Làm gì khi lỡ bị sếp ghét bỏ?

20/06/2019, 08:53

Bạn thường xuyên bị sếp gắt gỏng, trách mắng trong khi sếp luôn tươi cười, niềm nở và quan tâm đến các nhân viên khác? Bạn cảm nhận sếp đối xử với bạn không tốt như đối xử với những đồng nghiệp khác?

Trên con đường phát triển sự nghiệp, ai cũng muốn tìm được một môi trường làm việc tốt với đồng nghiệp vui tính, thân thiện, sếp hiểu nhân viên và luôn tạo điều kiện cho nhân viên phát triển. Tuy nhiên, cuộc đời không phải khi nào cũng trải đầy hoa hồng. Thật không may nếu trong công việc, bạn lại bị sếp ghét. Nguyên nhân không hẳn là do năng lực của bạn yếu kém mà có thể do sự khác biệt về tính cách, không hợp “gu” hay sếp ghen tị điều gì đó với bạn…

Thông thường, khi bị sếp ghét nhân viên thường sẽ nghỉ việc. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến điều này, bạn hãy thử một số cách sau để “gỡ điểm” với sếp. Biết đâu, bạn sẽ cải thiện được mối quan hệ với sếp và thăng tiến tốt hơn. 

Tìm kiếm việc làm từ các công ty hàng đầu tại careerlink.vn

Cư xử lịch sự

Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ, cách cư xử là yếu tố quan trọng để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp. Khi phải đối phó với sếp không thích mình, phép lịch sự chứng tỏ bạn là một người tốt hơn suy nghĩ của sếp. Điều đó góp phần làm giảm những tình huống khó xử với sếp trong cuộc họp và tạo cảm xúc cho những email trao đổi công việc lạnh lùng của sếp.

Ngoài ra, lịch sự với tất cả mọi người trong văn phòng sẽ giúp bạn kết nối với đồng nghiệp. Họ sẽ tự biết đánh giá ai đúng ai sai và sẽ cảm thông hoặc bảo vệ bạn trong trường hợp bạn bị sếp “bắt nạt”.

Kiểm soát cảm xúc

Bạn cần kiểm soát cảm xúc thật tốt, luôn bình tĩnh trong trường hợp sếp làm khó mình. Nếu không làm chủ được cảm xúc, bạn dễ gây ra những xung đột, cãi vã và càng làm mối quan hệ thêm căng thẳng mà bạn lại luôn bị xem là người có lỗi. Như vậy, sếp càng có cớ sa thải bạn. Hãy bình tĩnh, mạnh mẽ và mỉm cười, như vậy mới hy vọng sếp thay đổi cách nhìn về bạn.

Tìm kiếm sự trợ giúp

Khi sếp hay người quản lý luôn tìm cách đẩy bạn xuống hoặc đưa bạn vào những sai lầm, bạn hãy thật sáng suốt và nhờ đến sự trợ giúp của đồng nghiệp. Họ chính là những “phao cứu sinh” không chỉ giúp bạn vượt qua được khó khăn thử thách của công việc mà còn là người cộng sự để đồng hành cùng bạn “gỡ điểm” với sếp.

Tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội của công ty

Khi tham gia những hoạt động với tập thể, bạn không chỉ xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với những đồng nghiệp của mình mà còn nhanh chóng hòa nhập với môi trường của công ty. Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn tự ti, mặc cảm và hầu như không tham gia hoạt động nào của công ty, như vậy bạn sẽ tự loại mình ra khỏi tập thể và khả năng tự xin nghỉ việc của bạn rất cao mà lại không để lại được ấn tượng tốt với đồng nghiệp và sếp.

Chứng tỏ giá trị bản thân

Sếp sẽ không thể làm ngơ trước một nhân viên luôn mang lại những thành công xuất sắc cho công ty. Dù không bị sếp ghét bỏ thì bạn cũng phải chứng tỏ giá trị của bản thân, tập trung vào công việc và cho thấy công ty cần bạn ra sao – bạn mang lại cho công ty những giá trị như thế nào.

Giao tiếp thường xuyên với sếp

Khi được giao một dự án/công việc, đừng ngại đặt câu hỏi cho sếp về những điểm mà bạn chưa rõ và hãy thông báo tiến độ công việc thường xuyên với sếp. Bạn cũng có thể xin những lời khuyên của sếp về cách làm việc tốt hơn. Những cuộc nói chuyện nhỏ như vậy sẽ giúp bạn dần tạo thiện cảm với sếp và khiến sếp thay đổi quan điểm về bạn.

Và cho dù tình cảm của sếp với bạn vẫn không thay đổi sau những bước trên, hãy cố gắng duy trì sự chuyên nghiệp. Đặc biệt, không được nói xấu sếp và tỏ vẻ chống đối ra mặt trước những người khác trong văn phòng. Nếu không thể “cảm hóa” được sếp và hành động sếp đã vượt quá giới hạn chịu đựng của mình, lúc đó bạn mới cân nhắc khả năng tìm việc mới. Với những bí kíp “gỡ ghét” như trên, mong rằng bạn sẽ có những cách để thay đổi mối quan hệ, lấy lại thiện cảm với sếp và nhanh chóng thăng tiến trong công việc.

Mai Hương     

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất