Đêm nhạc An Thuyên - sự ấm cúng "tan vào Hà Nội"
Trong buổi tối thu se lạnh, tình cảm mà gia đình, học trò, khán giả dành cho nhạc sĩ quá cố và các sáng tác của ông như hơi ấm khẽ lan tỏa trong không gian.
Đêm nhạc "An Thuyên - Tan vào Hà Nội" được tổ chức ở Nhà hát Lớn tối 11/10, đúng 100 ngày sau khi nhạc sĩ qua đời. Đón khán giả ngay cửa Nhà hát là một gian ấm cúng với những ngọn nến thắp sáng bên kỷ vật của An Thuyên - những chiếc máy hát loa kèn, bộ sưu tập máy ảnh cổ, bản nhạc chép tay các ca khúc Vầng trăng đò đưa, Ca dao em và tôi... Hai bức ảnh chân dung - một thời trai trẻ và một được chụp không lâu trước khi ông qua đời với chiếc máy ảnh đeo trước ngực - được đặt hai bên lối đi lên cầu thang. Xung quanh là rất nhiều bức hình, có cái nhạc sĩ tự chụp, có cái chụp ông trong đời thường với gia đình, bạn bè...
Nhạc sĩ An Thuyên như hiện diện đón khách, bởi tất cả kỷ vật, hình ảnh được trưng bày nói lên toàn bộ con người, sở thích, đam mê gắn với cuộc đời ông. Khách đến nghe nhạc được mời ngô, khoai, sắn với miếng nước chè rót ra từ tích - mộc mạc như chính tâm hồn và các sáng tác của nhạc sĩ.
Không gian trưng bày kỷ vật về An Thuyên. |
Đêm nhạc giản dị, ấm áp, chân tình. Nghệ sĩ biểu diễn phần lớn là học trò của An Thuyên, hát như một cách tri ân, tưởng nhớ người thầy. Con gái cố nhạc sĩ - Bông Mai - là đạo diễn chương trình. Cô lấy ý tưởng vòng tuần hoàn ngũ hành, khởi đầu với Thổ - màu nâu của đất, cũng là cội nguồn hun đúc con người và âm nhạc của An Thuyên. Các nghệ sĩ Thu Hiền, Quang Linh, Tùng Dương, Tấn Minh lần lượt thể hiện chùm sáng tác của nhạc sĩ gắn với mảnh đất xứ Nghệ gồm Hà Tĩnh mình thương, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi, Bao giờ về được ao quê (ca khúc cuối cùng An Thuyên viết khi còn sống). Phần thứ hai là Mộc (màu xanh lá) tôn vinh ông như một nhạc sĩ mặc áo lính với những sáng tác về mẹ Việt Nam anh hùng, quê hương, đất nước.
Trước mỗi phần đều có một người dẫn chuyện. Mở đầu phần ba (Kim - màu trắng) nói về con đường âm nhạc của An Thuyên với các lứa học trò thành danh, Hồ Quỳnh Hương chia sẻ: "Không có thầy cũng không chắc có Hồ Quỳnh Hương đứng hát trước quý vị khán giả hôm nay. Hương nhớ ngày đó, Hương là cô bé từ Quảng Ninh đi thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc. Thầy đã phát hiện và nói: 'Con có một giọng hát lạ, có chất rất riêng'. Thầy đã đặc cách cho Hương vào trường, chứ gia đình Hương lúc đó cũng rất khó khăn, không có điều kiện để đi học. Khi vào trường Nghệ thuật Quân đội, Hương được nhà trường nuôi ăn, nuôi ở, nuôi học. Tôi không bao giờ quên công ơn của thầy An Thuyên cũng như ngôi trường của mình".
Hồ Ngọc Hà xếp hoa trên sân khấu tưởng nhớ An Thuyên. |
Học trò thành danh của nhạc sĩ An Thuyên ngoài Hồ Quỳnh Hương còn có Lê Anh Dũng, Phương Thảo, Xuân Hảo, Yvol Ygaria, Vũ Thắng Lợi... cũng lần lượt tri ân thầy bằng việc hát các ca khúc của ông. Những phong cách khác nhau trên sân khấu cho thấy một An Thuyên đa dạng trong âm nhạc, dù chất dân gian là chính nhưng ông còn có cả những sáng tác mang âm hưởng mạnh mẽ, dữ dội.
Mảng nhạc xanh nước biển (Thủy) hé lộ một phần thú vị với những sáng tác của An Thuyên dành cho thiếu nhi. Đặc biệt, phần trình diễn Chú Cuội chơi trăng của Hồ Ngọc Hà cùng dàn em bé khiến khán giả thích thú.
Phần cuối - Hỏa - khép lại với Dòng sông thi ca - Mỹ Linh thể hiện - và Phật bà nghìn mắt nghìn tay qua màn trình diễn của Hồ Quỳnh Hương. Một ca khúc thể hiện quan niệm của nhạc sĩ trong nghệ thuật: "Dòng sông thi ca/ hiền hòa ôm trọn trái đất/ Lắng trong bao nhiêu phù sa/ Ấp yêu nhân loại mộng mơ" và một bài là sự đau đáu của ông về cuộc đời: "Phật Bà nghìn mắt nghìn tay/ Có hay/ Thế gian còn nghìn đắng nghìn cay/ Hỡi người...".
Chương trình kết thúc khi tất cả nghệ sĩ cùng hát ca khúc Tan vào Hà Nội và rắc những cánh cúc vàng trên sân khấu.
Bà Ngô Huyền Lâm - vợ nhạc sĩ An Thuyên (trái) - nhận sự chia sẻ từ mọi người, trong đó có bố mẹ Hồ Ngọc Hà (thứ hai và thứ tư từ trái sang). |
Đêm nhạc tưởng niệm người đã khuất nhưng không mang tính bi lụy. Khán giả vẫn cảm nhận được những nét vui tươi, trẻ trung, thoải mái trong âm nhạc như con người lúc sống của An Thuyên. Bởi thế, không nhiều người phải rơi nước mắt. Tuy nhiên, cũng có khán giả rơm rớm cảm động khi nghe những ca khúc viết về quê hương trong phần mở đầu. Cô Huyền Thanh, một giáo viên mầm non về hưu, chia sẻ đó là những ca khúc cô vẫn hay hát từ khi còn trẻ. "Nhạc của An Thuyên đi vào lòng người, gợi cho mọi người nhớ về những câu ca dao, những miền quê, tuổi thơ của họ", cô Thanh nói.
Anh Tùng, vừa là khán giả vừa là bố của một bé trai tham gia biểu diễn trong chương trình, bế theo con gái nhỏ ngồi xem. Khi cô con gái say ngủ trong lòng, anh chăm chú theo dõi và đỏ mắt khi Hồ Quỳnh Hương trình diễn Phật Bà nghìn mắt nghìn tay. "Lời ca khúc và phần biểu diễn gợi cho tôi suy nghĩ thế gian này nhiều điều tốt, xấu và mình phải hướng theo việc thiện". Anh cũng cảm động khi cuối cùng chương trình, con gái nhạc sĩ lên tâm tình với người bố đã khuất.
Đêm nhạc Tan vào Hà Nội cũng làm hai việc ý nghĩa đó là trao món tiền ủng hộ bé trai hai tuổi mắc bệnh tim - một phần của quỹ từ thiện mang tên An Thuyên và trao tặng tập sách nhạc đầu tiên cho nhạc sĩ Thanh Phúc như dự định của nhạc sĩ An Thuyên lúc sống.
Tan vào Hà Nội sẽ còn tổ chức thêm một đêm tại Nhà hát Lớn vào tối 12/10.
Anh Sa
Ảnh: Quý Đoàn
Video được xem nhiều nhất