Minh Tiệp: "Vợ chồng tôi chỉ thích sinh con gái"
Nam diễn viên chia sẻ về sở thích sinh con gái cùng cách nuôi dạy con thuần Việt được anh rút ra từ tuổi thơ sống ở nước ngoài.
- Anh có điểm gì chung với nhân vật trong phim truyền hình mới - "Lời ru mùa đông"?
- Lời ru mùa đông là bộ phim về gia đình. Nó phản ánh những gì đời thường, dung dị nhất về mối quan hệ, những bất hòa, cách biệt giữa các thế hệ, giữa chồng vợ, cha mẹ và con cái. Vai của tôi ban đầu có vẻ đào hoa, hơi khó ưa, hay cư xử thô lỗ với cha mẹ, trọng công việc hơn vợ con. Nhưng trong sâu thẳm cậu này là người con có hiếu, yêu thương gia đình và rất quan tâm đến vợ.
Tôi thấy mình giống nhân vật trong phim này ở điểm đều sống tình cảm và có trách nhiệm với gia đình.
Minh Tiệp chia sẻ vợ chồng anh chỉ muốn sinh con gái. |
- Con gái Cún - Minh Thùy - đã bốn tuổi, bao giờ anh và bà xã dự định sinh thêm bé thứ hai?
- Vợ chồng tôi chỉ muốn một hoặc nhiều nhất là hai. Chúng tôi muốn sinh ít đồng thời chăm lo chu đáo để con nên người còn hơn sinh nhiều mà nuôi dạy con cái không ra gì.
Nếu có thêm, vợ chồng tôi cũng rất muốn có con gái. Chúng tôi không phân biệt và cũng vui mừng nếu tương lai có con trai. Nhưng để đặt lên bàn cân, vợ chồng tôi chọn con gái. Tôi thấy rằng một đứa con gái trưởng thành tốt hơn nghìn lần đứa con trai phá phách. Con gái cũng có tình cảm và biết chia sẻ hơn con trai. Nhìn từ chính gia đình mình, cả tôi và anh trai bận việc tới nỗi không có thời gian chăm sóc cha mẹ, dù chúng tôi có hiếu. Anh trai tôi gần như định cư ở nước ngoài, còn tôi thường xuyên bay đi bay lại giữa Hà Nội và Sài Gòn. Thương cha mẹ nhưng công việc không bỏ được. Chỉ còn chị gái tôi là có thời gian chăm ông bà. Tất nhiên đây chỉ là quan điểm cá nhân của tôi, tôi biết sẽ có người không đồng tình.
- Anh chị dạy dỗ con gái ra sao?
- Tôi cho con học ở trường mầm non công lập dù có hai trường quốc tế mời con tôi về học và làm đại sứ thương hiệu, theo học không cần trả phí. Đi học, cháu nằm sàn, nằm đất như mọi bạn bè, tuân thủ các nội quy của lớp. Tôi muốn cháu học ở trường nhà nước để cảm nhận rằng bát cơm manh áo kiếm được rất vất vả. Từ đó, cháu sẽ biết trân trọng những điều giản dị đang có. Điều này tôi cũng rút ra từ chính bản thân mình. Từ lúc sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, đôi lúc tôi thấy mình bị mất đi thời niên thiếu của các bạn trẻ Việt.
Con gái tôi nhỏ tuổi nhưng tỏ ra rất người lớn, tình cảm và biết quan tâm cha mẹ. Những lúc mẹ mệt là cháu đi lấy nước cho mẹ uống. Khi mẹ ốm, bé không đi đâu mà luôn ở bên chăm mẹ từng chút.
- Điều gì khiến anh nhớ nhất khi không trải qua thời niên thiếu ở Việt Nam?
- Do cha tôi làm đại sứ nên tôi sinh ra và sống ở nước ngoài từ nhỏ. Đến 14 tuổi, tôi về sống hẳn ở Việt Nam để phát hiện ra bản thân lỡ cỡ, nửa nọ nửa kia, nửa Tây nửa ta. Tôi thấy bản thân rất khó hòa nhập với mọi thứ, từ cách so đũa, mời cơm gia đình trước mỗi bữa ăn. Hồi mới về, ăn đồ Việt Nam tôi bị đau bụng. Tôi phải học thích nghi với lối sống thời bao cấp từ cách rửa chân ở sân giếng, đi ngoài đường ra sao, nói chuyện xưng hô, giao tiếp như thế nào cho phải phép. Tôi thấy lạ lẫm với những trò chơi của chúng bạn. Tôi mất hai năm để học tiếng Việt, phải học chậm một lớp so với các bạn cùng tuổi. Tôi bị các bạn trong cùng lớp kỳ thị vì chúng bạn thấy mình không liên quan.
- Anh thừa hưởng cách giáo dục con cái từ cha mẹ - những người làm về ngoại giao - như thế nào?
- Cha mẹ tôi chiều con trong khuôn khổ, không bao giờ áp đặt con cái và luôn khuyến khích con tự lập. Một mình tôi theo nghệ thuật dù cả nhà làm ngoại giao, cha mẹ ban đầu không thích nhưng tôn trọng và khuyến khích tôi phát triển. Tôi cũng có tư duy như vậy với con của mình.
Có một điều khác biệt là ngày xưa, cha mẹ luôn định hướng tôi sống ở nước ngoài. Còn tôi từ trải nghiệm của mình lại muốn con học hành, thành đạt và làm công việc yêu thích trên quê hương. Tôi muốn con nắm bắt được văn hóa môi trường bản địa Việt Nam tốt đã rồi có thể chọn nơi nào sống sau này cũng được. Tôi từng cảm thấy mình thiệt thòi bởi sự nửa Tây nửa ta nên chỉ muốn con mình thuần Việt.
Minh Tiệp thẳng thắn chia sẻ với vợ mọi điều để giữ hạnh phúc gia đình. |
- Giữ cùng lúc nhiều vai trò: diễn viên, đạo diễn các cuộc thi hoa hậu, ông chủ công ty đào tạo người mẫu - diễn viên, anh phân bổ thời gian cho gia đình thế nào?
- Tôi rất ít khi đi nhậu cùng bạn bè, cuối tuần rảnh rỗi là dành hết cho vợ con. Một năm chúng tôi đi du lịch khoảng ba lần. Với tôi, gia đình rất quan trọng, gần như là hàng đầu. Cá nhân tôi trước nay vẫn đồng quan điểm một người đàn ông hạnh phúc không phải là có bao nhiêu nhà hay xe mà là tình cảm và mối quan hệ của họ với cha mẹ, người thân, con cái, bạn bè ra sao. Tôi thấy mình là đại gia ở nghĩa có một đại gia đình đoàn kết, yêu thương nhau, cả bên ngoại lẫn bên nội.
- Làm việc trong ngành giải trí, hàng ngày tiếp xúc với hoa hậu và người đẹp, anh ứng xử ra sao để giữ hạnh phúc hôn nhân?
- Tôi quan niệm cuộc sống như một hợp đồng. Nếu ngay từ đầu ta có thỏa thuận tốt thì ta sẽ làm tốt mọi việc. Từ khi cưới, tôi bảo vợ rằng bản thân từng rất đào hoa, nhưng đó chỉ là trước khi lấy vợ. Tôi cũng chia sẻ với bà xã từ đầu rằng công việc của chồng phải đi giao tiếp nhiều. Vợ tôi đồng ý để chồng ra ngoài ngoại giao miễn không xảy ra chuyện ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình.
Tôi nghĩ một người đàn ông thành đạt là phải biết minh bạch trong mọi chuyện. Dù hàng ngày tôi tiếp xúc với hoa hậu, người mẫu, nữ doanh nhân, đối tác trẻ, tôi tự hào là người luôn biết để mọi mối quan hệ ở mức bạn bè quý mến.
- Anh ứng xử ra sao trong tình huống một người đẹp có tình cảm với anh khi đang cùng làm việc?
- Trong công việc, tôi nghiêm túc tới nỗi có người mẫu trong công ty góp ý rằng họ sợ và hoảng hốt vì tính cách này. Thú thật tôi chưa bao giờ cười đùa trong lúc làm việc. Bởi thế, tôi chưa gặp chuyện ai đó bày tỏ tình cảm với mình.
Tôi còn nhớ mãi MC Mỹ Linh của chương trình Bước nhảy hoàn vũ - từng là thí sinh của Hoa hậu Việt Nam 2014 - nói rằng: "Anh Tiệp ơi anh mà nghiêm khắc quá thì các bạn thí sinh sẽ sợ và không tập được đâu".
Vũ Văn Việt thực hiện
Video được xem nhiều nhất