Ồn ào quanh “quốc phục” của Á khôi Thúy Vân
Bộ “quốc phục” của Á khôi Thúy Vân tại chung kết cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015 ở Nhật Bản ngày 5.11 tới vừa được trình làng, đã bị chê tơi tả. Cho dù đó là bộ trang phục làm bằng tay khá công phu, trong suốt ba tháng trời, được đính gần 2.000 viên pha lê tinh xảo.
- Thúy Vân trình diễn áo dài đính pha lê ở Hoa hậu Quốc tế
- Thúy Vân nền nã trong quốc phục thêu 2.000 viên pha lê tại Hoa hậu Quốc tế
- Thúy Vân diện áo dài đính 2000 viên pha lê
- Hoa hậu Quốc tế 2015: Thúy Vân lọt vào "tầm ngắm" các chuyên gia sắc đẹp
- Thúy Vân tự tin thuyết trình bằng tiếng Anh tại Miss International
Dân mạng nhận xét “trang phục nhìn cứng đơ”, “không biết đẹp chỗ nào”, “rồng phải bay chứ không ôm eo, ôm chân được”, họa tiết rồng “quá thô kệch so với vóc dáng phụ nữ” nên người mặc thiếu vẻ dịu dàng, mềm mại. Cũng có ý kiến cho rằng thời trước, nhà vua thì thường được thêu họa tiết rồng lên áo, còn hoàng hậu thì được thêu họa tiết chim phượng, giờ lấy họa tiết rồng đưa lên áo phụ nữ có tréo ngoe không! Hay chê bộ trang phục như “long bào”, nặng nề quá.
Song những người thực hiện bộ trang phục này - hai nhà thiết kế Huỳnh Hải Long và Đặng Thế Huy - lại có ý tưởng riêng của họ: “Chi tiết dùng hình ảnh con rồng trên áo dài còn có ý nghĩa thể hiện sự bình đẳng của những người phụ nữ”. Còn giải thích về sự rườm rà, cả hai cho biết, bản thân họ đã phải tiết chế rất nhiều, “hạn chế sử dụng phụ kiện, ngoài chiếc “mấn” được xếp bằng lụa, điểm xuyến thêm những cây trâm được thêu và kết bằng pha lê...”. Một trong hai nhà thiết kế không phải tay ngang - Huỳnh Hải Long từng là quán quân Vietnam Collection Grand Prix 2009.
Mặc dù các nhà thiết kế cố bảo vệ ý tưởng của họ, cư dân mạng vẫn phản pháo dữ dội. Có người còn chỉ ra “cầu vai giống áo vest phương Tây, tà áo bắt chước áo Võ Tắc Thiên. Biểu tượng rồng dành cho phái nam, lấy rồng tạo mẫu cho phái nữ là sai lầm ngớ ngẩn...”. Cũng có ý kiến nhẹ nhàng hơn, rằng “chiếc áo này cũng đẹp, và được ráp nối rất tỉ mỉ, công phu, nhưng cái sai lầm của nhà thiết kế là tung tất cả vốn có của mình lên chiếc áo, trong khi bản chất truyền thống của áo dài là đơn giản nhưng không kém phần sang trọng. Tóm lại, có học thiết kế và làm thiết kế mà không có kiến thức cũng không thể làm tốt được”.
Ngoài ra, dân mạng còn chê cái khăn đóng quá “kỳ cục”, “to như cái mâm đựng xôi cúng”.
Những ý kiến trên có thể hơi quá lời, nhưng có phần đúng. Là bởi, ở chỗ thắt eo đẹp nhất của người con gái, nhà thiết kế lại thêu họa tiết rồng cứng ngắc, làm phần này nhô ra bất thường. Sự ôm đồm các chi tiết, họa tiết lẫn cái khăn đóng to quá cỡ, che mất mặt người đẹp... Tất cả dường như có nét vay mượn đâu đó chứ không còn là chiếc áo dài cách tân.
Nói về “quốc phục” cho hoa hậu Việt Nam đi thi ở đấu trường quốc tế, trước đấy, nhiều nhà thiết kế đã trổ tài, nhưng đa số thất bại vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố nghiên cứu văn hóa truyền thống chưa đến nơi đến chốn. Xin hãy cẩn trọng, điều này là con dao hai lưỡi, vì hoa hậu Việt Nam phải mặc “quốc phục” Việt Nam, chứ không thể mặc quốc phục hao hao một nước nào đó, nhất là khi đi ra thế giới.
Video được xem nhiều nhất