Hoa hậu làm được gì mà thi ồ ạt?
"Thần tượng của em là chị Phạm Hương" hay "Em ước được như chị Thu Thảo", nhiều cô gái không ngần ngại thổ lộ ước mơ gắn với những hình mẫu hoa hậu "trong mơ" trên truyền thông.
- Chàng MC đêm chung kết Miss Grand International 2017 bỗng hot không kém Hoa hậu vì quá đẹp trai
- Người yêu cũ của Tú Anh tới Phú Quốc ủng hộ Huyền My trong đêm chung kết Miss Grand International
- Khoảnh khắc khó hiểu tại Chung kết Miss Grand International: Đại diện Bolivia quay lưng bỏ đi khi MC công bố kết quả cuối cùng
- Kết thúc cuộc thi, Huyền My oà khóc nức nở khi chỉ dừng chân tại top 10 Miss Grand International 2017
'Tôi nhận thấy các cuộc thi hoa hậu có thể khiến trẻ em bị giới hạn ước mơ. Nhất là ở các bé gái 5-6 tuổi, ước mơ trở thành hoa hậu là rất phổ biến, vì các em thấy hoa hậu quá đẹp và có cuộc sống đáng mơ ước. Còn rất hiếm các em có ước mơ làm giáo viên, bác sĩ, kỹ sư...', bà Xuân Trang, một chuyên gia đào tạo con người và cũng là giám khảo kiêm cố vấn của nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn, nói với Zing.vn.
Tháng 11 và 12 này, đếm sơ sơ có gần 10 cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ của Việt Nam và quốc tế diễn ra với sự góp mặt của các người đẹp Việt Nam.
'Mùa giải' hoa hậu
Tối 25/10, Nguyễn Trần Huyền My - Á hậu Việt Nam 2014 - bước vào đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới (Miss Grand International 2017). Trong cả ngày 25/10, tên cô là từ khóa hot bậc nhất trên Google Việt Nam, dù tên cuộc thi không quá quen thuộc với khán giả trong nước.
Trước đó một ngày, Thùy Dung - Á hậu Việt Nam 2016 - lên đường đi thi Hoa hậu Quốc tế 2017 (Miss International 2017). Cùng lúc ở Trung Quốc, Đỗ Mỹ Linh - Hoa hậu Việt Nam 2016 - đang tham dự các phần thi phụ của Hoa hậu Thế giới 2017 (Miss World 2017).
Một tháng nữa, Nguyễn Thị Loan - top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 - cũng sẽ sang Mỹ dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017 (Miss Universe 2017). Trong khi đó, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận với sự xuất hiện của các thí sinh người mẫu nổi tiếng và chương trình truyền hình thực tế đi kèm.
Cũng chiều 25/10, Khánh Ngân - Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 - lên đường bay sang Albania dự thi Hoa hậu Hoàn cầu (Miss Globe 2017). Trả lời báo chí, cô cho biết đang để ngỏ khả năng dự thi Hoa hậu Du lịch Thế Giới (Miss Tourism World).
Bên cạnh đó, cũng đừng quên cuộc thi Hoa hâu Đại dương Việt Nam 2017 sắp tổ chức đêm chung kết vào ngày 28/10 tại TP.HCM.
Huyền My bật khóc vì không lọt vào top 5 cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới. Ảnh: Việt Hùng.
Nghe khá lạ tai là cuộc thi mới toanh Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn mỹ Toàn cầu 2017 (Miss Perfect Global Beauty 2017) vừa công bố dàn giám khảo (gồm Võ Hoàng Yến, MC Phan Anh và diễn viên Trương Ngọc Ánh). Đây là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam dành cho các thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Trong môt diễn biến ngoài lề các cuộc thi, chiều 25/10 Yoshi Rinrada Thurapan - Hoa hậu Chuyển giới Thái Lan 2017 - đến thăm Việt Nam. Đây là sự kiện truyền thông được báo chí rất quan tâm. Việt Nam chưa có cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới, nhưng tương lai chưa thể nói trước điều gì.
Đến đây, nếu độc giả đã quên hết tên các cuộc thi, hoặc nhầm chúng với nhau, cũng là điều dễ hiểu. Nếu trong điện ảnh Âu - Mỹ có mùa giải thưởng vào tháng 1, tháng 2 với BAFTA, Quả Cầu Vàng, Oscar... thì tháng 11, 12 năm nay chắc chắn là 'mùa giải hoa hậu' của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Thi sắc đẹp: nhiều lợi ích, chỉ một bất lợi?
Với sự chú ý của công chúng dành cho Huyền My và cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới trước đêm chung kết vào tối 25/10, có thể thấy thi sắc đẹp vẫn là một hoạt động văn hóa - giải trí được quan tâm rộng khắp.
'Có nhiều lợi ích khi tổ chức các cuộc thi hoa hậu, bất lợi theo tôi chỉ có một', Bà Võ Thị Xuân Trang, hiệu trưởng trường John Robert Power Việt Nam kiêm giám khảo nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn trong nước như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, nhận định với Zing.vn.
'Các cuộc thi hoa hậu có thể khiến trẻ em bị giới hạn ước mơ. Nhất là ở các bé gái 5, 6 tuổi, ước mơ trở thành hoa hậu là rất phổ biến' - Bà Võ Thị Xuân Trang.
Nói về lợi ích, theo bà Trang, thi sắc đẹp là một hoạt động văn hóa, giúp định hình cho các cô gái trẻ về thời trang, phong cách và sự tự tin. Khi các cô gái trình diễn thời trang và ứng xử trên truyền hình, họ sẽ nhận ra những yếu tố mình cần để giúp bản thân trở nên hấp dẫn hơn. Đó cũng là những yếu tố cần thiết cho phụ nữ trong xã hội chứ không chỉ khi đi thi hoa hậu.
Trước đây, các cuộc thi hoa hậu hồi năm 1990, đầu 2000 dường như chỉ cần đẹp là đủ. Khi Lý Thu Thảo đăng quang Hoa hậu Việt Nam lần đầu tiên năm 1989, người ta trầm trồ trước nhan sắc cô, không quan trọng lắm chuyện thi ứng xử.
Nhưng người xem ngày càng khó tính hơn, đòi hỏi khắt khe hơn với các thí sinh thi hoa hậu. Nhưng nhờ đó, các thí sinh hoa hậu ngày càng phải hoàn thiện mình và hiểu rằng người phụ nữ hiện đại cần nhiều hơn một khuôn mặt đẹp.
'Phạm Hương là một ví dụ, không chỉ đẹp mà mỗi lần phát ngôn còn truyền cảm hứng cho người trẻ', bà Trang nói.
Trước cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm nay, nhiều cô gái sớm bị loại vì ngoại hình không nổi bật. Nhưng họ cũng khẳng định việc đi thi giống như vượt qua chính mình, thử thách sự tự tin của bản thân và có thêm nhiều người bạn mới.
Còn khi các người đẹp bước chân ra sân chơi quốc tế, lợi ích là quảng bá được đất nước và con người Việt Nam ra nước ngoài. Trên thực tế, có rất ít dịp để hình ảnh Việt Nam xuất hiện trước mắt công chúng thế giới.
Người dân các nước có hiểu biết rất hạn chế về Việt Nam, trong khi hiểu hơn về Thái Lan, Singapore, Philippines... Những cuộc thi sắc đẹp khiến hình ảnh Việt Nam trở nên quen thuộc hơn với thế giới.
Bà Trang nhấn mạnh: 'Phụ nữ Việt Nam, xét trong mặt bằng chung với các nước láng giềng, theo tôi là có nhan sắc vượt trội'.
'Em muốn được như chị Đặng Thu Thảo' là tiếng lòng của nhiều cô gái trẻ.
Mặc dù vậy, từ góc nhìn của người làm giáo dục, bà Xuân Trang cho rằng bất lợi lớn nhất của các cuộc thi sắc đẹp là 'giới hạn ước mơ của trẻ con'. 'Tôi là giáo viên dạy trẻ con từ 5 tuổi đến những người trẻ đang muốn phát triển bản thân' bà cho biết.
'Tôi nhận thấy rằng các cuộc thi hoa hậu có thể khiến trẻ em bị giới hạn ước mơ. Nhất là ở các bé gái 5-6 tuổi, ước mơ trở thành hoa hậu là rất phổ biến, vì các em thấy hoa hậu quá đẹp và có cuộc sống đáng mơ ước. Còn rất hiếm các em có ước mơ làm giáo viên, bác sĩ, kỹ sư... Đó là những công việc khác giúp cuộc sống đa dạng hơn', bà nhấn mạnh.
Khan hiếm thí sinh và những cô gái 'thi đi thi lại'
Năm nay, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam có một scandal nhỏ xung quanh dòng đăng ký của thí sinh Mai Ngô. Ở câu hỏi về những cuộc thi bạn từng tham gia, Mai Ngô ghi: 'Xin Google'. Giải thích về điều này, cô nói: 'Vì tham gia nhiều quá nên Mai không nhớ hết'. Trong những lần Mai Ngô đi thi thố có cả Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vào năm 2015.
Nguyễn Thị Loan, đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2017 ở Mỹ, cũng gây dư luận vì cô là gương mặt quá quen thuộc, nếu không nói là đã cũ. Nói về điều này trên trang của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Nguyễn Thị Loan bộc bạch: 'Không ít người nói tôi đi thi nhiều sẽ bị nhàm chán. Tôi lại nghĩ khác. Mỗi cuộc thi là một môi trường trải nghiệm, giúp tôi học hỏi thêm nhiều điều bổ ích'.
Về mặt chuyên môn, 'học hỏi thêm nhiều điều' là hợp lý. Bà Xuân Trang đồng tình: 'Việc thi đi thi lại có ích cho bản thân thí sinh. Họ sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn và đẹp hơn qua mỗi lần thử sức. Họ cũng rèn luyện được tính kiên nhẫn và sự quyết tâm'.
Chính Phạm Hương, hoa hậu nổi bật nhất hiện nay, cũng đi thi khá nhiều cuộc thi sắc đẹp. Cuối cùng, thành công của cô ấy ở Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 mang lại thông điệp truyền cảm hứng về theo đuổi ước mơ.
Năm Phạm Hương đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 cũng là khi nhan sắc và thần thái của cô vào độ đỉnh cao, khắc phục được nhiều nhược điểm ngoại hình ở những cuộc thi trước.
Nhưng xét về mặt công chúng và chất lượng chung của cuộc thi, việc có quá nhiều thí sinh quen thuộc không giấu được một thực tế. Đó là tại Việt Nam, các cuộc thi liên quan đến nhan sắc ngày càng nhiều, nhưng thí sinh lại ngày càng khan hiếm.
Giám khảo nhiều cuộc thi thường nói đùa với nhau rằng, họ phải 'chấm tới chấm lui' những thí sinh quen mặt từ cuộc thi này qua cuộc thi khác, dù điều tích cực là 'năm sau họ đẹp hơn năm trước'.
Và đôi khi là cuộc thi sau họ đẹp hơn cuộc thi trước. Năm nay, một thí sinh sau khi bị loại ở Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã chuyển qua thi Hoa hậu Đại dương và khá nổi bật.
Hoa hậu làm gì ngoài khoe sắc và váy vóc?
Nhưng những ồn ào hào quang về các cuộc thi sắc đẹp không che lấp được thực tế: hình ảnh của những người đẹp có danh hiệu đang bị hoài nghi. Họ bị đặt câu hỏi về vai trò của mình đối với cộng đồng.
'Các hoạt động quan trọng nhất của một hoa hậu không phải là 'trả ơn' cho các nhãn hàng tài trợ' - Bà Võ Thị Xuân Trang.
Một hội thảo về các cuộc thi sắc đẹp do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTT&DL) tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua đã để đọng lại câu hỏi: 'Hoa hậu làm được gì cho đất nước mà tổ chức các cuộc thi hoa hậu nhiều như vậy?'.
Là cố vấn thường xuyên cho các cuộc thi sắc đẹp, bà Xuân Trang cho biết, bà vẫn nhấn mạnh với các ban tổ chức rằng việc chọn ra được hoa hậu chỉ là bước đi đầu tiên của một cuộc thi. Còn lại là cả hành trình sau đó của người đoạt vương miện. Ban tổ chức cần có định hướng rõ ràng cho một hoa hậu trong suốt nhiệm kỳ của mình.
'Các hoạt động quan trọng của một hoa hậu không phải là 'trả ơn' cho các nhãn hàng tài trợ mà nên là những đóng góp tích cực đối với cộng đồng, đặc biệt là với người trẻ, phụ nữ và người có hoàn cảnh khó khăn, người bị bệnh hiểm nghèo', bà Trang nói.
'Hoa hậu không thể chỉ tối ngày lên mạng hay lên truyền hình với quần là áo lượt, hay trong shop mỹ phẩm, truyền một thông điệp lệch lạc cho công chúng là chỉ cần đẹp là sẽ có cuộc sống sung túc'.
Mới đây, thông tin Đỗ Mỹ Linh bị mắc kẹt ở miền núi phía Bắc do bão lũ trong một chuyến đi từ thiện có lẽ thông tin hiếm hoi về hoạt động từ thiện của hoa hậu được dư luận chú ý.
Hoàng My - Á hậu Việt Nam 2010 kiêm giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm nay, cũng từng bộc bạch băn khoăn tương tự trong bài phỏng vấn với Zing.vn.
Trước việc nhiều thí sinh hồn nhiên thổ lộ thích lối sống tiêu tiền không phải suy nghĩ, Hoàng My nói: 'Tôi ngồi trên hàng ghế giám khảo mà nghĩ không biết có lỗi của mình trong đó hay không, khi tôi hay những người trong showbiz đã góp phần quảng bá lối sống đó'.
Và nhiều hoa hậu, người đẹp cũng tình nguyện làm 'gương mặt đại diện' cho lối sống đó, theo Hoàng My.
Theo Zing
Video được xem nhiều nhất