Sự nghiệp lừng lẫy của Thanh Lan

Zing - 21/08/2015, 19:25

Thanh Lan là một ca sĩ, diễn viên Việt Nam nổi tiếng. Cô là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi thành công trên cả ba lĩnh vực âm nhạc, sân khấu và điện ảnh.

Ca sĩ Thanh Lan, nổi tiếng với các ca khúc Pháp, là một trong những gương mặt tiêu biểu cho thời kỳ đầu của nhạc trẻ ở Sài Gòn. Với điện ảnh, cô đã tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng như Tiếng hát học trò, Lệ đá, Yêu, Gánh hoàng hoa, Ván bài lật ngửa, Ngoại ô, Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc, Chiều sâu tội ác, Hai chị em, Cao nguyên F.101, Ba biên giới,…

Cô được xem là một hiện tượng của thời ấy.

Thanh Lan tên đầy đủ là Phạm Thái Thanh Lan, sinh năm 1948 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Sinh trưởng trong một gia đình học thức, khá giả nên từ nhỏ Thanh Lan đã được gia đình cho vào Sài Gòn, theo học trường Tây. Thời tiểu học, cô học trường Saint Paul - một trường dòng nội trú nổi tiếng dành cho con gái những gia đình quý tộc Sài Gòn nằm trên đường Cường Để (Tôn Đức Thắng bây giờ). Chính tại đây, cô đã được các sơ dạy hát và học đàn piano.

Sau đó, Thanh Lan được mẹ dắt đến nhờ vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hướng dẫn thêm. Nhờ vậy, khả năng cảm thụ nhạc lý và biểu diễn của Thanh Lan ngày càng tinh tế. Mẹ của cô rất cưng chiều và hãnh diện trước năng khiếu của cô con gái xinh đẹp. Về sau, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi đã giới thiệu và gửi gắm Thanh Lan đến ban nhạc Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức.

Sinh trưởng trong một gia đình học thức, khá giả nên từ nhỏ Thanh Lan đã được gia đình cho vào Sài Gòn, theo học trường Tây.

Giọng hát vui tươi, tràn đầy sức sống của Thanh Lan gây được sự chú ý và làm hài lòng ông thầy khó tính. Bầu Nguyễn Đức cho cô thu âm bài Vui đời nghệ sĩ (Văn Phụng) phát trên đài. Cái chất giọng nhỏ nhẹ, tròn rõ, trong trẻo ấy cuốn hút đến nỗi ban biên tập ở đài đã mời cô phụ trách mục trả lời thư và các bài sưu tầm giới thiệu danh nhân.

Năm lớp 11, khi ấy Thanh Lan đang theo học trường Marie Curie. Cô gia nhập ban nhạc Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà – ban nhạc đầu tiên có khuynh hướng Việt hoá nhạc trẻ ở Sài Gòn. Rời ban văn nghệ Việt Nhi, Thanh Lan gia nhập đoàn văn nghệ học sinh – sinh viên Nguồn Sống. Ở đây, cô thường hát dân ca và nhạc tiền chiến và ghi tên học các lớp dân ca và đàn tranh tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ tại Sài Gòn.

Trong chương trình văn nghệ học đường quay hình trên đài Truyền hình Sài Gòn, Thanh Lan xuất hiện trong tiết mục dân ca ba miền và liền sau đó đã được đài truyền hình liên tiếp mời tham gia chương trình nhạc tình ca. Đó là những năm 1967, 1968 khi Sài Gòn mới có những chương trình truyền hình đầu tiên. Từ năm 18 tuổi, Thanh Lan đã diễn vai chính nhiều vở kịch truyền hình trong ban kịch Vũ Đức Duy.

Nữ ca sĩ chụp ảnh cùng các đồng nghiệp.

Ngay từ khi vào năm thứ nhất của Đại học Văn khoa, Thanh Lan bắt đầu trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Cô tham gia hát trong rất nhiều băng nhạc, hình ảnh Thanh Lan cũng hiện diện trên các bìa bản nhạc bày khắp nơi. Trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ Việt Nam, Thanh Lan là một trong những khuôn mặt quen thuộc nhất với những ca khúc lời Pháp.

Nụ cười thật tươi đã để lại những cảm tình sâu đậm đối với người nghe qua cách phát âm thật rõ ràng cả hai ngôn ngữ Pháp và Việt như qua nhạc phẩm Mon amie la Rose do chính cô soạn lời Việt dưới tựa đề Nụ hồng mong manh, diễn tả đời một người con gái tựa như một đóa hoa hồng trong nội dung bài thơ của thi hào Ronsard mà cô rất mến mộ. Ngoài ra, Thanh Lan còn hát chung với nam ca sĩ Nhật Trường qua những tình khúc của Trần Thiện Thanh tạo thành cặp song ca ăn khách. Cô cũng từng đi lưu diễn ở một số nước trên thế giới.

Sự nghiệp điện ảnh của Thanh Lan bắt đầu vào năm 1970, khi cô đóng vai chính trong bộ phim Tiếng hát học trò của đạo diễn Thái Thúc Nha do hãng phim Alpha sản xuất. Với vai diễn đầu tay này, Thanh Lan đã đoạt giải nữ diễn viên triển vọng nhất của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 1971. Nhưng phải nói, đến phim Yêu do Đỗ Tiến Đức đạo diễn mới mở đầu cho Thanh Lan trở thành “quả bom sex” nổi tiếng trong thế giới điện ảnh sau này.

Nếu coi như là hoạt động có tính cách chuyên nghiệp thì đến năm 1973 mới có thể coi là Thanh Lan chính thức góp mặt trong những phòng trà và vũ trường Sài Gòn trong khi trước đó cô chỉ thu băng nhạc hoặc những chương trình truyền hình ngoài giờ học. Trong năm này tại Nhật Bản, cùng đi với hai nhạc sĩ Ngọc Chánh và Phạm Duy, Thanh Lan đã trình bày ca khúc Tuổi biết buồn được vào chung kết tại Đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha tại Tokyo. Cô còn ở lại Tokyo để thu âm hai bài Ai no hio Kesanaide Tuổi mộng mơ của Phạm Duy.

Thanh Lan đã nhận giải Diễn viên đẹp nhất miền Nam.

Năm 1973, ban kịch Vũ Đức Duy trình làng vở kịch Những người không chịu chết của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan trên truyền hình cũng như tại sân khấu rạp Thống Nhất và sân khấu Viện Đại học Đà Lạt với thành phần diễn viên: Thanh Lan, Vũ Đức Duy, Nguyễn Lập Chí, Lê Cung Bắc.

Trong vở kịch này, Thanh Lan đóng vai cô gái hơi bị tâm thần con ông bảo vệ trong một thương xá tại Sài Gòn. Ngoài một số vở kịch vui của ban kịch Vũ Đức Duy, Thanh Lan đã nhận nhiều vai chính trong những vở bi kịch như Mắc lưới, Chiếc độc bình Khang Hy, Người viễn khách thứ mười… Cô đã xuất hiện trong vở Chuyến tàu mang tên dục vọng tại sân khấu của Hội Việt Mỹ Sài Gòn.

Về lĩnh vực điện ảnh, cuối năm 1974 Thanh Lan đã nhận giải diễn viên đẹp nhất miền Nam Việt Nam do đạo diễn Lê Dân trao. Trước 1975, Thanh Lan đã tham gia đóng 8 bộ phim điện ảnh cùng với 2 phim truyền hình: Tiếng hát học trò (1970), Yêu (1971), Lệ đá (1971), Ngọc Lan (1972), Gánh hàng hoa (1972), Trên đỉnh mùa đông (1972), Xin đừng bỏ em (1973), Xóm tôi (1973), Mộng Thường (1973), Trường tôi (1974), Goodbye Saigon (1975) do hãng phim Amino Nhật và đạo diễn Nhật quay vào tháng 3 năm 1975, trong đó Thanh Lan thủ vai nữ chính bên cạnh hai diễn viên người Nhật.

Nữ ca sĩ - diễn viên hoạt động tích cực ở thị trường nhạc và phim ảnh những năm 1975

Sau năm 1975, Thanh Lan lại tiếp tục hoạt động sôi nổi bên lĩnh vực ca nhạc, nổi tiếng với các bài hát như: Cô đi nuôi dạy trẻ, Đi qua vùng cỏ non, Phượng hồng, Em đi chùa Hương, Triệu đóa hoa hồng, Khi xưa ta bé (Bang bang), Trở về mái nhà xưa, Búp bê không tình yêu, Samba Mambo... Cô tham gia hát nhiều nơi như Đoàn Kim Cương, đoàn Bông Hồng, đoàn Hương Miền Nam.

Song song cùng điện ảnh, vào năm 1984 khi đang chuẩn bị quay tiếp bộ phim Ván bài lật ngửa - tập 4 Cơn hồng thủyBản tango số 3 thì nữ diễn viên chính Thúy An mang thai, không thể tiếp tục tham gia vai diễn Thùy Dung với nhiều cảnh hành động. Để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất phim trong năm 1984, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đành tìm chọn diễn viên khác thay thế. Ông đã mời nữ diễn viên Phạm Thúy Lan, nhưng Thúy Lan đang bận đóng phim Vụ án hồ con rùa của đạo diễn Trần Phương. Cuối cùng đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời Thanh Lan và cô đồng ý tham gia bộ phim này.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất