82 giờ sống dưới lòng đất trong vụ sập hầm chấn động

Ngoisao.net - 28/07/2015, 09:21

Rất nhiều phương án được vạch ra để cứu hộ nhưng đều không thành. Thời gian càng trôi qua thì cái chết càng rình rập 12 công nhân.

Đã hơn nửa năm trôi qua nhưng ký ức về gần 4 ngày cận kề cái chết khi sống trong lòng đất của 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) vẫn rất ám ảnh, kinh hoàng.

Hôm đó, ngày 16/12/2014, nhóm công nhân này tiến vào hầm để vệ sinh và chuẩn bị cho việc xây dựng. Những nhát cuốc đã làm cho nền trần yếu dần và chưa đầy một phút sau, một đoạn đường hầm bị đổ sập. Trong lúc hoảng loạn để bảo toàn mạng sống, họ tháo chạy về phía cuối đường hầm. Hàng trăm tấn đất đá đổ xuống ngăn chặt lối ra, biến đoạn cuối đường hầm dài khoảng 100 mét, cao khoảng 5 mét, rộng 4 mét, nằm cách mặt đất khoảng 70 mét thành một nhà tù giam giữ 12 công nhân.

sap-ham3-6955-1437972543.jpg

Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, lực lượng cứu hộ đã tập trung đào bới cửa hầm để cứu hộ những đồng nghiệp gặp nạn. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của của các công nhân tại chỗ đã không đạt được kết quả bởi lượng đất đá bị đổ sập quá lớn. 

Theo phán đoán của những người làm việc tại đây, nước trong hầm đang dâng do trong hầm có nhiều mạch nước ngầm, nhiệt độ giảm, tính mạng của những người công nhân bên trong đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Để kịp thời cung cấp những thứ thiết yếu, nhiều mũi khoan trực diện đã được thực hiện. Mọi chuyện vỡ òa khi mũi đầu tiên đến đích. Thông qua mũi khoan, thông tin từ phía trong chuyển ra, mọi người vẫn còn sống. Ngay lập tức, sữa, cháo được chuyển vào giúp những người bên trong duy trì sự sống. Nhiều đoàn công tác thuộc Chính phủ trong đó có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến tận nơi để chỉ đạo cứu hộ. 

Sau khi nghiên cứu địa hình, một phương án đã được đưa ra, một hướng khoan thẳng từ trên xuống, lỗ khoan rộng khoảng 30 cm có nhiệm vụ tiếp tế lương thực, quần áo ấm cho những người gặp nạn. Mũi khoan thứ hai đi dọc từ bên phải hầm có nhiệm vụ giải cứu cho các nạn nhân nhưng không thành công. Bên ngoài, người thân của nạn nhân đã chờ đợi trong tuyệt vọng. 

sap-ham2-8215-1437972543.jpg

Những công nhân đã sống sót qua 82 giờ trong lòng đất với cái chết cận kề.

Cuối cùng, Lữ đoàn Công binh 293 nhận lệnh tiến hành giải cứu nạn nhân. Đại tá Trịnh Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 293 chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi đồng thời triển khai cùng lúc, đồng bộ với tất cả các đơn vị, cơ quan trong triển khai thực hiện. Vị trí của Lữ đoàn đến nơi cứu hộ khoảng hơn 200 cây số. Thời gian chúng tôi chuẩn bị chỉ có 50 phút và thời gian cơ động là hết 5 tiếng. Như thế trong vòng 6 tiếng đồng hồ chúng tôi phải có mặt tại vị trí”.

Trong cuộc họp chớp nhoáng, lệnh hành quân đã được đưa ra, các đơn vị trực chỉ nơi xảy ra thảm họa trong đêm. Sau gần một đêm hành quân, sáng ngày 19/12, hơn 100 chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 293 có mặt tại hiện trường.

Sau khi quan sát thực địa, bằng các phán đoán khoa học, một phương án giải cứu được đưa ra, các chiến sĩ thực hiện phương pháp đào hầm trong cát. Phương pháp này có phần nguy hiểm cho các chiến sĩ tuy nhiên sẽ rút ngắn được thời gian tiếp cận nạn nhân.

Trong lúc các nạn nhân trong cơn tuyệt vọng thì một người bất ngờ phát hiện ra tiếng động, tất cả lao ra vì biết rằng mình đã được cứu. Mọi chuyện vỡ òa, 12 công nhận được đưa ra trong niềm vui vô tận của mọi người.

Anh Lê Văn Thảo, chiến sĩ thuộc lữ đoàn, cho biết: "Lúc đó, chúng tôi đào đất đến đoạn cũng mềm mềm rồi, tôi nhìn thấy một ke hở, phát hiện có tiếng người. Chúng tôi gọi thì có tiếng người kêu lại, và thế là biết rằng trong đó có người và tất cả còn sống".

Chị Đặng Thị Hồng Ngọc, nạn nhân sập hầm Đạ Dâng nhớ lại khoảnh khắc thoát nạn: “Khi thấy ông xã thì mình rất vui mừng và cất lên được tiếng: ‘Anh ơi!’ và sau đó ngất xỉu không biết gì hết.”

Trong khi đó, một nạn nhân khác trong vụ sập hầm, anh Nguyễn Văn Quang vẫn không khỏi bàng hoàng kể lại: “Nếu ngày hôm đó mà không ra được thì chỉ còn nước chết”.

[Caption] Sau hơn một tuần điều trị, các nạn nhân lần lượt xuất viện và trở về với cuộc sống thường nhật.

Sau hơn một tuần điều trị, các nạn nhân lần lượt xuất viện và trở về với cuộc sống thường nhật.

Bằng những nỗ lực của lực lượng cứu hộ mà đặc biệt là Lữ đoàn Công binh 293, cuối cùng các nạn nhân cũng được đưa ra ngoài an toàn sau 82 giờ sống trong lòng đất. 21h ngày 19/12, nạn nhân cuối cùng đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Cho đến giờ phút này, nhiều người vẫn không tin rằng mình có thể sống sót một cách kỳ diệu như vậy. Sau hơn một tuần điều trị, các nạn nhân lần lượt xuất viện và trở về với cuộc sống thường nhật.

Câu chuyện này nằm trong serie "Khoảnh khắc sinh tử" phát sóng định kỳ vào lúc 11h30 Chủ nhật hàng tuần trên HTV7.

Tùng Dương

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất