Nhạc sĩ Quốc Trung: “Tôi luôn kiếm cớ lại gần người trẻ”

Lao động - 19/09/2015, 08:37

Ở Việt Nam, thường thì ăn vào những cái “có sẵn” như các ca sĩ đã thành danh, hay những bản hit…, sẽ được an toàn hơn rất nhiều. Dại hay khôn, nó nằm trong quan niệm, cảm giác và lựa chọn của mỗi người

“Càng lớn tuổi, người ta càng thấy nhớ tuổi trẻ của mình và luôn mong muốn có lại sự hồn nhiên. Chính vì muốn được trong sáng hơn mà tôi luôn “kiếm cớ” lại gần giới trẻ…” – Nhạc sĩ Quốc Trung giải thích lý do vì sao Monsoon Music Festival (MMF) năm nay lại dành đất chủ yếu cho người trẻ và người đàn ông vừa bước qua lần sinh nhật thứ 49 cách đây 2 ngày này lại càng lúc càng bị bọn trẻ “hớp hồn”.

“Cái mới vẫn còn quá ít so với đòi hỏi của một festival”

Có vẻ như càng… già, anh càng thích “đánh bạn” với người trẻ nhỉ, hết Rock Storm đến MMF? Đó là anh muốn lớn cùng các con mình, hay nghệ thuật - muốn có đám đông - thì nhất thiết phải là người trẻ?

- Tâm lý đấy, tôi nghĩ cũng khá là dễ hiểu mà! Càng lớn tuổi, người ta càng thấy nhớ tuổi trẻ của mình và luôn mong muốn có lại sự hồn nhiên. Về cơ bản thì tuổi trẻ thường trong sáng và hồn nhiên hơn tuổi già, khi các vấn đề của đời sống chưa kịp làm phiền họ. Chính vì muốn được trong sáng hơn mà tôi luôn “kiếm cớ” lại gần giới trẻ.

Và điển hình là MMF năm nay: Thế chỗ các diva, là một loạt gương mặt trẻ Tiên Tiên, Tóc Tiên, Hoàng Thùy Linh…? Trẻ thì mặc nhiên là mới, hay phải có họ, mới có được khán giả trẻ?

- Gần như là cả hai. Hay nói đúng hơn, một trong những yêu cầu tối trọng của một festival là phải giới thiệu, quảng bá được những dự án mới. Nếu không, thì nó bất quá cũng chỉ như một show diễn thông thường. Chúng tôi không chào đón “thương hiệu” mà là chào đón cái mới.

Nhiều người thắc mắc: Một khi đã “mở lòng” với nhạc thị trường và hướng đến khán giả trẻ, thì tại sao anh lại không mời hẳn… Sơn Tùng MTP?

- Sẽ có những sự vắng mặt khác mà mọi người cũng có thể thắc mắc. Mỗi một lần trở lại, MMF sẽ có những ý đồ nghệ thuật và tiêu chí chọn lựa riêng để không phải tất cả những gì showbiz có là cũng có mặt tại festival này.

Chọn chủ đề “Ứng xử với cộng đồng” cho MMF năm nay, phải chăng cũng chính là cách anh muốn trò chuyện với người trẻ, khi đó thường là những va vấp đầu đời của họ, đặc biệt là các ngôi sao trẻ?

- Tôi không nghĩ là chỉ người trẻ thì hay va vấp khi ứng xử với cộng đồng. Đầy người lớn chúng ta cũng “có lớn mà không có khôn” đấy thôi, đâu riêng gì người trẻ. Điều quan trọng rốt cuộc vẫn là người lớn có đủ sức làm gương và truyền cảm hứng cho bọn trẻ hay không mà thôi.

Cứ cho đây là một cuộc “tổng kiểm kê” lưng vốn nhạc Việt ở thời điểm hiện tại thì theo anh, cái mới có đủ để vui?

- Thực sự là những dự án mới vẫn còn quá ít so với đòi hỏi của một festival. Tuy nhiên, trong một đời sống âm nhạc thiếu chuyên nghiệp như ở ta thì e là cũng khó mà đòi hỏi nhiều hơn.

Vậy đó chắc chắn là một trong hai cái khó của anh khi làm MMF (bên cạnh gọi tài trợ), xét ở chặng đầu vào?

- Đúng vậy! Tìm kiếm cái mới, những gương mặt mới, những dự án mới… theo tiêu chuẩn của MMF quả là một bài toán khó đối với chúng tôi, trên mặt bằng hiện nay.

Và như vậy, MMF phần nào đó cũng là một lời “nhắc khéo” với ai đó đang “ngủ quên trên… ghế nóng”?

- Tôi e là mình không có đủ thời gian để quan tâm nhiều đến thế tới các vị giám khảo, cũng không có nhu cầu nhắc nhở ai. Những gì tôi đang làm chỉ đơn giản là nhu cầu phát sinh từ công việc và quan niệm của riêng tôi về 
nghệ thuật.

“Cái giá phải trả cho việc làm nghệ thuật quá lệ thuộc vào nhà tài trợ…”

Không khí MMF đã bắt đầu được hun nóng trên nhiều tuyến phố Hà Nội bởi những show đường phố vào mỗi tối cuốn tuần. Qua nhiều lần đưa nhạc nhẹ xuống đường, anh thấy khán giả Hà Nội có… ổn?

- Mọi người cứ hay bảo khán giả TP HCM nồng nhiệt hơn, nhưng chính ra, tôi lại thấy khán giả Hà Nội thậm chí còn cởi mở hơn. Không khí đón nhận phải nói là rất đông vui và thoải mái. Theo như tôi được biết thì mô hình streetshow này thậm chí còn chưa có ở TPHCM. Công việc của một nhà sản xuất âm nhạc lúc này, theo tôi, không chỉ là định hướng, biên tập album, live show… nữa mà còn cần phải sáng tạo và biết ứng dựng linh hoạt những mô hình biểu diễn khác nhau để sản phẩm đó, dự án đó có được sức lan tỏa rộng 
khắp nhất.

Sức nóng của MMF, tính đến thời điểm này, trong cảm nhận của anh?

- Nóng lên từng ngày, nhưng chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân khách quan có lẽ là do khán giả nhà mình nói chung là thường không quen lên kế hoạch xem biểu diễn từ trước cả tháng như ở nước ngoài, mà thường chỉ cách đấy 7 – 10 ngày. Nên hiện tại, chưa thể nói gì nhiều về sức nóng của nó, dù chỉ còn 20 ngày nữa là khai cuộc. Làm nghệ thuật ở VN nhìn chung là khá mông lung, và khán giả nhà mình về cơ bản là khó lường. Điều đó ít nhiều gây khó cho nhà tổ chức trong việc đo lường sức nóng của sự kiện, cũng như cân đối các khoản chi… Dự đoán, dù cố gắng chính xác, cũng chỉ là dự đoán.

Anh có muốn nhắn gì đến khán giả?

- Tôi chỉ muốn nói rằng, nếu có thể, các bạn hãy cởi mở hơn khi thưởng thức nghệ thuật. Hãy cổ vũ và đón nhận cái mới, thay vì yên tâm với những cái có sẵn, đã được mặc định… Nghệ thuật, quan trọng nhất là cảm xúc, vì vậy, bạn hãy cố gắng sống thật nhất với cảm xúc của mình…

Nghe nói, tận đến lúc này, “bầu sữa” cho MMF vẫn còn chưa đủ?

- So với kỳ vọng thì mới chỉ đạt được 50 - 60%, trong khi hầu hết mọi khoản chi (đặc biệt là chi phí mời các sao ngoại sang) là đều gần như không thể cắt giảm, và một lễ hội tầm cỡ như MMF thì nhất quyết không thể làm xoàng xĩnh được. Còn nếu như trông đợi vào tiền bán vé thì như đã nói, tới lúc này, đó vẫn còn là một yếu tố khó lường, để mà có thể hoàn toàn chủ động.

MMF đã có một mùa đầu gây được ấn tượng mạnh với truyền thông và ẵm luôn giải “Chương trình của năm” tại giải Cống Hiến lần thứ 10. Vì sao qua mùa 2, các nhà tài trợ vẫn chưa mặn mà được như mong muốn?

- Kinh tế nói chung vẫn đang chưa ra khỏi được cơn khó khăn, đó là một phần. Một phần quan trọng nữa là lúc này, nhiều thương hiệu lớn lại thích tự mình đứng ra tổ chức sự kiện để kiểm soát thông điệp theo ý họ. Tôi cho, đây chính là cái giá phải trả cho việc bấy lâu chúng ta làm nghệ thuật quá lệ thuộc vào nhà tài trợ.

Lúc này người ta hay bảo Quốc Trung… “khôn”. Thật ra, anh thấy mình khôn hay dại, với MMF?

- Muốn làm được một cái gì đó trong sáng tạo, buộc lòng anh phải đổ công khai phá. Cái đó, nó rất là mất thời gian, và cần có cả một chiến lược phát triển lâu dài. Nhưng ở VN, thường thì ăn vào những cái “có sẵn” như các ca sĩ đã thành danh, hay những bản hit…, sẽ được an toàn hơn rất nhiều. Dại hay khôn, theo tôi, nó nằm trong quan niệm, cảm giác và lựa chọn của mỗi người.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất