Nghệ sĩ piano Trang Trịnh: Trong cái khó càng cần sáng tạo
Trang Trịnh đang gặt hái nhiều thành công kể từ sau quyết định táo bạo, trở về quê hương với người chồng Hàn Quốc, bỏ lại sau lưng những cơ hội phát triển sự nghiệp ở nước ngoài.
Cần thay đổi thái độ của người làm nghệ thuật
- Với chị, đây có phải cuộc trở về với đầy ắp ý tưởng, sẵn sàng đối mặt với chông gai trong những dự án mới mẻ và táo bạo?
- Khi chuẩn bị cho các buổi diễn, tôi luôn đặt mình ở vị trí công chúng - nhất là những ai chưa từng nghe nhạc cổ điển. Trang cũng có một mong muốn, hay nói đúng hơn là khao khát, được cùng công chúng bước vào thế giới kỳ diệu của âm nhạc. Mà để làm được điều đó ở Việt Nam thì biểu diễn không thôi là chưa đủ.
Tôi làm các buổi biểu diễn sáng tạo, kết hợp với các loại hình nghệ thuật thị giác, chơi nhạc ngoài phố với các em nhỏ, trò chuyện về âm nhạc với công chúng… Tôi vẫn trên con đường tìm hiểu công chúng và trau dồi khả năng của mình để có thể đưa ra những sản phẩm âm nhạc sáng tạo hơn nữa.
- Trong hành trình mang âm nhạc đến với công chúng tại quê nhà, chị có gặp khó khăn gì không?
- Trước kia tôi đã nghe nhiều nhận xét có phần bi quan về thái độ của công chúng đối với âm nhạc cổ điển. Nhưng với hàng loạt phép thử là những buổi biểu diễn “cháy vé” trong vài năm vừa qua, tôi nghĩ rằng điều cần thay đổi không phải là thái độ của công chúng, mà là thái độ của người làm nghệ thuật. Dĩ nhiên, người làm nghệ thuật cũng vướng phải nhiều cái khó. Khó từ việc tìm kiếm một ê-kíp thực hiện đến việc có được không gian cần thiết để luyện tập.
Nghệ sĩ piano Trang Trịnh. |
Bài toán về kinh tế cũng không dễ giải quyết khi mỗi buổi biển diễn được đầu tư từ 4 tháng đến 1 năm lại chỉ có thể diễn ở một vài sân khấu đủ tiêu chuẩn - số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay với lượng khán giả tối đa chỉ vài trăm người. Nhưng trong cái khó đó, người nghệ sĩ lại càng cần phải sáng tạo. Tôi vẫn luôn tin rằng nếu mình có một giá trị có thể đóng góp cho xã hội, thì mình sẽ có thể tồn tại được ở xã hội ấy.
Tự tin vì đang đi đúng hướng
- Năm qua, Trang Trịnh đặc biệt gây ấn tượng với dự án dành cho các em nhỏ "Dàn hợp xướng và giao hưởng kỳ diệu". Chị thấy công sức mà mình bỏ ra đó liệu đã được đền đáp xứng đáng?
- Tôi luôn mong rằng mình có thể tận mắt chứng kiến và trải nghiệm sức mạnh thay đổi cuộc sống của âm nhạc. Ước mơ ấy thành sự thật mỗi khi tôinhìn thấy sự tự tin, niềm vui, sự trưởng thành của các em nhỏ sau mỗi buổi học.
Nếu sự nghiệp nghệ thuật của tôi chỉ được tính bằng những buổi biểu diễn ở trên sân khấu lớn với vai trò một nghệ sĩ biểu diễn thì có lẽ mình đã từ bỏ nhiều cơ hội quý giá. Nhưng nếu sự nghiệp ấy có thể được tính bằng những cuộc đời được âm nhạc thực sự chạm tới, những bản nhạc thực sự mang lại tình yêu thương và niềm hy vọng, thì tôi nghĩ rằng mình đang đi đúng hướng.
- Sự đồng hành trong cuộc sống gia đình và sự đồng hành trong âm nhạc của Trang Trịnh với ông xã có thể được miêu tả như thế nào?
- Có câu nói: khi lập gia đình, hai người thành một. Anh Sung-Min là một nghệ sĩ mà Trang kính nể và cũng là một người đàn ông có thể tin tưởng và chia sẻ mọi suy nghĩ. Có những nhu cầu có phần “quái dị” của người làm nghệ thuật ít khi được hiểu, được trân trọng. Cả hai chăm sóc nhau để có thể có những sản phẩm nghệ thuật tốt nhất. Điều đó đối với tôi là một may mắn lớn. Trang nghĩ rằng dù công việc có khó khăn đến thế nào, chỉ cần hai người đồng lòng thì không gì là không thể.
- Nếu định vị cuộc sống nghệ thuật của chị, có thể miêu tả ngắn gọn nó đang ở đâu trong thế giới nghệ thuật của Việt Nam?
- Nếu được dùng một hình ảnh để định vị, tôi muốn được chọn một khu vườn yên bình. Âm nhạc của tôi cũng là loại âm nhạc đòi hỏi người nghe phải bước chậm để thưởng thức, phải lắng để thực sự nghe.
Nhiều điều kỳ diệu có thể xảy ra trong khu vườn ấy, khi người ta không còn bận rộn với công việc hay những chiếc điện thoại di động, mà có thời gian để ngắm nhìn xem vạt nắng xuân đầu tiên của ngày hôm nay, ngay lúc này, đang làm ấm lên trái tim họ như thế nào.
Video được xem nhiều nhất