Vương miện Hoa hậu: Giải thưởng dành cho người phụ nữ đẹp hay giải thưởng dành cho người phụ nữ can đảm nhất?
Mỗi một lần có Hoa hậu mới đăng quang là lại một lần chúng ta thấy những sự lùm xùm chỉ trích xung quanh cô gái thắng cuộc đó. Để rồi nhiều khi ta tự hỏi, chiếc vương miện ấy đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ, hay để dành cho những cô gái thực sự can đảm.
- Cát-xê dàn sao Việt: Hoa hậu H'Hen Niê được trả cao nhất 16 triệu, Angela Phương Trinh 50 triệu
- Mâu Thủy thay đổi ngoạn mục, ngày càng đẹp và sang nhờ phong cách đúng chuẩn Hoa hậu
- Đọ sắc 3 Hoa hậu, Á hậu làm khuynh đảo nhan sắc Việt
- Hoàng Thùy té ngã cực mạnh trên sân khấu đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017
- Dàn Hoa hậu, Á hậu lên án việc miệt thị màu da tân Hoa hậu H"Hen Niê
"Dành cho người đẹp nhất"
Đó là dòng chữ khắc trên trái táo của Nữ thần của sự bất hoà Eris. Chỉ với 2 từ “ đẹp nhất”, Eris đã lôi kéo được những người phụ nữ xuất sắc nhất trong thế giới các vị thần tham gia vào cuộc chiến khốc liệt của mình. Chuyện thần thoại nghe tưởng xa xôi làm sao ... Ấy thế mà, chỉ trong năm 2017 vừa qua, một trong những từ khoá xuất hiện nhiều nhất trên các mặt báo của Việt Nam, lại chính là từ “hoa hậu”- cô gái đẹp nhất.
Liên tiếp các cuộc thi hoa hậu được tổ chức với các hình thức và tiêu chí vô cùng đa dạng thu hút sự tham gia của hàng nghìn người đẹp ( cũng đa dạng không kém). Chưa bao giờ cơ hội đi thi hoa hậu lại rộng mở đến thế, chưa bao giờ khán giả được chứng kiến cuộc thi sắc đẹp tường tận (và nhiều) đến thế. Điều được quan tâm nhất, không chỉ là người chiến thắng mà còn là những scandal xung quanh cuộc thi... Càng nhiều khán giả, càng nhiều cuộc thi, càng nhiều cuộc thi, càng nhiều thí sinh... Không biết trào lưu thi hoa hậu đến khi nào thì lỗi mốt, nhưng trước khi đến được giai đoạn đó, chúng ta đã có ít nhiều những cô gái tổn thương.
Thất bại của một cuộc thi Hoa hậu mang lại điều gì?
Vương miện hoa hậu đã mang lại cho bạn điều gì? Hầu hết những cô gái may mắn được trả lời câu hỏi này đều nói rằng đó là cơ hội và trải nghiệm. Họ xuất hiện lộng lẫy, xinh đẹp và thành đạt ở những bữa tiệc sang trọng dành cho những người đẳng cấp, đó không phải kiểu cơ hội và trải nghiệm bình thường mà ai muốn cũng có được. Thậm chí, ngay cả khi ăn mặc giản dị trong những chuyến đi từ thiện, người ta cũng thấy sự nổi bật của họ trong thần thái và tác phong ứng xử, họ thật sự trưởng thành cả về nhan sắc lẫn phong cách cá nhân. Quả là những hình ảnh đẹp mà nhiều cô gái muốn hướng tới.
Thế nhưng, đó chỉ là số ít, rất ít trong số hàng nghìn cô gái cũng xinh đẹp, cũng tự tin và tràn đầy hy vọng khi bước vào một đấu trường nhan sắc. Dù có 10 người hay 1000 người đi thi, người chiến thắng chỉ có 1, cùng lắm là có thêm 2 cô Á hậu, còn lại – nói một cách phũ phàng, 99% các cô đã thất bại trong trải nghiệm lấp lánh này.
Người ta vẫn nói rằng “ thất bại là mẹ thành công”, điều đó tất nhiên đúng. Nếu như thất bại trong cuộc thi hát, người ta có thể rút kinh nghiệm và tập hát cho hay hơn, trau dồi thêm kiến thức âm nhạc để trở thành ca sĩ, nhạc sĩ... Thất bại trong một bài thi Toán, ít nhất cũng học được thêm cách giải một bài toán mới, một cách tư duy mới… Hay ngay cả khi không học được thêm kiến thức, kinh nghiệm mới nào, mọi cuộc cạnh tranh thông thường, đều cho các thí sinh cơ hội tự đánh giá năng lực và xác định vị trí, giá trị của mình trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định, từ đó tìm ra hướng phát triển phù hợp cho bản thân, đó chính là giá trị của thất bại.
Thế nhưng, thất bại trong một cuộc thi hoa hậu thì chẳng rút ra được vấn đề gì.
Có một sự thật là, cho dù những nhà tổ chức có nghĩ ra bao nhiêu phần thi để chứng tỏ sự toàn diện của các cô gái, thì nội dung quan trọng nhất, điều mà người ta quan tâm nhất ở các cô – đó vẫn là nhan sắc. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng cuộc thi hoa hậu không chỉ là “khoe sắc”, như thế thì đâu có khác gì cuộc thi cây cảnh. Thi hoa hậu - đó là một hành trình dài vất vả và tốn kém, là công sức không chỉ của một mình thi sinh mà còn cả một ekip hùng hậu, nỗi thấp thỏm của biết bao ông bố bà mẹ có con đi thi. Và rồi, nếu như họ thuộc vào 99% thất bại kia thì chắc chắn, điều đầu tiên họ nhận được chính là sự thất vọng. Thất vọng cũng không sao, nhưng thất vọng vì cái gì nhỉ?
Họ đều là những cô gái đẹp, chẳng nhẽ lại thất vọng vì nhan sắc của mình? Việc “rút kinh nghiệm” để lần sau …đẹp hơn xem ra hơi khó. Liệu họ có được thêm những kinh nghiệm về trình diễn hay khả năng nói tiếng Anh sẽ lưu loát hơn… Rõ ràng, nếu chỉ để cải thiện những kỹ năng mềm, cải thiện khả năng ngoại ngữ thì các cô gái của chúng ta có thể lựa chọn những cách ít tốn kém và hiệu quả hơn. Đó là chưa nói đến, những kỹ năng có được từ một cuộc thi đặc thù giải trí như vậy, liệu có giá trị gì cho công việc của mỗi người sau này?
Vậy cuối cùng, giá trị của thất bại này ở đâu?
Có lẽ, ít nhiều, các thí sinh của một cuộc thi hoa hậu cũng có được một thứ - đó là bản lĩnh đối diện với áp lực. Nhưng cái giá cho chút bản lĩnh đó, dường như không được phải chăng cho lắm khi mà những bài học thực tiễn tương tự trên đường đời, trong công việc ở bất kỳ lĩnh vực nào, cũng nhiều vô số.
Những giọt nước mắt vô nghĩa
Quay trở lại với câu chuyện thần thoại, chỉ với việc tung ra trái táo “dành cho người đẹp nhất”, Eris – đứa con ghẻ, kẻ bị bỏ rơi- nữ thần của sự bất hoà đã tạo nên cuộc thi “hoa hậu của các vị thần”. Các “thí sinh” của cuộc thi này, không ai khác chính là Hera – nữ chủ nhân quyền lực của đỉnh Olympus – vị thần bảo trợ cho hôn nhân, Athemis - nữ thần trí tuệ cùng Aphrodite - nữ thần của cái đẹp và tình yêu.
Mỗi vị thần đều đại diện cho những phẩm chất vô cùng đẹp đẽ, nhưng khi tất cả bước vào cuộc đua nhan sắc, thì ngay cả nữ thần cũng chẳng hơn gì những cô gái người trần mắt thịt, thậm chí còn có phần bạo liệt hơn. Nếu chúng ta vẫn than vãn rằng: các cuộc thi hoa hậu sao mà quá lắm chuyện lùm xùm xung quanh, thì một lần nữa, hãy nhìn lại câu chuyện thần thoại trên, chỉ một “quả táo” thôi , 1 cuộc thi sắc đẹp giữa các nữ thần thôi đã dẫn đến “scandal” kinh điển, trường kỳ và đẫm máu - cuộc chiến thành Troy. Vậy mà chúng ta, những hậu duệ của nàng Eris, chỉ trong 1 năm tổ chức và đưa người đi tham dự đến mười mấy cuộc thi sắc đẹp, đương nhiên là không thể thiếu những chuyện ì xèo.
Có một sự thật là, rất khó để nhớ được cô nào, thi hoa hậu gì nhưng chắc chắn, có một hình ảnh dù không muốn cũng không thể quên - đó là giọt nước mắt của những cô gái trẻ xinh đẹp, phần lớn trong số đó không phải là những giọt nước mắt hạnh phúc. Mai Ngô khóc vì “cuộc thi đã giết chết cái tên của tôi”, Huyền My khóc tức tưởi vì trượt top 5, Hoàng Thuỳ bật khóc vì bị chê lạm dụng ca dao tục ngữ , Ngân Anh khóc vì đã “can đảm” tháo sụn mũi mà vẫn không được công nhận. Và mới đây nhất, tuy chưa khóc, nhưng chắc chắn H'Hen Niê cũng rất buồn vì những lời nhận xét như dao như cọc đâm vào trái tim cô.
Cho dù xét về mặt lý thuyết, họ đều là những người trưởng thành, đủ tuổi để chịu trách nhiệm về quyết định và lựa chọn của mình. Nhưng thực sự, một cô gái mới ngoài đôi mươi có cần thiết phải chịu những sự đả kích cả vô tình và hữu ý về ngoại hình, về phẩm cách như vậy, trước báo chí, trước khán giả, trước hàng vạn, hang triệu ánh mắt thân sơ hay không? Để làm gì?
Sau tất cả những nỗ lực hoàn thiện bản thân, sau tất cả sự cống hiến cho những màn trình diễn nhan sắc lộng lẫy, tại sao những cô gái mỏng manh vẫn phải đối diện với những lời phán xét nặng nề đến như vậy? Vương miện cho người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp có nên đổi tên thành phần thưởng cho kẻ can đảm nhất?
Một bông hoa không thể đại diện cho cả rừng hoa
Công bằng mà nói, những cuộc thi hoa hậu, bản thân nó cũng hướng đến những mục đích tốt đẹp. Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như đó đơn thuần là sân chơi cho những thiếu nữ tài sắc, cổ vũ sự tự tin và vẻ đẹp của phụ nữ. Bằng chứng là chúng ta không hề thiếu những nàng hậu quốc dân, thực sự tìm được chỗ đứng của mình trong lòng công chúng với nhan sắc trời ban, phong cách sống đáng ngưỡng mộ và những đóng góp giá trị trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Phải thừa nhận rằng, họ là những cô gái thật sự bản lĩnh và đôi khi, phải có những suy nghĩ chín chắn hơn hẳn những gì lứa tuổi của mình cần có. Bởi lẽ, hầu hết những cuộc thi Hoa hậu là dành cho những cô gái trẻ, có cô chỉ mới chân ướt chân ráo bước ra từ trường cấp 3, chưa va vấp, cũng chưa thể tự lập, việc kỳ vọng ở họ một hình ảnh toàn diện, mẫu mực xứng tầm đại diện cho phụ nữ của cả một đất nước thực sự là một đòi hỏi có phần quá sức.
Thực tế, phụ nữ đang tham gia tích cực trong rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, trong đó có cả những lĩnh mà trước đây được xem là thế mạnh của đàn ông. Chúng ta có những nữ chính trị gia, những nữ phi công, những nhà khoa học đầu ngành , chúng ta có cả những cô lao công cần mẫn, những bác nông dân yêu mùa màng, chúng ta có cả những bà mẹ bỉm sữa, những bà nội trợ thông thái… Mỗi phụ nữ, trong mỗi công việc đều có những vẻ đẹp rực rỡ hay khiêm nhường khác nhau. Bản thân họ chính là đại diện cuộc sống mà họ tự tin theo đuổi.
