Nghệ sĩ mượn từ thiện để "làm màu" thì đã sao?

Tiin - 21/10/2016, 10:28

Người chỉ trích giới nghệ sĩ mượn từ thiện để làm màu là những người chưa từng đích thân bỏ tiền của của mình ra để cứu giúp người khác.

Im lặng thì chê vô cảm, lên tiếng thì chê khoe khoang
 

Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh mấy ngày qua chịu không ít chỉ trích từ cư dân mạng vì không xuất đầu lộ diện trong chiến dịch 'ra quân' cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung.

Nhiều người được dịp châm biếm khi Tân Hoa hậu mải khoe vẻ đẹp lộng lẫy trong chiếc đầm công chúa trắng muốt sang chảnh trên sàn diễn chữ T trong lúc cựu Hoa hậu tiền nhiệm Kì Duyên đang tất bật lội bùn đi trao quà ở các xã vùng sâu Quảng Bình. Nhưng ngay cả Kì Duyên cũng không yên ổn.

Việc cô chia sẻ đã vận động được gia đình và bạn bè 205 triệu đồng cho chương trình cứu trợ của một linh mục bị 'mắng' là khoe khoang, tạo chiêu trò để lấy lại hình ảnh đẹp trong mắt công chúng sau hàng loạt scandal tai tiếng.

 

 Kì Duyên chia sẻ hình ảnh lội bùn đi trao gạo, mì, chăn ấm bị mắng là khoe khoang.

Mỹ Linh và Kì Duyên không phải nạn nhân cá biệt trong nỗi hờn ghen khó hiểu của một bộ phận không nhỏ cư dân trên mạng xã hội. Người đẹp Ngọc Trinh ngay sau khi khoe bức hình chụp biên lai chuyển 150 triệu đồng cho chương trình cứu trợ của MC Phan Anh đã bị tố 'làm trò'.

Người ta rọi mắt vào phần kí nhận không có dấu tươi để vội vã quy chụp Ngọc Trinh viết giấy chuyển tiền giả. Mặc cho Phan Anh đích thân bình luận cảm ơn và xác thực số tiền đã nhận. Và trong khi cộng đồng mạng đang sôi sục tán dương Phan Anh, một số fan cuồng quá khích xem tất cả những nghệ sĩ khác phát động chương trình quyên góp cho đồng bào miền Trung là ăn theo thần tượng của họ.

Đến mức nam MC nổi tiếng không kém Phan Anh và đông fan hơn hẳn Phan Anh là Trấn Thành cũng bị tố 'ghen đua'. Sự mê muội khiến người ta quên rằng, Trấn Thành không còn cần tới thứ gì để làm màu thêm nữa vì anh đã quá rực rỡ rồi.

 Bỏ ra tới 150 triệu đồng ủng hộ chương trình của Phan Anh, Ngọc Trinh vẫn bị antifan vu cho làm trò.

Đáng tiếc hơn, bản thân MC Phan Anh cũng không tránh khỏi thị phi. Giữa hàng vạn lời cảm kích vẫn lạo xạo những hạt sạn công kích. Người ta tấn công 'từ thiện vì mục đích gì', người ta xóc xỉa 'chi phí đi lại lấy từ đâu, ai giám sát kiểm toán số tiền gần hai chục tỷ, trao quà có đúng người đúng cảnh và đúng thứ người dân cần hay không', người ta mỉa mai 'làm từ thiện với số tiền khủng không dễ đâu, Phan Anh có làm nổi không'.

Thậm chí người ta còn thả lời đồn kiểu nghe đâu có đại gia muốn ẩn danh đứng sau Phan Anh chi số tiền khủng cho chiến dịch cứu trợ nên Phan Anh mới có được tiền tỷ trong thời gian ngắn như vậy chứ chẳng phải vì anh có uy tín gì.

Và thế là, lễ hội của những tấm lòng có rộn ràng đầm ấm đến đâu vẫn thi thoảng có những lon rác ném vào từ những kẻ giấu tay.

 Giữa hàng vạn lời cảm kích, Phan Anh vẫn phải chịu những điều tiếng công kích

Đừng nhìn kẻ cho, hãy nhìn người nhận

Cũng có một phần chính đáng của nỗi hằn học soi mói khó hiểu nói trên. Bởi thực tế đã có không ít lần công chúng bị lừa vì những nghệ sĩ đi làm từ thiện kiểu giả danh. Đến đấy, làm đấy, nhưng chỉ để chụp hình rồi về. Nghệ sĩ (giả danh) thì được dịp lăng xê tên tuổi, đánh bóng hình ảnh, còn những người dân gặp khó khăn bị biến thành các diễn viên quần chúng bất đắc dĩ.

Nhưng cái cách làm từ thiện hình thức ấy có lẽ đã lỗi thời rồi. Ai đặt chân vào showbiz cũng thừa hiểu thời đại của điện thoại thông minh và Facebook không còn đất cho họ diễn một vở tuồng cẩu thả. Nếu muốn diễn, họ buộc phải diễn sâu.

Và thực tế, rất nhiều nghệ sĩ đã chọn cách diễn sâu để có được những hình ảnh làm thật, đẹp thật trong mắt công chúng. Họ muốn nổi tiếng hơn, họ muốn xóa bỏ thị phi trong quá khứ, họ muốn xoa dịu ác cảm từ cộng đồng… thì họ tìm đến từ thiện.

