NSND Như Quỳnh: Tôi nghĩ mình cần cay nghiệt hơn nữa...

Lao động - 07/11/2015, 07:37

“Tôi cũng cảm nhận nhân vật của tôi chưa đủ độ cay nghiệt, chưa đúng với tâm lý của người phụ nữ thời điểm đó”, NSND Như Quỳnh chia sẻ về vai diễn của mình trong bộ phim “Người trở về”. Một bộ phim về thời kỳ hậu chiến được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt ...

Thưa NSND Như Quỳnh, cũng khá lâu khán giả mới lại thấy cô tái xuất màn ảnh, thế nhưng lần này lại là vai phụ. Lý do nào khiến cô quyết định trở lại trong một vị trí có thể nói là hơi mờ nhạt như vậy?

- Đúng là cũng phải hơn một năm tôi mới trở lại với điện ảnh và với một vai phụ trong phim. Thế nhưng, cũng phải chia sẻ, đã là phim nhựa thì dù vai chính hay vai phụ tôi đều cảm thấy rất vui, nhất là đối với bộ phim “Người trở về”. Lý do thứ nhất là tôi đã từng được làm việc với đạo diễn Đặng Thái Huyền ở mấy bộ phim truyền hình, phần nào cũng hiểu tính cách, con người và cách làm phim của anh. Thứ nữa, khi Huyền đưa tôi kịch bản, tôi đọc và thấy vai diễn dù là phụ, không nhiều đất diễn như các vai diễn chính, nhưng đó là một vai khó. Bởi ở vai diễn này, nếu như chưa đến độ chín trong cuộc sống, chưa đủ trải nghiệm thì khó có thể hiểu được tính cách của người đàn bà Việt Nam để diễn cho đúng với phong thái, tính cách thời điểm thập niên 70 đó. Điều tôi hơi tiếc là thời điểm quay phim quá khắc nghiệt, đúng vào lúc rét nhất của mùa đông, nên tất cả êkíp đều vất vả, thậm chí một vài người đã ngất.

Rất nhiều người nhận xét rằng, cách diễn của cô trong vai diễn mẹ của San (Tiến Lộc thủ vai) có vẻ hơi lành, hiền so với đúng tính cách của người phụ nữ làng quê thời điểm những năm 70 ấy?

- Tôi cũng cảm nhận nhân vật của tôi chưa đủ độ cay nghiệt, chưa đúng với tâm lý của người phụ nữ thời điểm đó. Thời điểm mà làng quê Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh nhưng lại đang gánh chịu rất nhiều hậu quả của cuộc chiến sau nó. Một gia đình là trưởng một dòng họ, nhưng lại có tới 3 người hy sinh nơi chiến trường là chồng và hai người con trai, chỉ còn duy nhất người con trai út được ở nhà nối dõi, thì tâm lý của người mẹ, người đàn bà sống ở vùng nông thôn lúc đó là làm sao để có được đứa cháu nối dõi dòng họ nhà chồng, kể cả việc con trai mình có lỗi với người yêu cũ. Đó là lối suy nghĩ tư hữu của người phụ nữ nông dân thời kỳ đó.

Lúc mới nhận vai, tôi cũng nghĩ mình sẽ phải thể hiện một người mẹ cay nghiệt, tàn nhẫn hơn nữa. Thế nhưng, chắc vì đạo diễn Đặng Thái Huyền muốn dung hòa thời kỳ đó với lớp trẻ hiện tại bây giờ nên đã có cách xử lý như vậy. Bởi thực chất, bộ phim muốn hướng tới lớp trẻ, hiểu về chiến tranh theo cách nhìn, cách xử lý của lớp trẻ.

 

Chỉ trong vòng một tháng nhưng có đến 3 bộ phim được giới chuyên môn, báo chí và khán giả đánh giá cao. Liệu đây có phải là sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam, khi có những bộ phim vừa mang chất lượng nghệ thuật lại vừa có doanh thu cao?

- Tôi cho đó là một tín hiệu tốt sau rất nhiều năm điện ảnh đi vào bế tắc. Từ việc phim tư nhân mải chạy theo thị hiếu doanh thu mà cho ra hàng loạt phim hài nhảm, cho đến những phim Nhà nước đặt hàng tiền tỉ chỉ để chiếu trong dịp lễ lớn rồi đắp chiếu, hay những bộ phim bom tấn của nước ngoài được nhập về ồ ạt, dường như khán giả đã quá chán, quá no nê với những kiểu phim như vậy. Đã đến lúc, khán giả mong mỏi và thèm được xem những bộ phim có chất lượng nghệ thuật nhưng không khô khan, cứng nhắc hay quá nặng nề.

Không chỉ khán giả, báo chí ngay đến các đạo diễn cũng phàn nàn rằng, các diễn viên trẻ giờ đây lười học thuộc kịch bản. Không thuộc kịch bản, phải nhắc, dẫn đến dễ ngắt mạch cảm xúc. Điều đó khiến các bạn diễn có phần hơi cứng, như kiểu diễn trên sân khấu kịch nói nhiều hơn. Là diễn viên gạo cội, cô có nhìn thấy điều đó?

- Chính xác, tôi thấy các bạn trẻ bây giờ diễn có vẻ hơi kịch. Tuy nhiên, lỗi đầu tiên tôi cho là thuộc về đạo diễn, bởi nếu để một diễn viên trẻ hiểu được dòng chảy của nhân vật hay một seri phim truyền hình thì người đạo diễn đó cần phải làm việc rất kỹ về kịch bản với diễn viên. Lúc đó người diễn viên mới hiểu và biết mình cần phải làm gì. Kinh nghiệm của người đã đi gần hết cuộc đời cho các vai diễn giúp tôi rút ra được điều đó.

- Xin cám ơn NSND Như Quỳnh!

Nội dung câu chuyện của “Người trở về” nói về nữ quân nhân Mây (do Lã Thanh Huyền thủ vai) trở về nhà sau chiến tranh với bao hy vọng, niềm tin sẽ được hạnh phúc với gia đình, người yêu. Thế nhưng bắt đầu từ cái ngày trở về ấy, cũng là những ngày tháng đau khổ về tinh thần, đau đớn về thể xác của Mây. Nỗi đau chồng lên nỗi đau khi Mây biết San - người yêu - đi lấy vợ, rồi hàng ngày phải chứng kiến hạnh phúc gia đình mà Thanh - vợ San - cố phô bày...

Bộ phim có sự tham gia của các diễn viên: Lã Thanh Huyền (vai Mây), Phạm Tiến Lộc (vai San), NSND Như Quỳnh (vai mẹ San), Dũng Nhi (vai bố Mây)…

Tin bài liên quan

  • GIẢI TRÍ 7.11: Lộ diện Top 10 nữ ca sĩ có thu nhập “khủng” nhất năm 2015
  • “Trảy hội” sách cũ Sài Gòn
  • Jennifer Lawrence lại “đốt” mắt với váy xẻ bạo trên thảm đỏ
  • Giải mã thành công của Á hậu Thúy Vân tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015
  • Gặp lại NSND Y Moan-huyền thoại cao nguyên qua chương trình Sol Vàng
  • 16 tuổi, con gái “cướp biển” Johnny Depp đẹp cuốn hút như minh tinh
  • Kiếm tiền tỉ mỗi tuần, đóng thuế nhỏ giọt
  • Màn trình diễn nóng bỏng của Tân Hoa hậu Quốc tế 2015


Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất