Hà Nội 3 năm không rửa đường

Kênh 14 - 03/10/2019, 06:11

Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm mà đại diện cơ quan chức năng Hà Nội nhắc đến, bởi trong khoảng 3 năm qua Hà Nội đã “cắt” dịch vụ công ích là rửa đường.

 - Ảnh 1.

Xe rửa đường Hà Nội sử dụng trước đây

Bên cạnh đó, việc xử lý, giảm phát bụi từ các xe vận chuyển đất đá, công trình xây dựng không tuân thủ quy định che chắn, nhiều tuyến đường của Hà Nội liên tục bị đào lên - lấp xuống… Trong khi điều kiện khí hậu bất lợi khiến các nguồn ô nhiễm không khuyếch tán được.

Được biết, từ cuối tháng 12/2016, thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng 12 xe quét, hút bụi nhập khẩu từ Đức. Mỗi thiết bị này trị giá hơn 1 tỷ đồng và được tài trợ từ nguồn xã hội hóa. Các xe quét đảm bảo mục tiêu cơ giới hóa toàn bộ việc quét rác dưới mặt đường. Còn việc quét rác trên vỉa hè vẫn được công nhân thuộc Cty môi trường đảm nhận.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đây là loại máy hiện đại với chức năng hút bụi, hút rác đồng thời có hệ thống phun nước rửa đường.

Cùng với việc tiếp nhận các xe quét, hút bụi đường, Hà Nội cũng cắt giảm việc rửa đường bằng xe bồn. Đến tháng 2/2017, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có thông báo nhắc lại việc không tổ chức rửa đường mà tăng cường công suất quét hút. Trong các gói thầu vệ sinh đường phố năm 2017, hạng mục rửa đường đã được cắt bỏ. Hiện nay, thành phố chỉ rửa đường trong các dịp hội nghị quan trọng hoặc khi nắng nóng trên 40 độ (phun để giảm nhiệt độ mặt đường).

Do không còn nhu cầu sử dụng nên các xe rửa đường trước đây đa số được hoán cải công năng thành các xe hút bể phốt.

Theo các chuyên gia, việc phun nước rửa đường vào thời điểm ô nhiễm sẽ giảm bụi mịn hiệu quả. Tuy nhiên, phải nghiên cứu xem rửa đường như thế nào để tránh lãng phí. Bởi trước đây, Hà Nội quét đường thủ công, đến nay đã có xe quét lá, hút bụi và phun nước hiện đại.

Bà Nguyễn Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, các thành phố lớn cần sớm nghiên cứu, đánh giá một cách chính xác nguyên nhân, ngành nào, lĩnh vực nào gây ô nhiễm ra với tỉ lệ bao nhiêu. Từ đó mới có thể có giải pháp ngăn chặn nguồn phát thải ô nhiễm để không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, cần giao đầu mối một cơ quan chủ trì, giám sát thường xuyên việc thực hiện giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất