Ký ức trung thu đầy thơ mộng của Tiết Cương, Đàm Vĩnh Hưng

Zing - 27/09/2015, 11:52

Các nghệ sĩ như Lý Hùng, Mr. Đàm, Tiết Cương, Khởi My chia sẻ về những mùa trung thu ý nghĩa, đọng lại trong ký ức của họ kỷ niệm về một thời tuổi thơ đáng yêu.

Lý Hùng: Hồi nhỏ đánh trống trung thu oai lắm

Tôi học võ từ nhỏ nên ngoại hình to con hơn mấy đứa bạn cùng trang lứa. Nhờ vậy, tôi được vào đội trống của phường, sinh hoạt rất hăng say. Những mùa trung thu, tôi mặc quần xanh, áo trắng đội nón ca lô và được giao đánh trống đại, 6 chiếc trống con vây quanh. Mỗi lần đánh, trống kêu “chát bùm bum” thấy oai lắm.

Lý Hùng đến hát và trao quà cho trẻ em nghèo ở Hải Phòng.

Trung thu bây giờ, tôi đi diễn khắp các vùng miền, mang niềm vui đến cho các bé. Năm ngoái, tôi đóng phim ở Bình Định, tôi tham gia đoàn múa lân đến vùng Tây Sơn biểu diễn cho hàng nghìn người xem. Mới đây tôi cũng vừa ra Hải Phòng, vận động anh chị em nghệ sĩ gần 200 triệu đồng để giúp những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đón trung thu như ý. Đoàn lân ở Sài Gòn sôi động và hoành tráng hơn, tôi lại theo khắp nơi để vui cùng các bé.

Đàm Vĩnh Hưng: Trẻ em thành phố không có trung thu truyền thống

Tôi không bao giờ quên những mùa Tết trung thu khi còn nhỏ. Đó là những ký ức tuyệt vời trong cuộc đời. Hồi bé rất thích lồng đèn kéo quân hoặc có hình ngôi sao hay con cá. Tôi thường nhờ ông làm rồi mang ra khoe với mấy đứa trẻ hàng xóm. Sau này lớn lên một chút, tôi tự làm đèn kéo quân cho mình. Ngày đó thời tiết đẹp lắm, trăng tròn thơ mộng, soi sáng cả bầu trời. Lũ trẻ chúng tôi kéo nhau ra vùng đất trống, nổi lửa lên và chia nhau bánh kẹo, khoe lồng đèn tự làm. Chúng tôi cứ nghĩ đó là cả tòa lâu đài, cứ mong ngóng hết một năm để được sống trong ký ức “xa hoa” đó.

Đàm Vĩnh Hưng đang bận rộn với dự án mới nhưng vẫn dành thời gian cho các trẻ em.

Trẻ em thành phố không còn những mùa trung thu ý nghĩa bởi cuộc sống hiện đại cuốn người ta theo guồng máy chung. Lồng đèn giờ được bày bán khắp nơi, không ai dùng giấy hay lon sữa để làm cho chúng chơi nữa. Có chăng, chỉ còn trẻ em vùng quê mới có được.

Trung thu của tôi là những chuyến lưu diễn, đi phát quà cho những trẻ em ở các vùng xa. Nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ, niềm vui trên ánh mắt của bọn trẻ khi nhận được những chiếc bánh, gói kẹo, tôi thấy bồi hồi khó tả. Năm nay, tôi đi vòng quanh thành phố, đến các bệnh viện để trao quà cho các bé. Tôi còn muốn những đứa trẻ lang thang ở vỉa hè, tận hưởng ngày Tết trung thu nên vận động mọi người phát bánh kẹo cùng nhau.

Tiết Cương: Vẫn tự làm lồng đèn để chơi

Lúc học cấp 2 ở Long An, tôi cùng bạn bè trong lớp thức trắng đêm để làm lồng đèn thi trong trường. Lần đầu tiên làm, lồng đèn kéo quân quay được cả bọn mừng khôn xiết. Cả lớp hớn hở mang đến trường, trên đường đi, trời mưa to quá, lồng đèn và người ướt nhẹp. Lúc đó đâu còn thi thố gì nữa, cả đám tiu nghỉu ra về.

Rảnh rỗi, Tiết Cương lại làm lồng đèn ống lon.

Tôi vẫn giữ sở thích tự làm đèn trung thu chơi cho vui hoặc mang tặng ai đó. Cảm giác như được quay về tuổi thơ nên thích lắm. Năm nào cũng vậy, tôi đến những vùng xa để diễn kịch và phát quà cho các em nghèo. Những nơi đó, mọi thứ rất đơn giản nhưng ấm áp và vui lắm.

Khởi My: Chỉ thích lồng đèn truyền thống

Cứ mỗi mùa trung về, tôi háo hức lắm vì được đi chơi cùng bạn bè. Lúc đó nhà nghèo nhưng mẹ vẫn ráng dành dụm, mua cho tôi lồng đèn điện. Nó đẹp lắm, nhưng tôi không thích vì không đốt đèn được. Mang ra khoe với bạn bè, tụi nó chê thế, tôi thất thểu quay về. Mẹ lại cắm cúi cắt lon bia, cắm đèn cầy vào trong. Tôi hớn hở cầm chạy ra ngoài, gió thổi ngang lồng đèn tắt cái phụt, lại quay về mồi lửa. Mẹ bảo, con cầm lồng đèn kia chơi, có đèn điện tử sáng bên trong, như vậy khỏe hơn. Nhưng tôi không chịu, cứ nhất định phải chơi lồng đèn truyền thống.

Nữ  ca sĩ cá tính không thích những lồng đèn hiện đại.

Tôi giờ không có mùa trung thu nào cả vì bận rộn với lịch diễn. Những dịp này, tôi tất bật từ thành phố đến thành phố khác, chỉ mong có thời gian nghỉ ngơi.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất