Hoa hậu Ngô Phương Lan: Không thể quen với cái gọi là "văn hóa giờ cao su"

Thanh Niên - 02/08/2015, 17:42

"Giờ dây thun" hay "giờ cao su" là cách nói không còn xa lạ gì với giới trẻ ngày nay, cho thấy khái niệm giờ giấc trễ nải đã ăn sâu vào cuộc sống của người Việt. Nếu như một lần là người trong cuộc, phải đứng chờ người khác vì tâm lý "chắc người ta cũng đến trễ, cớ gì phải vội vàng đến sớm" ...

 

 - ảnh 1
Ngô Phương Lan cho biết đơn vị tổ chức nào mà bắt ê-kíp phải đợi hàng giờ thì sẽ không có
 lần thứ hai làm việc với cô - Ảnh: H.B
 
“Tôi lớn lên trong gia đình ngoại giao và đặc biệt là thời gian đi học thì sống ở Thụy Sĩ, xứ sở của đồng hồ nên đối với tôi, việc tôn trọng giờ giấc luôn quan trọng. Tôi rất ghét cả hai cảm giác của người phải đợi và người đang để người khác đợi mình. Khi về Việt Nam mới biết về khái niệm "giờ cao su"... Và phải nói là bao nhiêu năm qua rồi nhưng tôi thực sự cũng không thể quen với cái gọi là "văn hóa" này. Sau những lần chứng kiến nhiều người sau giờ hẹn mới khởi hành rồi tự biện hộ là: "Đằng nào nó cũng đến muộn, mà nó đợi mình một lúc đâu có sao", tôi rút ra được một kết luận là cái thứ mà nhiều người cho là "văn hóa giờ cao su" hoàn toàn không phải là văn hóa, mà là lý do bào chữa cho việc thiếu tôn trọng và lễ phép tối thiểu.
 
Trong nghi thức ngoại giao cũng có những quy định về giờ giấc, có thể đến sớm hoặc muộn trong một khoảng thời gian cụ thể, nhưng không bao giờ quá 15 phút mà không có sự báo trước. Thực ra cũng rất logic mà thôi. Tưởng tượng mời khách đến nhà mà khách đến sớm quá mình chưa kịp chuẩn bị xong mọi thứ thì thấy áy náy, mà nếu khách đến muộn quá nguội hết thức ăn hoặc lỡ mất chương trình thì lại thấy khó chịu. Nói tóm lại là nếu đã không hẹn giờ cụ thể thì thôi không cần nói làm gì, nhưng nếu đã nói giờ rồi thì cứ như vậy mà tôn trọng giờ hẹn”, Ngô Phương Lan trải lòng.
 
 - ảnh 2
Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 Ngô Phương Lan tại Lễ rước đuốc Olympic London 2012
 - Ảnh: FBNV
 
Chia sẻ cùng Thanh Niên Online, cô cho biết không chỉ trong các sự kiện, người Việt khi đi làm hay hẹn hò bạn bè, gia đình đều có xu hướng để người khác phải đợi, nhưng mà trong công việc thì không thể chấp nhận được.
 
“Nhiều công ty, chuyên gia người Việt hay bị người nước ngoài đánh giá thấp chỉ vì họ không tôn trọng thời gian khi làm việc. Bản thân tôi nếu đã từng làm với đơn vị tổ chức nào mà bắt ê-kíp phải đợi hàng giờ, thì sẽ không có lần thứ hai làm việc với họ. Và khi chọn đối tác, tôi thường thích làm việc với những đơn vị nghiêm túc trong thời gian, mặc dù có thể phải vất vả hơn”, Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 tâm sự.
 
Khi được hỏi có phải vì sống trong môi trường giáo dục nước ngoài từ nhỏ, thậm chí lấy chồng ngoại nên không mấy thiện cảm về giờ cao su, Ngô Phương Lan nói ngay: “Từ bé ba tôi có dạy là "cái gì tốt của mình thì nên giữ, cái gì tốt của người ta thì nên học", tôi thấy việc tôn trọng giờ giấc là điều tốt, cần phải học. Người nào nói khác - có nghĩa nói là đấy là văn hóa của Việt Nam rồi, những người khác phải theo mình - thì quả thật suy nghĩ không cầu tiến. Chúng ta sống trong thế giới bình đẳng, mọi người cần tôn trọng lẫn nhau, khi thể hiện thái độ thấy mình hơn người và họ phải đợi mình có nghĩa là mình không tôn trọng họ, cần phải thay đổi suy nghĩ này thì xã hội mới có thể tiến bộ được”.
 
Cuối bài chia sẻ, Ngô Phương Lan cho biết cô cảm thấy rất xấu hổ khi những người Việt Nam dù tài giỏi nhưng bị người quốc gia khác đánh giá thấp chỉ vì không tuân thủ giờ giấc, mà cái này hoàn toàn có thể chỉnh được.
 
Ngô Phương Lan là người đẹp đầu tiên đăng quang ngôi vị Hoa hậu Thế giới người Việt vào năm 2007. Tuy vậy, người đẹp chọn con đường học tập thay vì bước chân vào làng giải trí. Cô cũng thường xuyên tham gia nhiều chương trình tình nguyện với mục đích cải thiện đời sống tinh thần cho người dân Việt.
 

Thùy Linh

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất