Phương Uyên: "Nhạc sĩ phải là người hiểu thời cuộc"

Zing - 12/07/2015, 12:10

Hơn 30 năm theo đuổi âm nhạc, cuộc sống của Phương Uyên vẫn luôn tràn đầy những công việc và dự án nghệ thuật.

Được biết đến từ cuối thập niên 1980 cùng với nhóm nhạc Ba con mèo, Phương Uyên là một trong những nữ nghệ sĩ có quá trình làm nghề bền bỉ nhất trong làng nhạc Việt. Có một khoảng thời gian khán giả thấy cô im ắng, nhất là sau khi nhóm Ba con mèo tan rã, cũng có lúc người ta tưởng Phương Uyên gần như gục ngã với một vài sự cố không hay, nhưng cô vẫn âm thầm theo đuổi công việc rồi nhanh chóng lấy lại phong độ.

Phương Uyên không chỉ mạnh mẽ ở vẻ bề ngoài hay cách làm việc mà chất nhạc trong những tác phẩm mà cô sáng tác cũng mang phong cách tương tự. Xuyên suốt từ những năm 2000 đến nay, các ca khúc do cô viết ra bao giờ cũng mới mẻ, sáng tạo trong cả phần giai điệu lẫn hòa âm, phối khí. Đó là chưa kể nội dung trong các bài hát đều thấm đẫm một cái nhìn sâu sắc, nhân văn về đời sống, xã hội ở Việt Nam.

 

“Tuổi thì cũng lớn rồi đấy, nhưng mỗi lần có dịp lên sân khấu tôi vẫn quậy như thường. Vì đó đã là phong cách của mình từ trước đến nay rồi”- Phương Uyên chia sẻ.

Thoát khỏi phong cách cũ để tránh tụt hậu

Đầu tháng tư vừa qua, trong live show Dấu ấn diễn ra tại TP HCM, khán giả đã có dịp thấy Phương Uyên hội ngộ cùng hai thành viên của nhóm Ba con mèo và họ đã cùng nhau hòa giọng trong bản hit nổi tiếng nhất của nhóm - Mẹ yêu. Ngay từ khi ra mắt vào thập niên 1990, Mẹ yêu của Phương Uyên đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng với chất pop hiện đại pha trộn cùng một chút rock mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần xúc cảm, ngọt ngào.

Đó là khi người yêu nhạc Việt bắt đầu đón nhận một “luồng gió mới” dữ dội và độc đáo đến từ các sáng tác của Phương Uyên. Từ những bản nhạc viết ra trước năm 2000 như Sài Gòn cô tiên năm 2000, Yêu yêu yêu, Bên nhau mùa đông… cho đến các ca khúc sau này như Người yêu bé nhỏ, Em vẫn muốn yêu anh (Hồ Ngọc Hà), Chỉ có thể là tình yêu (Mỹ Tâm)..., Phương Uyên đều cho thấy những sắc màu đa dạng khác nhau trong các sáng tác của mình.

Đặc điểm trong các ca khúc của Phương Uyên ngoài việc tôn cao nữ quyền, ca ngợi vẻ đẹp của tình cảm gia đình còn được lồng ghép những vấn đề thời sự – xã hội rất hiện đại, song song đó còn là những cảm xúc trong mối quan hệ giữa người với người. 

Năm 2008, album Gia đình tôi mà Phương Uyên phát hành được xem là một “hiện tượng lạ” trong làng nhạc Việt. Bởi chủ đề âm nhạc gia đình thường không phải thể loại hút khách, nhưng Phương Uyên vẫn được đông đảo khán giả ủng hộ. Lý do rất đơn giản: âm nhạc của cô mang chất hiện đại, đậm tính nghệ thuật nhưng cũng rất phù hợp với đại chúng. Điều đó đã biến một album có phần hơi “già” như Gia đình tôi trở thành sản phẩm được yêu thích bởi nhiều người trẻ.

Phương Uyên dành nhiều thời gian cho việc sáng tác mọi lúc, mọi nơi. 

Chia sẻ về chuyện viết nhạc, Phương Uyên cho biết: “Tôi thường sáng tác dựa trên cả hai thứ: ngẫu hứng và đơn đặt hàng. Nhạc sĩ chuyên nghiệp thường không thể sáng tác chỉ dựa vào cảm xúc, mà cần có sự quan sát về đời sống, xu hướng, sự kiện xã hội để có thể viết nhạc sao cho hợp với thị hiếu. Đó là lý do vì sao mỗi khi nhận đơn đặt hàng, tôi thường dành rất nhiều thời gian để nghe nhạc, cập nhật xu hướng, thoát khỏi phong cách cũ của mình. Điều đó giúp tôi không bị tụt hậu”. 

Có lẽ, chính nhờ những tư tưởng mới mẻ mà dù đã hoạt động âm nhạc hơn gần 30 năm, các bài hát của Phương Uyên vẫn không bao giờ lỗi thời.

Những khán giả có dịp nghe ca khúc Cảm ơn mà Phương Uyên viết tặng cho Hồ Ngọc Hà hay Những trái tim Việt Nam mới sáng tác gần đây đều có thể cảm nhận được điều đó. Đó cũng là lý do khiến Phương Uyên ngày nay đã trở thành một tên tuổi được nhiều nhà phê bình lẫn các đồng nghiệp tin tưởng. Cô liên tục nhận được nhiều lời mời làm giám khảo, giám đốc âm nhạc cho các chương trình tìm kiếm tài năng mới. Bởi ở Phương Uyên có thứ mà hiếm người có được - “Một tâm hồn luôn luôn mới mẻ”.

Luôn "máu lửa" với nghề

Viết nhạc là điều không thể thiếu, còn biểu diễn thì Phương Uyên rất hạn chế. Cô chia sẻ: “Tuổi tác cũng lớn rồi, nên tôi thường ngại lên sân khấu, chỉ chuyên tâm phát triển chuyên môn thôi”. Thế nhưng, vừa nói xong, Phương Uyên lại chia sẻ thêm ngay: “Nhưng mỗi khi có dịp, đã lên sân khấu là tôi sẽ cháy hết mình, vì phong cách rock nó đã đóng đinh với mình rồi, bỏ không được”. 

Phương Uyên là thế, luôn máu lửa, dữ dội, đã không làm thì thôi mà đã làm thì sẽ làm “tới bến”. Có lẽ phong cách này một phần ảnh hưởng từ Michael Jackson, thần tượng của cô. “Michael Jackson là người truyền cảm hứng cho tôi rất mạnh mẽ. Ở trường học SAM mới mở, tôi có đặt phác họa một bức chân dung ông trên bức tường rất lớn, để mỗi khi nhìn lại có động lực làm việc”, Phương Uyên chia sẻ.

Có lẽ, do được thụ hưởng một sự giáo dục âm nhạc bài bản từ bé nên Phương Uyên cũng rất tâm huyết với chuyện dạy nhạc. Trong năm nay, Phương Uyên hạn chế nhận lời mời cộng tác vì cô muốn chuyên tâm dạy học. Ngôi trường SAM (viết tắt từ ba chữ Style – Phong cách, Art – Nghệ thuật và Music – Âm nhạc) dù mở chưa lâu, thậm chí chưa khai giảng mà vẫn có nhiều người tìm đến, điều đó khiến Phương Uyên rất vui.

Phương Uyên là thế, luôn máu lửa, dữ dội. 

“Tôi không dùng một giáo trình cho toàn bộ học viên mà mỗi người sẽ được thiết kế một giáo trình khác nhau. Quãng thời gian làm nghề cho tôi biết mỗi con người đều có ưu, khuyết điểm riêng nên cần được dạy dựa trên nền tảng của họ. Tôi không muốn xảy ra tình trạng như nhiều nơi khác, các em đi học từ năm này sang năm kia mà vẫn không trình diễn nổi một bài hát nào”, Phương Uyên chia sẻ.

Đảm nhiệm nhiều công việc như vậy, mỗi ngày của Phương Uyên thường bắt đầu từ 8h đến tận 22-23h ở phòng thu. Tuy nhiên, người phụ nữ này vẫn chưa có ý định dừng lại nghỉ ngơi một phút giây nào mà vẫn luôn nung nấu cho mình những dự án mới, dự định mới. Có thể nói, nếu thiếu vắng Phương Uyên, nền âm nhạc đương đại Việt Nam có lẽ sẽ mất đi phần nào sự sôi động của nó.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất