Tượng sáp Hoài Linh giống như thật
Sáng 16/11, phóng viên theo chân một số nghệ sĩ thâm nhập xưởng đúc tượng sáp chân dung nghệ sĩ tại huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Nhiều bức tượng sáp thuộc dự án đúc 100 bức tượng sáp của những nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, ca nhạc đã có cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà đang dần hoàn thành là động lực khiến nhiều nghệ sĩ đến tham quan xưởng đúc tượng này.
Tiến sĩ - nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thị Hải Phượng bên cạnh bức tượng sáp NS Hoài Linh. |
nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông và NS Kiều Phượng Loan với hai gương mặt nghệ sĩ Kim Cương, Thanh Kim Huệ. |
Tiến sĩ – nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thị Hải Phượng cho biết rất vui khi được ba nhà điêu khắc: Nguyễn Văn Đông, Thái Ngọc Bình, Nguyễn Thị Diện chọn để đúc tượng. Chị là một trong rất ít các nghệ sĩ đàn dân tộc có được vinh dự này.
NS Kiều Phượng Loan và chân dung NSND Thanh Tòng. |
Giáo sư nhạc sĩ Phương Oanh, đang ở Pháp, cũng có tên trong danh sách được mời về Việt Nam để lấy số đo cho việc đúc tượng. Ngoài ra, GS-TS Trần Quang Hải, GS Nguyễn Vĩnh Bảo, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, thạc sĩ Huỳnh Khải, Nghệ nhân Ba Tu… là những người có tên trong danh sách 100 bức tượng đợt 1 của xưởng này.
NS Kiều Phượng Loan và Mỹ Chi bên cạnh bức tượng danh hài Hoài Linh. |
Xưởng đúc tượng có gần 30 thợ thủ công, nhà điêu khắc làm việc hăng hái. Hai bức tượng đang dần hoàn thiện là Cẩm Tiên và ca sĩ Lý Hải. Tượng của danh hài Hoài Linh đã hoàn thành và được các nghệ sĩ tham gia chuyến đi chụp ảnh nhiều nhất.
“Tôi bước vào xưởng đúc tượng, thấy Hoài Linh ngồi, cứ tưởng anh ấy cũng như chúng tôi đến để lấy số đo. Nhưng khi tôi nhìn kỹ lại thì đó chỉ là một bức tượng” – Mỹ Chi cho biết.
Các chuyên viên gắn tóc lên khuôn mặt các bức tượng nghệ sĩ. |
Nhà điêu khắc Thái Ngọc Bình chia sẻ: “Mỗi bức tượng có giá từ 300 - 400 triệu đồng, được làm trong ba tháng. Thậm chí, kiểu tóc của mỗi tượng chúng tôi mời đúng những thợ làm tóc mà nghệ sĩ được đúc tượng quen làm đến để họ đến cắt, uốn, ép. Do đó tóc của các tượng khi được chế tác đều để dài tự nhiên, chưa cắt uốn. Các kiểu lông mi, nếp nhăn, đường cong trên gương mặt, thân thể đều được đo đúng tỉ lệ bằng các thiết bị hiện đại".
Các nghệ sĩ sẽ tư vấn cho các nhà điêu khắc cách tạo dáng đúng với nhân vật sân khấu, vai diễn mà họ yêu thích. Ví dụ như nghệ sĩ Tú Trinh với vai Nguyễn Thị Lộ (vở Bí mật vườn Lệ Chi), Mỹ Chi (bà Táo trong chương trình kịch Táo quân ngày Tết), Kiều Phượng Loan (vai Nữ vương trong vở Truyền thuyết tình yêu)…
Đặc biệt, các nhà điêu khắc này chia sẻ họ chọn vai diễn đề xuất với nghệ sĩ dựa theo danh sách đã được bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn Giải Mai Vàng từ năm 2006 đến nay. Vì hầu hết các vai diễn đó cũng đều được bản thân các nghệ sĩ cũng yêu thích trong sự nghiệp nghệ thuật của họ.
NS Kiều Phượng Loan, Mỹ Chi bên cạnh hai bức tượng ca sĩ Lý Hải và NS Cẩm Tiên. |
Theo bà Nguyễn Thị Diện – Tổng giám đốc Công ty Tượng sáp Việt, hiện nay công trình này đã được Công viên Tao Đàn trình lên UBND TP.HCM để xin ý kiến cho việc bố trí mặt trận trong công viên, sớm ra mắt khán giả, người hâm mộ bảo tàng tượng sáp nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam.
“Sau dự án này, chúng tôi sẽ triển khai bảo tàng 54 dân tộc anh em Việt Nam, hiện tư liệu chuyên môn từ phục trang, thiết kế cho đến những vũ điệu dân gian, văn hóa vùng miền của dự án này đã được hoàn chỉnh để tiến hành việc đúc tượng” – bà Nguyễn Thị Diện cho biết.
Tiến sĩ - nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thị Hải Phượng bên cạnh bức tượng sáp nhạc sĩ Văn Cao. |
Video được xem nhiều nhất