Chuyện đó là có thật. Nhưng họ cũng phải đánh đổi bằng tiền bạc thật, công sức thật. Lẽ dĩ nhiên, vở diễn muốn hay, muốn sâu thì phải có đầu tư. Đẹp trên mặt báo, đẹp cả ở nơi thực địa mới là trọn vẹn đôi đường. Thế rồi sao?

Một nhà nghiên cứu các hiện tượng xã hội khẳng định rằng, 99% người chỉ trích giới nghệ sĩ mượn từ thiện để làm màu là những người chưa từng đích thân bỏ tiền của của mình ra để cứu giúp người khác. Bởi vì họ chưa từng chia sẻ tấm lòng của mình nên mới đi nhòm ngó người khác và nảy sinh nỗi tức tối đố kị. Và bởi vì họ chưa từng chìa tay cứu giúp ai nên mới không có niềm tin vào những tấm lòng.

Nghệ sĩ cũng là những người bình thường khi bước ra ngoài ánh đèn sân khấu. Cho dù họ không hoàn hảo, có dù họ có nhiều tật xấu, nhiều hành vi xấu, thì họ cũng có một trái tim, có lòng từ ái. Họ thậm chí còn nhạy cảm hơn, dễ mủi lòng hơn, dễ thương cảm hơn, dễ thấu hiểu hơn bởi vì họ là... nghệ sĩ.

Và như bất kì ai trên thế gian này, luôn thích mình là một người tốt và thích được mọi người khen mình tốt, thì họ cũng vậy. Thế nên, nếu như họ mong muốn được cho đi, được giúp đỡ người hoạn nạn, và nhân đó, mong cầu một danh lợi nào đó cho bản thân, thì cũng là điều… bình thường thôi!

 Cho dù các nghệ sĩ đi từ thiện để làm màu đi chăng nữa, thì cái người dân gặp nạn nhận được vẫn là những bao gạo thật, thùng mì thật, tiền bạc thật.

Cũng như trong hàng loạt chiến dịch cứu trợ đồng bào vùng lũ vừa rồi, nếu có những tấm lòng từ thiện giả, từ thiện chỉ vì mong nổi tiếng thì những bao gạo người dân vùng lũ nhận vẫn là thật, tiền bạc thật, thùng mì thật, muối vừng thật, ruốc thịt thật, thuốc thật, sách vở thật, quần áo thật.

Làm từ thiện vì ai, làm từ thiện vì mục đích gì? Câu hỏi đó xem ra là thừa thãi. Bởi, nếu làm tự thiện vì chính mình, làm từ thiện vì lòng hãnh tiến của bản thân, làm từ thiện để 'tự sướng' vì thấy mình tốt đẹp, làm từ thiện để nổi tiếng, làm từ thiện để ghi danh, thì đã sao?

Mục đích gì hay vì ai những tưởng chỉ có tác động ngược lại chính người cho đi mà thôi. Người cho đi ấy nếu cho đi bằng cả tấm lòng, không mưu cầu gì, không tự mãn gì, không chờ đợi được nhận lại gì, thì quả báo thực to lớn và viên mãn.

Còn nếu người cho đi ấy mưu cầu nhiều thứ, tự mãn về bản thân, chờ đợi được nhận lại, thì quả báo sẽ nhỏ bé, ít ỏi. Nhưng xét ở góc độ người nhận, thì cái họ nhận là cái họ cần, và chỉ thế là đủ. Trong cơn hoạn nạn, người ta cần một bàn tay chìa ra, cần một lời động viên, cần một hành động chia sẻ.

Người ta sẽ không có thời gian lẫn tâm trí để soi xét xem cánh tay ấy, lời nói ấy, hành động ấy là vì mục đích gì.

 

Nghệ sĩ làm từ thiện là để PR ư? Có sao đâu? Nếu tiền bạc mà họ mang đi để PR thực sự có ích cho người hoạn nạn. Và thực tế là, người chăm làm từ thiện (từ thiện thật chứ không phải từ thiện chụp hình hay giả danh từ thiện để lừa tiền), dù cho có mục đích gì đi chăng nữa, họ cũng sớm trở thành một người từ thiện.

Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, chắc chắn, việc đi làm từ thiện chỉ vì mục đích nổi tiếng ban đầu nếu được lặp đi lặp lại thì chủ nhận của hành vi từ thiện đó sẽ mau chóng được cảm hóa.

Chắc chắn những ánh mắt biết ơn, những nụ cười hạnh phúc của người được giúp đỡ sẽ làm mềm trái tim họ, sẽ xóa bỏ dần những vụ lợi trong tâm trí họ, sẽ khiến họ cảm thấy hạnh phúc, thanh thản và khao khát hoàn thiện bản thân mình.

 Nụ cười, ánh mắt biết ơn và hạnh phúc của người dân được giúp đỡ chắc chắn sẽ xóa bỏ những vụ lợi trong trái tim mỗi người đi từ thiện.

Hãy cứ bỏ tiền túi ra làm từ thiện để được nổi tiếng nếu có thể, các nghệ sĩ ạ!

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất