Tùng Dương: “Nghệ sĩ cần có chút cực đoan”

Tuổi trẻ - 11/12/2015, 16:25

Tùng Dương thoắt ẩn thoắt hiện. Buộc được anh ngồi vào một cuộc trò chuyện thật không dễ, nhất là trước những ngày vào chương trình Thập kỷ hoan ca lại càng khó.

Ca sĩ Tùng Dương hát Chiếc khăn piêu trong đêm hòa nhạc tại Nhà hát TP.HCM tối 11-8-2014  - Ảnh: Gia Tiến

Ca sĩ Tùng Dương hát Chiếc khăn piêu trong đêm hòa nhạc tại Nhà hát TP.HCM tối 11-8-2014 - Ảnh: Gia Tiến

Mới đây mà đã hơn 10 năm, kể từ ngày Tùng Dương đứng trên sân khấu Sao Mai điểm hẹn 2004, đem lại một không gian đầy khác biệt cho khán giả. Khi trả lời câu hỏi về một Tùng Dương với khoảng cách 10 năm ấy, anh im lặng giây lát rồi cười: “Khác, khác nhiều lắm, nhưng Tùng Dương vẫn là một Tùng Dương không đổi”.

Vì lúc nào cũng có thể mất chính mình...

Tùng Dương không thay đổi, nhưng thận trọng hơn với thế giới âm nhạc mà anh đã chọn. “Lúc nào cũng có thể mất chính mình” - Tùng Dương nói. Cuộc sống mở ra, nhiều cơ hội trình diễn hơn, nhiều cơ hội vinh danh hơn và nhiều cơ hội kiếm tiền hơn, nhưng chỉ cần đi lệch một chút nghệ sĩ có thể trở thành con buôn, hoặc trở thành nô lệ cho chính tên tuổi của mình.

Tùng Dương bảo mình trân trọng các giải thưởng đã được nhận (Dương có cả tá giải thưởng về âm nhạc trong 10 năm qua), nhưng đó cũng là một gánh nặng ghê gớm. Dương nói nghệ sĩ thích tự do, hát hò tung tăng, nhưng đôi khi chợt nhớ đến các giải thưởng thì giật mình bởi đó là trách nhiệm. “Sống và nhớ đến trách nhiệm là một gánh nặng, dù cần thiết, anh có thấy thế không?” - Dương hỏi, nhưng chính anh tự có câu trả lời.

Trách nhiệm là những bài hát mà Dương ghi dấu trong 10 năm. Lúc thì vượt ra khỏi phần nhạc nền như một người kể chuyện bằng giai điệu thảng thốt, lúc thì chìm vào hòa âm như giọng hát của mình là một nhạc cụ, cùng tấu lên phần diễn giải của tiếng lòng. Nhạc sĩ Minh Châu kể ngay những ngày đầu khi Tùng Dương bước vào cuộc chơi, sự độc đáo của anh đã làm cả phòng thu thích thú khi thu bài Chàng trai nước Việt. Lối luyến láy điệu nghệ dân ca Bắc bộ khiến tâm tình của một thanh niên kiêu hãnh với dòng giống của mình, nhưng cũng đầy tâm cảm cho vận nước nổi trôi, cùng bật lên làm người nghe có thể chìm đắm vào những nghĩ suy riêng. Nhạc sĩ Minh Châu nói chủ đề nhỏ đó đã khiến Tùng Dương chạy đi chạy về mấy lần để hát cho vừa ý, cho có trách nhiệm. Lúc ấy Tùng Dương chưa có giải thưởng nào trong đời!

Dành dụm khoảng không

10 năm trong đời một nghệ sĩ, người ta có nhiều cơ hội để làm giàu từ công việc của mình. Tùng Dương không giàu. Khi được hỏi có mặc cảm không khi là một danh ca nhưng Dương vẫn chưa thể xênh xang tiền của như anh A, chị B..., Dương bật cười sảng khoái: “Tôi vẫn đủ ăn đủ mặc, vẫn có thể mua được chiếc áo mình thích, có được thời gian mua vé xem chương trình nào mình muốn, vậy thì tại sao phải giàu hơn, giàu hơn để làm gì?”.

Chọn âm nhạc như một người bạn đường, Tùng Dương không muốn lìa xa hay lạm dụng. Ngoài những lúc học hỏi, tập hay trình diễn, im lặng và chiêm nghiệm phần âm nhạc của mình cũng là một cách để sống với công việc mà Dương không muốn đánh đổi bằng các sô diễn. “Tôi phải từ chối và dành dụm những khoảng không đó cho một cuộc sống nghệ sĩ. Có thể tôi rất cực đoan trong việc coi nghệ sĩ phải dành thêm thời gian cho thế giới riêng của mình, nhưng cực đoan như vậy là cần thiết bởi hối hả với danh và lợi thì mình sẽ tiếc nuối ghê lắm những tháng năm này” 
- Tùng Dương nói.

Mặt “cực đoan” của Dương thì có nhiều điều để nói. Anh cực đoan đến mức xã giao rất rộng nhưng không có bạn nghề vì tự nhận thấy nếu chỉ ngồi lê đôi mách, kể về những thành quả vật chất... mà không giúp gì được cho tâm hồn mình thì Dương rút lui. Đó là lý do Tùng Dương ít tụ tập hội hè, ít xuất hiện bề nổi. Anh từ chối nhiều cuộc phỏng vấn, nhiều lần làm giám khảo trên truyền hình. “Nghệ sĩ thật sự sẽ gầy mòn vì bề nổi?” - “Thật không? Hay đó chỉ là cách nói và bào chữa của một người trốn chạy vì thất bại?”. Tùng Dương bật cười còn lớn hơn: “Khi nào khán giả nói tôi hát rất tệ, lúc đó mới là thất bại”.

Hình ảnh Tùng Dương trong poster của live show Thập kỷ hoan ca - Ảnh: NVCC

Hình ảnh Tùng Dương trong poster của live show Thập kỷ hoan ca - Ảnh: NVCC

“Không thể đẹp như hotboy, vậy hãy để tôi là Trương Chi!”

Trong thư của nhiều bạn đọc gửi về, qua nhiều năm tháng, Tùng Dương cũng học được ít nhiều và cũng mạnh mẽ hơn phần “cực đoan” của mình. Có lúc khán giả gửi thư khen ngợi, nhưng cũng có lúc gửi thư chỉ trích chuyện ăn mặc trên sân khấu của anh. Tùng Dương có lúc hốt hoảng thay đổi, có lúc nổi loạn bất cần, nhưng rồi chặng đường 10 năm đã cho anh một cái nhìn khác, trung dung hơn nhưng cũng quyết liệt hơn khi đứng trên sân khấu. “Tôi không thể đẹp như hotboy, vậy hãy để tôi là Trương Chi với tiếng hát của mình dâng hiến cho đời. Hãy để Trương Chi giữ lại phần riêng của mình trong cách chọn lựa xuất hiện” - Tùng Dương nói.

Năm 2005, Tùng Dương từng bày tỏ giọng ca anh yêu thích nhất là Thanh Lam. Năm 2015, live show Thập kỷ hoan ca vẫn là Thanh Lam đứng cùng sân khấu với Tùng Dương. Lối hát và “nhập” vào sân khấu, nhập vào ca khúc mà người trình diễn thấy mình rợn cả da gà trong lúc cao trào là thứ mà Tùng Dương nói mình có thể tìm thấy khi đối mặt với Thanh Lam. Anh nói mình từng trải qua cảm giác khó tả đó trong live show trước, và nay đó cũng là một ước muốn thầm kín trong chương trình lần này.

Có lần ngồi nghe Tùng Dương hát bài Quê nhà của mình, nhạc sĩ Trần Tiến cúi mặt, im lặng, không nói lời nào. Đến khi khán giả vỗ tay, ông mới quay sang cười. Trần Tiến là người có cái cười miệng rộng nhất mà tôi được biết, lần này ông cười với nụ cười rộng kỷ lục. Mắt nheo nheo, ông nói, giọng đểu sao ấy “thế thôi nhể!”. Nhạc sĩ Trần Tiến không là người dễ tính. Năm 1998, ông từng đòi kiện Công ty sản xuất Vafaco vì hòa âm bài Vết chân tròn trên cát của ông không hợp tempo, nhịp điệu. Nhưng nghe Quê nhà do Tùng Dương hát thì chỉ còn cười.

Chia tay Tùng Dương, với câu chuyện về Thập kỷ hoan ca, chàng ca sĩ mặc chiếc áo may rất khéo và lạ, nói mình đi về, và anh cũng vô tình nói “thế thôi nhể”. Cũng may, 10 năm đi qua, với tiếng hát và sự “cực đoan” với con đường mình đã chọn ấy, khán giả vẫn luôn tìm thấy một Tùng Dương hát hay hơn, dày dạn và thâm trầm hơn. Sân khấu ca nhạc Việt Nam vốn thiếu thốn điểm tựa cho một niềm tin, có lẽ chỉ cần tìm thấy những nghệ sĩ như vậy, thế thôi nhỉ?

Hát lên, giống như một lời ngỏ

Tùng Dương không có nhiều album. Anh chắt chiu với Những ô màu khối lập phương, Li ti, Độc đạo vì thấy chuyện hát lên giống như một lời ngỏ, mà nghệ sĩ không thể ngỏ lời lung tung, vội vã và vô tội vạ. Khi đã chọn một bài hát, đối với Tùng Dương, là một nỗ lực bí mật đầy kiên nhẫn. Ngay cả với live show lần này, anh nói khiêm tốn là không có gì mới ngoài việc nhắc lại mình với một cấp độ khác, không gian khác, vậy thôi.

Thập kỷ hoan ca - những thời khắc 
thăng hoa

Trên sân khấu Thập kỷ hoan ca tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, trong hai ngày 12 và 13-12 Tùng Dương sẽ tái hiện không gian âm nhạc của các nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Trần Tiến, Đỗ Bảo, Giáng Son, Lưu Hà An và Sa Huỳnh, với những bài hát hay nhất đã đi cùng Tùng Dương suốt chặng đường 10 năm. Mỗi bài hát được cân nhắc chọn lựa sẽ nhắc khán giả nhớ lại những thời khắc thăng hoa nhất của chàng ca sĩ độc đáo, kết hợp cùng những không gian mới mẻ khác có được từ sự tham gia của những khách mời, cũng là những nghệ sĩ giàu sáng tạo và cá tính của nhạc Việt: Thanh Lam 
và Lê Cát Trọng Lý.

 

TUẤN KHANH

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất