Hakoota Dũng Hà kể chuyện vừa hát vừa... ngủ gật
Giọng hát Việt 2012 Phạm Dũng Hà chia sẻ, nghề thiết kế thời trang mang lại cuộc sống ổn định nhưng âm nhạc khiến anh được là chính mình và thăng hoa cảm xúc.
Ca/nhạc sĩ kiêm nhà thiết kế thời trang Hakoota Phạm Dũng Hà. |
- Chào Phạm Dũng Hà, được biết anh đang làm nghề thiết kế thời trang và stylist. Sao anh vẫn quyết định theo đuổi âm nhạc?
- Âm nhạc là đam mê, là giấc mơ của tôi. Để nuôi được giấc mơ này, tôi cũng như bao người khác là cần một công việc ổn định. Không phải ai cũng có thể may mắn sống nhờ giấc mơ. Nghề thời trang mang lại cho tôi cuộc sống ổn định, còn khi chơi nhạc, tôi được là chính mình.
- Âm nhạc của anh có thay đổi theo mùa như thời trang?
- Có đấy nhưng không đến mức liên tục thay đổi. Tôi biết khả năng của mình và sẽ chỉ thay đổi theo hướng hợp lý nhất. Tôi hay hát nhạc buồn, vì thế không thể chuyển ngay sang hát hát nhạc điện tử cho hợp trào lưu được (cười).
- Còn nghề vj thì sao? Có vẻ như anh là người đa tài?
- Hồi còn nhỏ TV là một điều xa xỉ đối với gia đình tôi. Vì thế, tôi quen với radio và thực sự rất thích thú với những “giọng nói” trên đài. Bây giờ, tôi có những trải nghiệm riêng về lĩnh vực này. Mọi người vẫn nghĩ phát thanh viên là nghề nói nhưng thực tế họ giống như diễn viên. Vj (người dẫn chương trình trên radio) nghĩa là bạn phải viết kịch bản hay, giọng nói phải chuẩn xác, truyền cảm....
- Làm VJ, hẳn anh phải là người thường xuyên cập nhật về xu hướng âm nhạc trong nước và quốc tế?
- Không chỉ là người dẫn cho chương trình radio mà bản thân công việc ca hát cũng đã bắt buộc mình phải cập nhật liên tục xu hướng âm nhạc. Thậm chí, tôi còn phải tìm hiểu thật tường tận những thứ liên quan đến các thể loại âm nhạc. Tôi càng tìm hiểu lại càng thấy thế giới âm nhạc quá bao la và phong phú. Còn xu hướng thì thay đổi nhanh đến chóng mặt.
- Có bao giờ anh choáng ngợp với sự thay đổi chóng mặt của các xu hướng âm nhạc hiện nay ở Việt Nam?
- Thực ra xu hướng âm nhạc cũng giống như xu hướng thời trang. Theo sự phát triển của con người, âm nhạc có thể phát sinh ra một số biến thể mới. Tuy nhiên tôi thấy vòng xoay này còn tùy theo từng thời kỳ và nhu cầu tâm lý của con người.
Âm nhạc ngày nay đa dạng hóa một cách tinh vi hơn. Nói ví dụ với nhạc điện tử. Trước đây, chúng ta biết đến pop dance, electronic dance, rồi sau đó nào là house, trance, deep house... và bây giờ thì là trap. Âm nhạc đa dạng như vậy nhưng tôi không thấy choáng ngợp.
Phạm Dũng Hà cho rằng xu hướng âm nhạc ngày nay thay đổi nhanh chóng mặt. |
- Gu thưởng thức âm nhạc của anh thế nào? Anh ảnh hưởng nghệ sĩ nào nhất?
- Tôi thường nghe nhạc theo cảm xúc. Khi buồn tôi hay nghe jazz, soul, R&B, chillout. Khi vui thì tôi thích quấy quá với một chút reggae, hip hop. Cũng có lúc tôi tưng bừng với nhạc EDM nhưng không nhiều. Nói thật, ngoài những món này tôi còn thích nghe... chèo nữa.
- Là người sáng tạo hẳn anh cũng ảnh hưởng ít nhiều đến các nghệ sĩ quốc tế?
- Đối với âm nhạc hay bất kỳ ngành nghệ thuật nào trước khi sáng tạo, chúng ta cũng đều phải học và ít nhiều bị ảnh hưởng bởi một hình mẫu nào đó. Việc tạo ra một phong cách riêng và được đông đảo công chúng nhận ra là một chuyện khó. Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức nhưng không phải ai cũng may mắn làm được.
Tôi có bị ảnh hưởng nghệ sĩ quốc tế chứ. Chẳng có gì phải phủ nhận điều đó. Cụ thể, người mà tôi bị ảnh hưởng nhiều nhất là nữ ca sĩ quá cố Amy Winehouse.
- Anh nghĩ sao về việc nhiều ca sĩ trẻ Vpop bây giờ bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sao ngoại?
- Nền âm nhạc Việt Nam đi sau thế giới rất nhiều còn nhu cầu của người nghe, người xem âm nhạc thì ngày một tăng cao. Bây giờ, khán giả có điều kiện cập nhật thông tin, xu hướng âm nhạc một cách nhanh chóng. Không chỉ riêng tôi mà nhiều nghệ sĩ khác cũng phải cố gắng đáp ứng bằng cách học hỏi những đồng nghiệp, những thần tượng thế giới. Tất nhiên, việc học hay hay học dở thì tùy khả năng và nhận thức của mỗi cá nhân.
Tôi không thể buông một câu có thể trả lời hết được vấn đề này. Vậy nên, tôi xin mạn phép không bàn tới ở đây. Tất cả những gì nghệ sĩ làm mong đem đến những món ăn tinh thần tốt nhất cho tất cả những ai yêu âm nhạc. Hy vọng mọi người sẽ ủng hộ cho những sự học hỏi này.
- Anh làm gì để âm nhạc của mình khi vang lên đều được khán giả nhận ra nhưng không bị ảnh hưởng quá lớn bởi nghệ sĩ khác?
- Hãy hỏi khán giả của tôi, họ là người có câu trả lời chính xác nhất. Tôi mới bắt đầu con đường âm nhạc với những bước đi mang tính chinh phục. Nếu ép tôi trả lời, có lẽ khán giả yêu thích âm nhạc của tôi vì cảm xúc chứ không quá câu nệ vào kỹ thuật.
Tôi vẫn nghĩ, trái tim sẽ chạm đến những trái tim khác bằng những cảm xúc chân thật. Âm nhạc với tôi giống như một cách tâm sự, đôi khi cần lắng nghe hơn là những lời an ủi văn vẻ nhưng sáo rỗng.
- Vpop giờ lắm nghệ sĩ trẻ dính nghi án đạo nhạc. Anh nghĩ gì về hiện tượng này?
- Trong ngành thiết kế thời trang mà tôi đã từng học có một môn học gọi nôm na là sao chép và phát triển từ một ý tưởng gốc. Phải nói đây là một môn học rất khó vì chỉ cần lơ là một chút, sản phẩm của mình chỉ là hàng copy. Chính vì thế, không phải ai cũng qua được “môn học” này.
Những người tự trọng khi thấy sự trùng lặp giữa sản phẩm của mình và bản gốc sẽ lập tức tìm cách thay đổi. Điều này đảm bảo sự tôn trọng đối với chủ nhân của tác phẩm gốc và cho cả chính mình. Đạo hay không đạo chỉ là vấn đề của lương tâm ở một người nghệ sĩ chân chính.
- Nếu lấy Giọng hát Việt ra làm mốc trong sự nghiệp âm nhạc của anh. Hơn 2 năm qua, anh đã thay đổi những gì trong âm nhạc?
- Nếu có thay đổi thì chỉ có định hướng nghề nghiệp thôi. "Chậm mà chất" là khẩu hiệu hiện tại của tôi. Trước đây tôi muốn có càng nhiều sản phẩm càng tốt, bây giờ tôi muốn tập trung vào chất lượng của từng sản phẩm.
Tôi muốn khán giả phải nghe lại nhiều lần ca khúc của tôi. Hiện nay, có quá nhiều cách để trở thành ca sĩ, nếu tôi không thực sự tạo ra được một sản phẩm nghiêm túc thì cũng chẳng ai nhớ tới.
Nam ca sĩ từng ngủ gật trong phòng thu khi hát bè cho nữ ca sĩ Hiền Thục. |
- Kể về quá khứ từng tham gia hát bè cho các ca sĩ như Hiền Thục và các ca sĩ khác, anh nhớ đến điều gì nhất?
- Hóa ra là bạn còn nhớ thông tin này. Thời gian đó tôi làm công việc hát bè cho các anh chị nghệ sĩ như một niềm vui. Tôi toàn thu bè lúc nửa đêm về sáng vì các anh chị đi diễn về mới thu âm.
Có nhiều hôm tôi thu âm trong quán tính. Có những lần tôi còn ngủ gật trong phòng thu. Anh producer mở cửa kêu dậy, tôi mới biết là mình thu xong rồi. Hai anh em nhìn nhau cười phá lên vì không hiểu nổi vì sao, tôi vừa ngủ vừa hát bè vẫn “ngon lành cành đào”.
- Tôi thấy anh làm việc chung với nhạc sĩ Dương Khắc Linh. Anh học hỏi được điều gì từ nhạc sĩ đa tài này?
- Anh Dương Khắc Linh là một sự may mắn rất lớn đối với tôi. Thời điểm gặp anh ấy là lúc tôi đang loay hoay và rất hoang mang vì không tìm được người hiểu và lắng nghe mình một cách chính xác nhất. Tôi hoàn toàn yên tâm vì anh ấy là người biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác.
- Anh quan tâm đến ca khúc của mình thành hit đại chúng hay làm thỏa mãn bản thân mình và nhóm đối tượng công chúng nhỏ?
- Điều mà tôi đặt ra mỗi khi làm một sản phẩm đó là bài hát đó sẽ tồn tại trong bao lâu; lời bài hát của mình được bao nhiêu người thích và thuộc nằm lòng; bao nhiêu người cảm thấy được chia sẻ và đồng cảm với bài hát đó. Còn việc có thành hit hay không thì tôi xin nhường câu trả lời cho người hâm mộ. Chỉ cần là hit trong lòng họ cũng đã đủ với tôi rồi.
- Anh nghĩ mình thiếu điều gì để những sản phẩm bật lên thành hit?
- Tôi nghĩ mình thiếu nhiều nhất hiện tại đó là chưa đủ điều kiện để thực hiện những MV cho các ca khúc để thỏa lòng mong đợi cho những ai đang ủng hộ âm nhạc của Hakoota.
Video được xem nhiều nhất