kháng sinh hiện nay đã xuất hiện. Một trong những nguyên nhân trực tiếp đẩy nhân loại đến giai đoạn này chính là việc sử dụng thuốc vô tội vạ trong chăn nuôi.
Như đã nêu, các chuyên gia đã tìm thấy vi khuẩn có khả năng kháng lại toàn bộ các loại thuốc kháng sinh hiện nay - bao gồm cả Colistin - loại kháng sinh mới và mạnh nhất - sự lựa chọn cuối cùng của nhân loại khi các loại kháng sinh khác đã vô hiệu.
Với sự xuất hiện của vi khuẩn "tối thượng", có thể nói thời đại của kháng sinh đã bước vào hồi kết. Chính con người chúng ta đã tự đẩy mình đến hoàn cảnh này.
Tại sao vậy? Đó là vì chúng ta đã lạm dụng kháng sinh một cách quá tùy tiện. Bị cảm nhẹ? Kháng sinh! Cảm nặng? Cũng kháng sinh. Trầy xước, đứt tay, bật móng...? Nốc kháng sinh vào khỏi cho nhanh. Lâu dần, các vi khuẩn nhặt ra những gene kháng thuốc. Chúng tiến hóa, trở nên nhờn thuốc, để rồi thậm chí có những căn bệnh mà trong số hơn 100 loại thuốc kháng sinh hiện nay, chỉ 2 có tác dụng, nhưng đi kèm tác dụng phụ.
Chúng ta đã và đang lạm dụng thuốc kháng sinh một cách vô tội vạ
Tuy nhiên, nếu chỉ uống thuốc vô tội vạ thì cũng chưa chắc thời đại kháng sinh kết thúc sớm như vậy. Vấn đề còn nằm ở chỗ, chúng ta đã sử dụng kháng sinh bừa bãi ngay cả trong khâu trồng trọt, chăn nuôi.
Số kháng sinh dùng trong chăn nuôi còn lớn hơn ở người
Đầu thế kỷ 20, trước cả khi Alexander Flemming tạo ra Penicillin, nước Mỹ trải qua một cơn khủng hoảng nguồn cung thịt trầm trọng. Họ buộc phải tiến hành cải cách chăn nuôi, tăng số lượng tại các trang trại lên đột biến.
Và khi số lượng vật nuôi gia tăng, kéo theo đó là mối đe doạ về các loại dịch bệnh. Vậy là đến năm 1950, loại kháng sinh dành riêng cho gia súc đã ra đời, và việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn được tiếp tục cho đến tận ngày hôm nay.
Mỗi chúng ta đều đang ăn thịt có dư lượng kháng sinh hàng ngày
Hiện nay, có thể nói mỗi chúng ta đang ăn các loại thịt có chứa dư lượng thuốc kháng sinh trong đó hàng ngày. Theo như một số thống kê tại Mỹ, có tới 80% trong tổng số kháng sinh sản xuất ra mỗi năm để phục vụ cho chăn nuôi. Họ tiêm kháng sinh không phải để chữa bệnh, mà là để vỗ béo chúng, đồng thời ngăn ngừa khả năng mắc bệnh của gia súc trong tương lai.
Nhắc đến chăn nuôi, ta thường hiểu đó là những loài vật cực kỳ phổ biến: bò, lợn, gà, cừu, dê... Nhưng không chỉ vậy, người ta sử dụng kháng sinh cho cả ngành nuôi trồng thủy sản - đặc biệt là tại châu Á. Và thậm chí là cả trong trồng trọt nữa, cũng phụ thuộc vào kháng sinh nhằm bảo vệ các loại cây như táo, lê, cam, quýt... khỏi sâu bệnh.
Ngay cả thủy - hải sản, thậm chí cả cây công nghiệp - tất cả đều có kháng sinh.
Việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ như vậy đã vô tình tạo ra một loạt các loại vi khuẩn khả năng kháng rất nhiều loại thuốc. Chúng trôi nổi trong các trang trại, trong nguồn nước, trong đất, trong không khí, và ở ngay trong thực phẩm mà con người sẽ tiêu thụ.
Chính những điều này đã tạo nên cơn ác mộng kháng kháng sinh mà con người phải đối mặt ngày nay.
Con người đã có những giải pháp gì?
Nhân loại cũng đã nhận ra tác hại từ thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, từ việc đẩy nhanh tình trạng kháng thuốc, đến những tác hại kinh khủng hơn như ung thư. Cũng vì vậy, các quốc gia buộc phải triển khai những phương án cụ thể nhằm ngăn chặn chuyện này.
Trước đó, cần biết rằng kháng sinh trong chăn nuôi là việc khó có thể từ bỏ hoàn toàn, vì rủi ro khi không dùng kháng sinh quá cao, dễ dẫn đến dịch bệnh chết hàng loạt ở vật nuôi và gây thiệt hại quá lớn cho người dân.
Sử dụng thuốc kháng sinh là điều khó tránh khỏi trong chăn nuôi
Do đó, giải pháp ở đây là siết chặt quản lý. Tại Mỹ, lượng kháng sinh cho phép sử dụng khi chăn nuôi lợn là 200gr/tấn thức ăn. Và không phải 200gr này được phép sử dụng cùng một lúc, mà phải trải đều trong vòng đời của vật nuôi.
Ngoài ra, một trong nhưng cách để hạn chế dư lượng thuốc kháng sinh là phải đảm bảo đời sống của vật nuôi. Về điểm này, các trang trại nuôi gà của Thái Lan đã làm cực kỳ tốt, thậm chí vượt trội so với nhiều nước tại châu Âu.
Các trang trại gà ở Thái sử dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời chú trọng đến đời sống của vật nuôi
Có thể lấy ví dụ như sau: một trang trại gà điển hình tại Anh có tới 20 con gà/m2, trong khi tại Thái Lan chỉ là 14. Gà tại Thái cũng có thời gian xuất chuồng lâu hơn - 42 ngày so với 35 ngày tại Anh.
Khi chăn nuôi một cách "có tâm", khả năng mắc dịch bệnh cũng nhỏ hơn, qua đó gián tiếp làm hạn chế lượng kháng sinh cần sử dụng.
Kết
Và sau tất cả, cơn ác mộng nhờn kháng sinh cũng đã đến rồi. Lúc này đây, chúng ta chỉ còn có thể trông chờ vào các nhà khoa học nghĩ ra loại thuốc mới, hoặc một phương pháp điều trị hiệu quả mà không cần đến kháng sinh.
Đồng thời, hãy hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết ngay và luôn. Hãy để cơ thể tự xây dựng sức đề kháng, tránh lạm dụng thuốc tùy tiện.
Nguồn: NCBI, Global Meat, Ted
Video được xem nhiều nhất