Hãy nhìn vào một ví dụ cực kỳ nóng bỏng, xinh đẹp, ngọt ngào mà không một ai không biết đến – Ngọc Trinh. Vào năm 2014, Ngọc Trinh cũng từng thi một cuộc thi người đẹp và được giải. Nhưng rồi, danh hiệu đó không những không giúp ích gì cho sự nghiệp của cô mà còn khiến cô bị gắn mác “hoa hậu ao làng”.
Giờ đây, Ngọc Trinh hình như cũng quên chiếc vương miện đó rồi, vậy nên cô thích mua túi hiệu thì mua, thích yêu ai thì yêu, thích nói gì thì nói. Cho dù người ta có không hài lòng về cách sống, phát ngôn của cô, nhưng danh xưng “nữ hoàng nội y” - sự khẳng định vị trí và năng lực của Ngọc Trinh trong chuyên môn làm người mẫu nội y thì không ai có thể chối bỏ. Cũng may là Trinh không còn muốn đại diện cho phái đẹp, nếu không chẳng phải chúng ta đã mất đi một cô người mẫu thú vị sao.
Giờ đã là năm 2018 rồi, chúng ta đề cao cái gọi là “sự đa dạng" trong nhân loại, chúng ta đề cao cá tính và sự độc đáo của mỗi con người. Hãy để Hoa hậu trở về đúng với ý nghĩa ban đầu, đó là một cô gái có nhiều phẩm chất đẹp, nhưng chỉ nên thế thôi, đừng bắt một bông hoa phải đại diện cho cả rừng hoa.
“Cháu là cô gái xinh đẹp nhất thế gian.”
Xoay quanh cuộc đua nhan sắc của phái đẹp có rất nhiều tác phẩm hay. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ phải kể bộ phim đến Little Miss Sunshine, một bộ phim kể về hành trình đến với cuộc thi Hoa hậu nhí bang California của cô bé Olive và cả nhà. Một cô bé với ngoại hình mập mạp, phong cách lôm côm ảnh hưởng từ chính gia đình có phần không bình thường của em… Olive hoàn toàn không có phẩm chất gì phù hợp với một cuộc thi nhan sắc nhí. Dù luôn tỏ ra lạc quan và hết sức tập trung vào cuộc thi, nhưng cũng như bất kỳ thí sinh nào khác, bất kỳ cô bé con nào, Olive cũng có một câu hỏi, một nỗi lo lắng quen thuộc và nỗi lo lắng ấy càng trở nên đáng sợ hơn, trước ngày diễn ra cuộc thi Hoa hậu
Ông ơi! – Olive hỏi ông nội – cũng là Huấn luyện viên của mình.
Sao thế Olive?
Cháu có xinh không ạ?
Đó có thể là một câu hỏi rất đỗi bình thường với bất kỳ ông bố, bà mẹ nào có con gái. Nhưng nếu như theo dõi bộ phim, nỗi lo lắng của Olive lại khiến trái tim những người lớn như thắt . Cho dù không xinh đẹp như búp bê, một cô bé có tài năng chữa lành những tổn thương với sự bao dung, tinh thần lạc quan và những cử chỉ ấm áp như Olive, hoàn toàn chẳng cần đến một cuộc thi nào để có được danh hiệu “ cô bé xinh đẹp nhất thế gian”. Sự xinh đẹp của em toả sáng lấp lánh dù cho vóc dáng của em có béo lùn, và những màn trình diễn của em có kỳ cục ra sao. Chỉ cần một lần được ánh sáng từ em toả đến, những người xung quanh sẽ muốn bảo vệ ánh sáng đó đến cùng.
Và đó có lẽ cũng là cách mà những cô gái của chúng ta cần được đối xử. Phụ nữ, tốt hơn hết, không nên bị đánh giá, quy định về nhan sắc, tính cách hay trí tuệ bởi bất kỳ một ban giám khảo hay một cuộc thi nào. Họ luôn đẹp nhất vì họ là những cá thể duy nhất, và vẻ đẹp của phụ nữ, sưởi ấm trái tim tất cả chúng ta.
Theo Phương Trang/Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất