NS Nguyên Lê: Giọng hát Tùng Dương là của hiếm trên thế giới

Zing - 09/12/2015, 08:42

Theo nhạc sĩ người Pháp gốc Việt Nguyên Lê, giọng hát của nam ca sĩ "Chiếc khăn Piêu" chính là món quà của thượng đế.

Nhạc sĩ Nguyên Lê vừa trở về Việt Nam tham gia chương trình Dòng thời gian. Lần đầu tiên, nhạc sĩ Pháp, gốc Việt sẽ chơi tác phẩm Dạ cổ hoài lang theo phong cách Jazz. Thổi hồn vào những tác phẩm cổ điển bằng âm hưởng hiện đại hoặc đem những âm thanh đậm chất Việt Nam vào âm nhạc của mình đã trở thành thương hiệu của Nguyên Lê. 

Nhạc sĩ Nguyên Lê là người góp phần tạo nên thành công của ca sĩ Tùng Dương với bài hát Chiếc khăn Piêu, album Độc đạo.

"Bản ngã mách bảo tôi tìm về với âm nhạc Việt"

- Điều gì khiến ông về nước thực hiện chương trình Dòng thời gian? 

Tôi về Việt Nam theo lời mời của anh Quốc Trung. Đây là chương trình được xây dựng công phu khi kết hợp hai yếu tố dân tộc và đương đại khiến tôi rất tâm đắc. Vui hơn nữa là tôi được trình diễn âm nhạc bên cạnh những nhạc công thân thiết đến từ Đức và Pháp. Ngoài ra, tôi cũng hào hứng khi kết hợp với những nhạc công dân tộc như Hoàng Anh, Lê Mai, ca nương Kiều Anh.  

- Sinh ra ở Pháp, nói tiếng Pháp, điều gì khiến một người tưởng như “mất gốc” Việt lại trở về với âm nhạc đậm chất truyền thống?

- Bố mẹ tôi là người Việt nhưng tôi sinh ra ở Pháp. Vốn tiếng Việt hầu như không có. Sự trở về với nhạc truyền thống là sự tìm lại bản ngã của chính mình. Ngay thời điểm trở thành nhạc sĩ năm 1989, bản năng đã mách bảo tôi đến với nhạc truyền thống dân tộc. Đưa âm nhạc Việt vào tác phẩm của mình, rõ ràng tạo nên một cá tính riêng, không thể trộn lẫn giữa dòng chảy của âm nhạc Pháp và thế giới.

Tôi đến với nghệ thuật tự nhiên, không mưu cầu tiền bạc nên hoàn toàn thỏa mãn và hạnh phúc. Nếu làm âm nhạc mà mục đích là hướng đến kinh tế buộc bạn phải làm những điều không muốn do đó sẽ khó tìm được hạnh phúc. Quan điểm làm nghệ thuật của tôi không phải là làm sao kiếm được nhiều tiền nhất từ nghệ thuật mà làm sao để làm nó một cách hoàn hảo nhất.

- Rất nhiều nhạc sĩ kỳ cựu trong làng nhạc Việt cảm thấy chán nản trước sự phát triển “khác người” của âm nhạc Việt Nam như tác phẩm ra đời nhiều nhưng chết yểu, ca sĩ không có giọng hát thì nổi đình đám... Còn ông, ông nhìn nhận thế nào về thị trường nhạc Việt Nam hiện đại? 

- Đây là vấn đề mà hầu hết các nước đang phát triển đều phải đối mặt. Ở đây, âm nhạc bị chi phối rất nhiều bởi yếu tố kinh tế. Họ muốn sử dụng âm nhạc để kiếm tiền. Khi mục đích là tiền, đặt trên âm nhạc sẽ làm nghệ sĩ mất đi cái tôi cá nhân. Sống trong thời cuộc này, nghệ sĩ buộc phải cân bằng hai yếu tố nghệ thuật và kinh tế. Điều quan trọng nhất, nếu họ thực sự đam mê và tâm huyết, họ sẽ đi được đường dài.

Tôi nhớ, lần đầu về nước năm 1979, nhạc Việt chưa biết đến Jazz là gì, còn bây giờ thì đã tốt hơn nhiều. Tôi không muốn nói nhiều đến những vấn đề chuyên môn vì bản thân chưa hiểu hết nhưng nhìn vào sự vận động, thay đổi thì chúng ta có quyền hy vọng vào những bước tiến trong tương lai. Việt Nam có nhiều ca sĩ tài năng.

Nhạc sĩ Nguyên Lê tại buổi tổng duyệt chương trình Dòng thời gian.

Ấn tượng với Lê Cát Trọng Lý

- Ở Việt Nam, Tùng Dương là ca sĩ làm việc với ông nhiều nhất. điều gì ở nam ca sĩ khiến ông nhiệt tình kết hợp ngay cả trong lúc bị bệnh?

- Tôi đánh giá cao giọng hát của Tùng Dương. Có thể nói đó là giọng hiếm có, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Nói không quá thì đó đúng là món quà của thượng đế. Khát khao chinh phục những cái mới, khát khao được sáng tạo cũng là điều đáng quý ở cậu ấy. Còn chuyện bệnh tật, tôi không muốn nhắc tới trong công việc. Thực ra, đó không phải chuyện gì to tát, bệnh tuổi già thôi mà. 

- Ngoài Tùng Dương, ông còn đánh giá cao những ca sĩ nào ở Việt Nam?

- Tôi cộng tác với khá nhiều các ca sĩ trong nước, mỗi người có sự thú vị riêng. Tôi từng cộng tác với ca sĩ  Mỹ Linh năm 2010-2011, Thanh Lam trong dự án với Quốc Trung. Bên cạnh đó, ca sĩ trẻ Lê Cát Trọng Lý cũng rất ấn tượng. Các bạn ấy đều rất tài năng, giàu nhiệt huyết. Tôi mong muốn sẽ được làm việc nhiều hơn nữa với các ca sĩ Việt Nam.

- Những bản hòa âm của ông dành cho dự án Độc đạo vô cùng công phu bởi tất cả được tạo nên từ những vòng hòa thanh phức tạp, đầy đặn, giúp giọng hát Tùng Dương thăng hoa. Tuy nhiên, dòng nhạc world music vẫn xa lạ với khán giả Việt. Ông nghĩ gì về điều này?

- Điều này là đương nhiên. Âm nhạc cũng như cuộc sống vốn đã phức tạp, có đen, trắng và rất nhiều màu. Mỗi người lại gout thưởng thức khác nhau. Theo tôi âm nhạc không đơn giản là ngành giải trí, mà nó là nghệ thuật. Đã là nghệ thuật thì làm sao phải kích thích người ta nghe, tìm tòi, khám phá, chứ không phải chiều chuộng cảm xúc bản thân.

Nhạc sĩ Nguyên Lê từng hợp tác với Mỹ Linh, Thanh Lam, Lê Cát Trọng Lý.

- Một ngày của nhạc sĩ ở Pháp thế nào?

- Hàng ngày, tôi gặp gỡ nhiều ca nhạc sĩ ở khắp nơi trên thế giới, đi biểu diễn ở các nước khác nhau, làm sản phẩm của mình. Dù hiện tại số lượng người mua đĩa càng ngày càng ít nhưng đó vẫn là khoản thu nhập của tôi. Nếu rảnh rỗi, tôi sẽ vẽ tranh hoặc đọc sách. Có thể nói 90% thời gian tôi dành cho âm nhạc. Mọi việc trong nhà, đều do bà xã chăm lo.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất