Nghệ sĩ Việt chết trẻ vì ung thư năm 2016

Tiin - 28/12/2016, 11:10

Ca sĩ Trần Lập, Minh Thuận đột ngột ra đi khi tuổi đời vào 50 đổ lại, cùng đó hàng loạt nghệ sĩ gạo cội qua đời vì bệnh tật khiến làng nghệ thuật năm qua nhiều tổn thất.

 

Năm 2016, làng nghệ thuật Việt chứng kiến nhiều cái chết của các nghệ sĩ trẻ có tầm ảnh hưởng với thế hệ đương thời. Thông tin Trần Lập đột ngột ra đi hôm 15/3 gây sốc nhất cho khán giả. Thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường qua đời ở tuổi 42 sau hơn 4 tháng chiến đấu với bệnh ung thư trực tràng.

Sinh thời, Trần Lập cùng ban nhạc Bức Tường là thần tượng của nhiều thế hệ sinh viên nhờ thứ âm nhạc mang tinh thần, khát vọng, đam mê của tuổi trẻ. Anh ra đi khiến bạn bè rơi lệ còn người hâm mộ cả nước tiếc thương. Hàng nghìn người đã đến đưa tiễn nam ca sĩ trong nước mắt và những giai điệu quen thuộc của nhóm Bức Tường. Sự mạnh mẽ, lạc quan của Trần Lập trong thời gian mang bệnh cũng khiến nhiều người cảm động.

Ngày 18/9, ca sĩ Minh Thuận qua đời vì ung thư phổi ở tuổi 50. Nam ca sĩ Chiếc thuyền nan, Cô bé dỗi hờn, Thất tình được đồng nghiệp đánh giá là người hiền lành, từ tốn, yêu nghề với tất cả đam mê chứ không so đo, tính toán thiệt hơn. Anh luôn nhìn nhận mọi chuyện dưới con mắt điềm tĩnh, an nhiên. Trước khi nhắm mắt, Minh Thuận vẫn cố động viên bạn bè vui sống. Có lần, Phương Thanh vào thăm, anh xin giấy viết nguệch ngoạc dòng chữ gửi cho bạn: 'I love Phương Thanh. Cuộc đời này là vui vẻ...'. Nhiều người hâm mộ đã rơi nước mắt vì khát khao sống của người nghệ sĩ.

 Sự ra đi đột ngột của Trần Lập và Minh Thuận khi tuổi đời chưa đầy 50 khiến người hâm mộ không khỏi tiếc nuối.

Nhiều tên tuổi có tầm ảnh hưởng lớn với nền nghệ thuật nước nhà cũng ra đi trong năm qua vì bệnh tật, tuổi tác.

Trong lĩnh vực âm nhạc, Thanh Tùng qua đời hôm 15/3 ở tuổi 69 - 8 năm sau cơn tai biến cùng các bệnh về tiểu đường và thận.

Ngày 14/4, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 rời cõi trần ở tuổi 76. Ông bị bệnh về đường hô hấp kèm suy thận, suy tim khiến sức khỏe giảm sút trong nhiều năm trước đó. Tác giả Biết ơn chị Võ Thị Sáu - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn - ra đi vì bệnh tuổi già. Ông hưởng thọ 87 tuổi. Sáng 1/12, ca sĩ Quang Lý bị nhồi máu cơ tim và đột ngột qua đời ở tuổi 67.

Nhạc sĩ Lương Minh bị đột quỵ và ra đi khi mới 49 tuổi. Tác giả của ca khúc Bố là tất cả - nhạc sĩ Thập Nhất - cũng để lại nhiều tiếc thương cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp lúc lâm chung. Ông về thế giới cực lạc ở tuổi 57, sau thời gian dài chống chọi với bệnh gan.

Ở lĩnh vực sân khấu, NSƯT Đoàn Bá về cõi vĩnh hằng sáng 21/8. Ông bị gút nhiều năm qua và đã chuyển sang bệnh thận. Thông tin NSND Thanh Tòng mất cũng khiến không ít người yêu cải lương ngậm ngùi. Ông qua đời ngày 22/9 khi tròn 68 tuổi. Nam nghệ sĩ bị bệnh tim mạch. 'Sầu nữ' Út Bạch Lan ra đi ngày 5/11, hưởng thọ 81 tuổi. Đầu năm 2016, 'đại thụ' của làng cải lương phát hiện bà có khối u nguy hiểm ở vùng bụng và mắc bệnh liên quan đến gan.

Với mảng điện ảnh, NSƯT Lê Dân ra đi hôm 28/2. Sau khi bị đột quỵ, đạo diễn phim Ông cố vấn được đưa đi nhập viện nhưng rồi dần hôn mê. Ông qua đời ở tuổi 88. Đạo diễn Châu Huế - người đứng sau bộ phim truyền hình Hướng nghiệp - ra đi trong lúc ngủ hôm 4/3. Trước đó, ông bị bệnh gút nhiều năm.

Nghệ sĩ Hán Văn Tình qua đời đầu tháng 9. 'Lão Quềnh' được chẩn đoán ung thư phổi cách đó hơn một năm. Căn bệnh sau đó di căn lên nách và não. Nam diễn viên ra đi khi 59 tuổi.

Một tháng sau đó, NSƯT Phạm Bằng cũng qua đời. Ông hưởng thọ 85 tuổi, ra đi sau vài tháng chữa trị một số bệnh liên quan đến gan và mật.

 Nhạc sĩ Thanh Tùng ngồi xe lăn trong những năm tháng cuối đời. Ảnh: Quý Đoàn.

Các nghệ sĩ vừa để lại những tác phẩm nghệ thuật giá trị vừa được gia đình, bạn bè và đồng nghiệp trân trọng vì cách sống hay tính cách đáng quý.

Thanh Tùng nổi tiếng với những tình khúc như Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về... Mang tâm hồn ca hát lãng du nhưng ông lại là người hết mực chung thủy. Dù vợ mất sớm, ông không nghĩ đến việc đi bước nữa mà chọn cuộc đời 'gà trống nuôi con'. Nhạc sĩ Quốc Trung từng tâm sự Thanh Tùng là người trẻ trung còn với Hồng Nhung, Thanh Tùng là bậc uyên thâm trong âm nhạc, vừa hài hước vừa triết lý ngoài đời thường.

Nguyễn Ánh 9 để lại nhiều ca khúc ghi đậm dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ, ví dụ Không, Tình yêu đến trong giã từ, Bơ vơ, Cô đơn, Buồn ơi chào mi, Lặng lẽ tiếng dương cầm... Ngoài viết nhạc, ông còn được biết đến với vai trò nhạc công piano. Tiếng đàn của Nguyễn Ánh 9 từng nâng đỡ giọng hát của các thế hệ ca sĩ Thái Thanh, Khánh Ly, Ý Lan hay Ánh Tuyết. Ông còn là người chồng, người cha hết mực thương yêu vợ con. Ngay cả lúc chuẩn bị qua đời, nằm trên giường bệnh, nhạc sĩ vẫn không quên viết thư cho gia đình với lời nhắn gửi: 'Ông thương các cháu lắm, bà nội ráng chăm sóc cháu nhé'.

Hơn 40 năm trong nghề, với chất giọng trầm ấm, NSƯT Quang Lý đã đưa nhiều nhạc phẩm như Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Sao em nỡ vội lấy chồng... thấm sâu vào lòng khán giả. Lấy vợ không làm cùng nghề, lại có tình yêu lớn với nghệ thuật và sân khấu, ông vẫn luôn dành thời gian để chia sẻ với bà những vui buồn trong đời sống thường nhật.

Hán Văn Tình được coi là nghệ sĩ của nông dân. Ông nổi tiếng với các vai diễn chân chất như Chu Văn Quềnh trong phim Đất và người, Sở trong Bão qua làng, Trọc trong Canh bạc, Tuần trong Người thổi tù và hàng tổng… Ngoài đời, 'lão Quềnh' cũng có cuộc sống bình dị, giản đơn. Ông từng nhận thù lao là một cân giò. Trong cuộc sống gia đình, nam diễn viên luôn lo lắng cho những người thân hơn cả chính mình. Lúc bị bạo bệnh, ông từng không muốn chữa chạy vì sợ vợ con phải gánh món nợ lớn sau khi mình qua đời.

Phạm Bằng được biết đến rộng rãi qua chương trình Gặp nhau cuối tuần. Ông từng là gương mặt quen thuộc trong các đĩa, sân khấu hài khắp cả nước. Các diễn viên như Công Lý, Xuân Bắc, Thu Hương.. đều coi ông như người bố hiền lành, gần gũi với họ trong cuộc sống lẫn nghề nghiệp. Trong khi đó, dưới góc nhìn của các con ruột cũng như dâu, rể, Phạm Bằng là người cha hết thảy công bằng, nghiêm khắc, luôn chăm lo cho gia đình và có tình yêu khôn nguôi dành cho người vợ đã khuất.

 Các nghệ sĩ gạo cội trong làng tuồng cổ, cải lương như Thanh Tòng, Bạch Lan ra đi cũng khiến khán giả không khỏi tiếc nuối.

Thanh Tòng để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều vai diễn đa tính cách. Ông từng được phong là 'Vua cải lương Hồ quảng' với những vở kinh điển Phạm Lãi - Tây Thi, Võ Tòng sát tẩu... NSND Thanh Tòng còn là thầy của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tú Sương... Con gái của Thanh Tòng - Quế Trân - tâm sự cha cô cống hiến trọn đời cho cải lương tuồng cổ. Ngoài đam mê với nghề, ông cũng hết lòng yêu thương gia đình. Sự trân trọng, tình cảm của Thanh Tòng dành cho vợ luôn được các con ông hết mực ngưỡng mộ.

Út Bạch Lan ghi dấu ấn qua các vai diễn trong nhiều vở tuồng nổi tiếng như Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa... Khởi nghiệp là người hát rong, gần 70 năm trọn tình yêu cải lương, nữ nghệ sĩ chưa bao giờ màng danh lợi, lặng lẽ cống hiến cho nghệ thuật dân tộc. Trong đời sống hôn nhân, Út Bạch Lan không được hạnh phúc. Câu chuyện bà nén nỗi đau để nhận nuôi các con riêng của chồng - nghệ sĩ Thành Được - được người trong giới, khán giả kể lại với sự kính trọng. Bà luôn được nhắc đến với hình ảnh người vợ hiền lành, nhẫn nhịn.

Các nghệ sĩ như Lê Dân, Đoàn Bá, Nguyễn Đức Toàn, Lương Minh, Thập Nhất cũng được người thân, bạn bè và đồng nghiệp tái hiện với nhiều đức tính cao đẹp trong những câu chuyện sau khi qua đời.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất