NSƯT Thanh Loan: Tôi được "đo ni đóng giầy" vai ni cô Huyền Trang
Mới đây, NSƯT Thanh Loan đã có buổi trò chuyện thân mật với PV báo ĐS&PL…
Hơn 30 năm trước, bộ phim Biệt động Sài Gòn đã gây xúc động với nhiều khán giả khi kể lại một giai đoạn đáng rất nhớ trong lịch sử Việt Nam. Mỗi năm, vào dịp 30/4 về, nhiều người lại xem lại những thước phim ấy để biết trân trọng lịch sử và yêu cuộc sống hoà bình hơn. Nổi bật trong phim là diễn viên điện ảnh, nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Thanh Loan. Khán giả ít khi gọi chị bằng tên thật mà thường gọi là ni cô Huyền Trang – tên nhân vật trong phim.
Hết tập 1 chưa tìm được diễn viên…
Theo lời kể của NSƯT Thanh Loan, hơn 30 năm về trước, khi bà đang là phát thanh viên Truyền hình An ninh vào Sài Gòn công tác thì đoàn phim Biệt động Sài Gòn đã quay xong tập 1 nhưng… chưa tìm được người đóng vai ni cô Huyền Trang. Vô tình, bà đã gặp họa sỹ Trịnh Thái và đạo diễn Long Vân. Chỉ sau vài phút chào hỏi, các anh cùng ồ lên: “Đây chính là ni cô xinh đẹp rồi” và ngay lập tức mời tham gia phim. Khi đó, bà khá lưỡng lự nhưng khi đọc kịch bản thì bị thuyết phục hoàn toàn. Ngặt một nỗi, bộ phim quay thời gian khá dài, lại toàn bộ ở Sài Gòn mà với tính chất công việc, bà khó có thể xin phép cơ quan được. Và ekip làm phim đã “đánh du kích” với cơ quan bà làm việc, kiên trì xin phép từng năm một, một đợt quay chừng 3 - 6 tháng. Và cuối cùng, bà có vai diễn để đời.
Một cảnh về ni cô Huyền Trang tỏng phim 'Biệt động Sài Gòn' |
NSƯT Thanh Loan kể lại: “Bộ phim Biệt động Sài gòn kéo dài 4 năm trời, trong 4 năm ấy, tôi đi đi, về về giữa quãng đường Sài Gòn – Hà Nội. Hồi ấy, chồng tôi đi Đức làm Tiến sỹ khoa học, tôi vào Sài Gòn đóng phim nên hai con chủ yếu ở với bà nội. Mẹ chồng tôi rất tâm lý, bà tạo điều kiện cho tôi tham gia phim và chăm cháu mà không một lời phàn nàn. Cả đoàn làm phim quay cảnh chủ yếu ở số 6 Đồn đất, quận 1. Ngay khi đọc kịch bản, tôi thấy nhân vật Huyền Trang có đất cho tôi diễn nên tôi đã nhận lời ngay. Đóng phim được mấy tháng, tôi nhớ nhất một kỷ niệm đó là hồi ấy, chính là thời gian cả nước đổi tiền. Cả đoàn phim cứ bàng hoàng, đóng phim không tập trung, thời điểm đó tôi dành dụm được 160 nghìn nhưng lại để ở Hà Nội, tuy nhiên, mua vé máy bay để ra Hà Nội rất khó, một ngày chỉ có một chuyến nên phải nhờ nhiều mối quan hệ mới có vé máy bay, nếu 160 nghìn thời ấy mà đổi thì sẽ được 16 nghìn tiền mới. Nhưng, vì không mua vé ra miền Bắc kịp để lấy tiền mang đi đổi nên tôi chịu… mất tiền…”.
NSƯT Thanh Loan chia sẻ thêm, hồi đó đóng phim khó khăn nhưng các diễn viên rất yêu thương nhau, khán giả miền Nam hồi ấy cũng tạo điều kiện để đoàn làm phim hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. Nhiều cơ quan, đoàn thể, khán giả tham gia đóng phim nhưng từ chối… nhận cát – sê. Có một Giám đốc Công ty Du lịch đóng gần địa bàn đoàn làm phim đã sẵn sàng cho cả đoàn mượn tất cả xe ô tô của họ mà không lấy tiền. Ngay cả cơ quan của NSƯT Thanh Loan cũng tạo điều kiện cho bà để bà có thời gian đóng bộ phim lịch sử ấy.
Phải lên chùa ở và tụng kinh thật…
Kể về việc hóa thân thành nữ biệt động dưới lớp áo tu hành, NSƯT Thanh Loan kể lại: “Tôi đã phải hy sinh mái tóc dài óng mượt mà bố tôi rất thích để phục trang đội nón không bị giả. Trong cảnh Huyền Trang đi khất thực, dưới nắng trời gay gắt trên đường Nguyễn Huệ. Để cảnh quay chân thực, quay phim phải giấu máy không để lộ tại hiện trường. Vì thế, bà con tưởng ni cô thật, đẹp quá, nên nhiều người lặng lẽ đến bên bỏ quà vào tráp. Sau đó là cảnh giả mưa, với 4 chiếc xe cứu hỏa phun nước. Theo đúng kịch bản, ni cô bị ngất và quả thực lúc đó, tôi bị ngất thật, đúng khung hình đạo diễn ưng ý luôn. Thời đó thuốc cũng khan hiếm, cái gì cũng trị bằng Apspiarin, may mắn lắm thì có viên Xuyên tâm liên. Thế nhưng, ngất xong lại đóng tiếp… Hồi đó, để đóng đạt nhất, tôi đã phải vào chùa Dược Sư ở một tuần và được các ni sư thật dạy tụng kinh gõ mõ, được ni cô dạy đi khất thực, đi từng bước một, khoan thai như nào, ánh mắt ra sao… Đây là quãng thời gian đặt biệt của tôi…”.
NSƯT Thanh Loan và cháu |
NSƯT Thanh Loan chia sẻ: “Vai diễn của tôi rất khó và cần nhiều trải nghiệm và tính cách đa chiều. Kịch bản bộ phim được sửa đi, sửa lại nhiều lần, diễn viên khi nhận lời đóng phim phải tự tay viết lý lịch nhân vật, tự tôi phải phác thảo rằng, ni cô Huyền Trang là người ở đâu, tính cách như thế nào, nguồn gốc như nào, vì sao đi hoạt động cách mạng… để có sự “ăn ý” với các bạn diễn cũng mình. Tôi thấy mình được “đo ni đóng giầy” với nhân vật ni cô Huyền Trang ấy…”.
Nói về những cảnh quay trong bộ phim Biệt động Sài Gòn, NSƯT Thanh Loan cho hay, có nhiều cảnh được yêu cầu quay một lần được luôn, vì hồi ấy phim nhà nước yêu cầu, mỗi lần diễn không quá 3 đúp nên diễn viên phải thật tập trung để diễn đạt. Hồi đó ai làm phim cũng rất say mê, chuyên nghiệp, và có chuyên môn tốt. Các cảnh quay cận cảnh diễn viên đều được yêu cần quay buổi sáng, vì đạo diễn sợ rằng, đến chiều, diễn viên sẽ mệt, không có lấy được góc quay đẹp. Một kỷ niệm đẹp khi tham gia bộ phim này mà NSƯT Thanh Loan luôn nhớ mãi, đó là trong thời gian đóng phim, bà được gặp nhiều nguyên mẫu các vị tướng trong các thời kỳ lịch sử như ông Tư Chu, anh hùng Tám Thậm, ông Tư Phụng. Tướng Tư Phụng còn bảo với NSƯT Thanh Loan: “Chúng tôi hoạt động trong biệt động Sài Gòn, và biết rằng nơi ấn náu an toàn nhất nhân dân, trong lòng nhân dân…”.
Theo NSƯT Thanh Loan sau khi bộ phim Biệt động Sài Gòn được công chiếu, các diễn viên ngoài Hà Nội từng tham gia phim như chị, diễn viên Quang Thái, diễn viên Bùi Cường đều vẫn chơi thân với nhau và tất cả những diễn viên đã từng tham gia phim đề cho rằng, đây là một kỷ niệm khó quên trong đời diễn viên của họ.
Nhiều diễn trẻ hiện nay làm phim không có sự chọn lọc NSƯT Thanh Loan cho biết, lớp diễn viên trẻ hiện nay khác xa với thời của bà, ngày xưa không có chuyện nhắc lời thoại mà diễn viên phải học thuộc kịch bản để diễn. Nhiều diễn trẻ hiện nay làm phim không có sự chọn lọc, cứ phim nào mời cũng tham gia nên không có những vai diễn “để đời” thành ra… dễ dãi. Bà cũng ít xem phim truyền hình, vì có lần bà đến trường quay, nhìn thấy đạo diễn nhắc lời cho diễn viên nên bà thấy không chuyên nghiệp và không tôn trọng nghề nghiệp. Sau này, có nhiều đạo diễn có mời bà vào phim truyền hình nhưng bà không nhận lời do không có thời gian và thấy mình không phù hợp với các bộ phim ấy. |
Lạc Thành
Video được xem nhiều nhất