Hà Trần: "Bố dạy tôi yêu nghề hát, chú Tiến dạy không chấp nhặt"
Diva nhạc Việt cho biết sau nhiều năm lớn lên cùng những người đàn ông họ Trần, cô bị ảnh hưởng về cả thái độ cả trong công việc và cuộc sống.
- Tên "Trần Gia Nhã Nhạc" đang gây bàn tán về ý nghĩa như nhạc cung đình, nhạc đưa đám... Chị giải thích thế nào?
- Nó đơn giản có nghĩa là nhạc hay của nhà họ Trần. Tên gọi Trần Gia Nhã Nhạc do chú Tiến ngẫu hứng nghĩ ra trong một dịp biểu diễn ở TP HCM cách đây mấy năm. Tôi thấy nó rất thú vị và gợi cảm hứng, giống như một kiểu thương hiệu âm nhạc gia đình. Nó thể hiện niềm tự hào của mỗi thành viên về gia đình. Và tôi nghĩ ai cũng sẽ có niềm tự hào và kiêu hãnh riêng về những gì chúng tôi đã làm cho âm nhạc Việt Nam.
Hà Trần cùng hai người cha là là Trần Hiếu và Trần Tiến sẽ đứng chung sân khấu trong đêm nhạc "Chuyện phố bên sông". |
- Điều gì thôi thúc chị thực hiện chuỗi liveshow để tiếp nối truyền thống dòng họ?
- Vài năm trước bố tôi cứ hối tôi làm liveshow riêng để đời cho ông. Thấy tôi chần chừ, ông hờn giận. Tôi không hay giải thích nhưng luôn suy nghĩ thực tế. Với tên tuổi của mình, bố tôi không cần làm show để kiếm thành tựu hay kinh doanh mà chỉ cần tình cảm từ người hâm mộ. Rồi đến khi cả nhà gặp nhau để bàn bạc về show diễn thì bố tôi nhập viện vì viêm phổi cấp, cả năm trời bác sĩ không cho đi hát.
Giờ bố đã lấy lại sức khỏe, chú tôi cũng còn diễn được nên phải tranh thủ. Cuộc đời nghệ sĩ cuốn mỗi người một ngả. 10 năm trước hai người đàn ông này còn khỏe mạnh thì tôi mới lập gia đình, ít về nước để thực hiện các kế hoạch dài hơi. Chú tôi một thời gian cũng muốn tạm lánh showbiz, chỉ thích viết nhạc, không thích hát. Cũng quá lâu rồi bố với chú tôi không xuất hiện ở Hà Nội nên những show thế này càng nên làm. Đây cũng là dịp để đại gia đình tụ họp. Ông xã tôi là anh Bình và con gái Nala cũng sẽ về nước để chúc mừng đêm nhạc Trần gia.
- Hai người đàn ông này có sức ảnh hưởng ra sao tới chị?
- "Bố" Tiến là người cha trong âm nhạc của tôi đúng nghĩa. Sự lãng tử, trượng phu, đầy ngẫu hứng và thâm trầm của ông ngấm vào tinh thần âm nhạc, thái độ làm nghề của tôi. Tôi là phụ nữ nhưng không chấp nhặt rất nhiều thứ trong showbiz này. Với bố Hiếu, gia đình tôi vẫn gọi đùa là "người đàn ông lãng mạn cuối cùng của thế kỷ". Bố tôi đến giờ vẫn là người mơ mộng, hồn nhiên, nhưng đặc biệt rất trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Bố tôi thích hát lắm. Nhiều khi sự đam mê vô tư lự của ông cũng khiến tôi phải xem xét lại những khi chán nghề.
- Đêm nhạc lần này nói về những thăng trầm của gia đình họ Trần. Chị từng nhiều lần nhắc đến nỗi đau mất mẹ ảnh hưởng đến cuộc đời mình. Còn bố chị thì sao?
- Mẹ tôi mất là một sự thay đổi lớn, tiếng là vai phụ nhưng thực ra trong nhà là trụ cột, là sống lưng nối cả gia đình... Nhưng tôi không muốn nhắc lại chuyện này nữa.
Ban đầu, chú Tiến cũng muốn cháu gái hát Mẹ tôi nhưng tôi từ chối. Bản thân tôi muốn xây dựng Trần Gia Nhã Nhạc thành một chuỗi chương trình. Trong Chuyện phố bên sông, tôi tập trung khai thác ca khúc trong album Tự họa của chú Trần Tiến năm 2008. Kho bài của chú nhiều lắm, đã công bố hết đâu. Mà không lẽ chương trình nào cũng hát bài tủ thì nhàm quá. Tôi sẽ thể hiện lại những bản hit đầu tiên mà mười mấy năm nay không hát ở Hà Nội. Những tiết mục độc đáo sẽ dành cho các nghệ sĩ khác.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu là người đem lại cho Hà Trần niềm lạc quan và tình yêu với nghề. |
- Chị chứng kiến cuộc sống của bố mình thay đổi thế nào trước những “nốt trầm của cuộc đời”?
- Nói cho đúng thì cuộc đời bố tôi phải gọi là "thân cư thê". Cuộc đời có ba bà vợ, bà nào cũng yêu thương, chiều chuộng ông hết mực và đều có công kiến tạo cho bố trong từng giai đoạn. Bố tôi sống thiếu vợ là ngơ ngác, vụng về đủ thứ. Đời người nhiều thăng trầm, khi hạnh phúc, khi không đều là duyên phận của từng người phụ nữ với bố. Hết duyên thì chia lìa. Từ khi bố tôi sống với cô Minh Ngà, ông có vẻ ổn định. Bà khéo chăm sóc và hợp tính ông hơn cả. Làm con thì bố mẹ mạnh khỏe, hạnh phúc, yêu đời là phúc đức lớn rồi nên tôi rất cảm ơn cô.
Thực ra, bố tôi tính nghệ sĩ, lại là người nổi tiếng nên cuộc sống phần nhiều là để cống hiến cho xã hội. Đôi khi, trong chuyện gia đình, ông không được chu toàn như mong muốn. Nhưng tôi nghĩ điều đó cũng không quan trọng. Miễn ông luôn sống vô tư, yêu đời là tôi thấy hạnh phúc rồi.
- Trong cuộc sống đời thường, chị và bố gắn kết với nhau ra sao?
- Lúc nhỏ tôi đi theo xem bố diễn nhiều lắm. Thật ra ông chẳng dạy tôi mấy về âm nhạc. Chỉ đơn giản là tôi quan sát và học hỏi từ những gì ông làm. Những khi rảnh rang, bố kể chuyện nhiều, tâm sự nhiều và tôi học hỏi qua đó. Nhà tôi có cái kiểu người lớn nói chuyện với trẻ con chẳng khác nào người trưởng thành. Nên câu chuyện thành ra sự chia sẻ hơn là dạy dỗ. Và trẻ con trong nhà đứa nào cũng thành "cụ non" hết. Với bố và chú, tôi có sự ngưỡng mộ và cả phê phán giữa con người với nhau chứ không phải thần tượng hóa như một tượng đài xa lạ nào đó.
Trần Thu Hà học được sự quảng đại của Trần Tiến khi bước vào chốn showbiz nhiều thị phi. |
- Nhiều người bảo chị giống chú Trần Tiến hơn bố, đặc biệt ở cái sự “ngông” và tự do cả trong âm nhạc lẫn ngoài đời. Chị thấy sao?
- Quá đúng. Nhưng trong đời sống, nhiều khi tôi vẫn phải tự nhắc mình là con gái thì phải mềm mỏng. Còn "bố" Tiến cũng dặn dò tôi dù cứng đầu thế nào, một người phụ nữ vẫn cần sống bao dung. Là tri kỷ trong âm nhạc nhưng chúng tôi gặp nhau lại ít chuyện trò về nó. Thay vào đó, hai chú cháu "buôn bán" đủ thứ chuyện trên đời vì cả hai đều thích tìm tòi, nghiên cứu kiến thức xã hội.
- Nhạc của Trần Tiến thường phảng phất nỗi buồn. Là một trong những người thể hiện sáng tác của ông nhiều nhất, chị tận mắt chứng kiến bao nhiêu nỗi niềm ấy?
- Những lúc đau buồn, thất vọng..., "bố" Tiến thường không phản kháng. "Bố" im lặng giữ cho mình và "tiêu hoá" nó thành bài hát. Tôi đặc biệt không nghe "bố" phê phán, nói xấu ai bao giờ. Gặp chuyện không vui, "bố" im lặng cất vào "sọt đựng ngẫu hứng", rồi bạn sẽ lại nghe thấy trong một bài hát nào đó. Rất buồn cười là chồng tôi cũng có kiểu viết nhạc như thế. Anh ấy biến những thứ tiêu cực, những sự thất vọng gặp trong đời thành nhạc để mà cười cho vui chứ không phải than vãn.
Trong tác phẩm âm nhạc của "bố" Trần Tiến, hình ảnh bà nội luôn tồn tại. Trong mắt ông, đó là người phụ nữ chịu thương chịu khó, gánh vác gia đình và yêu thương các con. Đó cũng là người phụ nữ ông yêu thương nhất. Tôi vô cùng tự hào về bà. Các con cháu của bà thành đạt như hôm nay tôi nghĩ là do phúc bà để lại.
- Niờ ngoài tiếp nối truyền thống dòng họ, chị còn dự định làm những điều gì khác cho gia tộc?
- Các cháu, con tôi đều thích nhạc nên thực sự tôi vừa phải noi gương lại vừa phải làm gương. Nhưng nói chung tôi không quan tâm lắm đến tiếp nối truyền thống đâu... tất cả là duyên nghiệp.
Đức Trí thực hiện
Video được xem nhiều nhất