Làm thế nào để tránh lựa chọn nghề nghiệp theo trào lưu?

29/11/2019, 09:00

Do không định hướng được bản thân muốn gì, cần gì, thế mạnh là gì, chưa tìm hiểu kỹ về nghề nghiệp…, nhiều bạn trẻ đã đăng ký ngành nghề sẽ học theo trào lưu và thực tế là bị rơi vào tình thế dở khóc dở cười sau khi nhập học.

Có một thực tế đang đặt ra hiện nay mà nhiều bạn trẻ đang phải đối mặt khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, đó là việc chọn ngành nghề “hot”, thời thượng… Đây có thể xem là “căn bệnh” của khá nhiều học sinh trung học phổ thông. Do không định hướng được bản thân muốn gì, cần gì, thế mạnh là gì, chưa tìm hiểu kỹ về nghề nghiệp…, nhiều bạn trẻ đã đăng ký ngành nghề sẽ học theo trào lưu và thực tế là bị rơi vào tình thế dở khóc dở cười sau khi nhập học. Đây chính là hậu quả của “hội chứng” chọn nghề theo trào lưu. Vậy để tránh trào lưu này, bạn cần làm gì? Hãy cùng tham khảo ngay sau đây nhé. 

Định nghĩa rõ ngành nghề "hot" 

Nhiều người nghĩ rằng các ngành nghề “hot” có cơ hội việc làm lớn, nhu cầu xã hội nhiều và có triển vọng phát triển.… Đó chỉ là một phần của vấn đề. Vì một nghề “hot” sẽ trở nên bình thường khi nguồn nhân lực và xã hội bão hòa. Bởi nếu ai cũng chạy theo trào lưu này thì cơ hội việc làm không nhiều, thu nhập cũng ít hơn… Vì vậy cần định nghĩa lại đúng ngành nghề “hot” là gì? Chính là ngành nghề phù hợp với đam mê và tố chất của chính bạn. Ví dụ như ngành copywriter, thường dành cho những người tìm việc thích sáng tạo, thích khám phá, ưa thử thách… Hay ngành tổ chức sự kiện để thỏa mãn đam mê của người thích được đi nhiều, thích được làm những việc hoành tráng… Việc chọn đúng nghề, đúng sở thích là cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến sự nghiệp cả đời nên bạn hãy cân nhắc thật kỹ. Khi đã biết được bản thân muốn gì sẽ giúp bạn thành công và dễ dàng tỏa sáng trên con đường sự nghiệp.

Cần định hướng nghề nghiệp rõ ràng 

Hầu hết các trường THPT hiện nay, đặc biệt là học sinh lớp 12 đã được nhà trường tạo mọi điều kiện tiếp xúc với khâu hướng nghiệp. Điều này cực kỳ quan trọng, vì khi đặt chân vào giảng đường với ngành nghề phù hợp chính là cánh cửa tốt nhất mở ra tương lai xán lạn không chỉ về công việc tương lai mà còn là đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Phụ huynh, giáo viên cũng sẽ góp phần vào việc chọn lựa nghề nghiệp của bạn nhưng bạn nên tự mình định hướng nghề nghiệp bản thân, chủ động tìm hiểu và hình dung về công việc thực tế mà mình sẽ làm sau khi ra trường. Bạn cần nhìn nhận thực tế khách quan, đừng ảo tưởng quá nhiều về nghề để sau này khi cầm bằng ra trường không “dở khóc, dở cười” đi xin việc, hoặc mau chóng chán nản, bỏ nghề.

Trả lời câu hỏi: Tiêu chí quyết định của bạn là gì? 

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tôi là ai, tôi muốn gì, tôi cần gì, đam mê và hạnh phúc của tôi là gì, tiêu chí quyết định nghề nghiệp của tôi là gì… Đó là hình thức tự “phỏng vấn” chính bản thân mình. Điều này tưởng chừng như buồn cười nhưng là việc làm thực sự nghiêm túc. Bạn phải thật sự hiểu rõ về nhu cầu, đam mê và khả năng của chính mình. Hãy trả lời thật chính xác về những phẩm chất, nhân cách, năng lực; tự đánh giá chỉ số tư duy, khả năng quan sát, khả năng tập trung, tính sáng tạo, ngôn ngữ… để có cơ sở lựa chọn cho mình ngành học thật sự phù hợp. Chẳng hạn như bạn phải có khả năng ăn nói và ứng biến trong mọi tình huống nếu muốn theo đuổi nghiệp Luật sư. Hoặc như bạn phải có sức sáng tạo tuôn trào, tính đột phá, khả năng tư duy phản biện nếu muốn làm một Marketer. Ngoài đam mê và sự yêu thích thì sau cùng sự nỗ lực rèn luyện, và sự kiên nhẫn của bạn chính là yếu tố quyết định thành công. 

Hình dung ngành học và đưa ra nhiều sự lựa chọn

Xã hội ngày nay có quá nhiều ngành học để lựa chọn. Hãy bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo để đưa ra quyết định, đừng quá ảo tưởng mà đi xa rời thực tế là nhu cầu xã hội đối với ngành. Và nếu đã xác định được ngành học từ nhiều lựa chọn khác nhau thì bạn phải biết yêu cầu của ngành là gì, bạn có khả năng theo đuổi nó đến cùng hay không? Nhớ rằng đam mê thôi chưa đủ, phải xác định đúng hướng thì con đường thành công của bạn mới đi nhanh được. Vì thực tế đã có trường hợp nhiều người bất chấp chọn ngành mình thích nhưng khi học mới biết nó quá sức với bản thân. Quá sức ở đây được thể hiện nhiều khía cạnh là về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân, năng lực, phẩm chất, kỹ năng… 

Để lựa chọn được ngành nghề phù hợp quả là điều không hề đơn giản. Đó là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Việc nghiêm túc đánh giá bản thân cộng với quá trình nghiên cứu kỹ, tham gia các buổi tư vấn sẽ giúp các bạn có cái nhìn cụ thể hơn, từ đó đưa ra những chọn lựa phù hợp với năng lực cũng như điều kiện gia đình. Hãy sáng suốt tránh khỏi “hội chứng” chọn nghề theo trào lưu và hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi chọn nghề, bạn nhé! 

Mai Hương

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất