Em bé lớp 1 bị bỏ quên suốt 8 tiếng trên ô tô đưa đón: Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là một sự bất lương

Kênh 14 - 08/08/2019, 02:17

Lái xe không kiểm tra, giáo viên không đếm sĩ số, cô chủ nhiệm thờ ơ trước sự vắng mặt của học sinh lớp mình. Từng sự hời hợt ở mỗi người, mỗi vị trí, đã vô tình khiến một em bé trong suốt 8 giờ đồng hồ không lên lớp cũng không một ai mảy may bận tâm kiếm tìm.

Sáng ngày 5/8, bé L.H.L (6 tuổi) đến lớp trên chuyến xe đưa đón của Trường Tiểu học Quốc tế Gateway (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là buổi học thứ hai của L. tại lớp 1. Bố mẹ của L. khi đưa con ra xe của trường vào buổi sáng, không bao giờ có thể nghĩ đến việc sẽ đến con về vào buổi chiều tan trường trong một tin dữ đến thắt lòng.

L. không vào lớp học, cô chủ nhiệm và nhà trường không thông báo gì đến gia đình. 8 tiếng trôi qua, khi học sinh ra về thì mọi người mới phát hiện L. đã bị bỏ quên chiếc chiếc xe ấy vào sáng nay. Tất cả 12 học sinh khác đã xuống xe duy chỉ còn em bị bỏ lại và không một người lớn nào phát hiện được điều ấy: từ người tài xế đến cô monitor.

Dù có quy trách nhiệm về ai đi chăng nữa thì đến giờ phút này, sự ra đi của L. vẫn là nỗi đau xót khôn nguôi cho những người ở lại. Trên mạng xã hội từ tối qua đến sáng nay, rất nhiều phụ huynh đã phải lên tiếng bày tỏ sự xót xa trước sự ra đi quá đỗi thương tâm của bé.

 - Ảnh 1.

Bố mẹ, gia đình của bé L. đang phải trải qua một cú sốc mà họ không thể ngờ lại xảy ra với gia đình mình.

Càng xót xa cho bé, người ta lại càng phẫn nộ trước sự hời hợt của những người phụ trách. Một chuỗi hời hợt vô tâm từ monitor đến tài xế, từ cô giáo chủ nhiệm đến nhà trường. 

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Vì sao tài xế không kiểm tra lại băng ghế sau trước khi đóng cửa xe, vì sao có 13 học sinh trên xe nhưng chỉ có 12 học sinh xuống xe mà cô monitor lại không kiểm danh sách? Vì sao giáo viên chủ nhiệm không hoài nghi trước sự vắng mặt của học sinh lớp mình? Quy trình đưa đón và kiểm tra sĩ số của trường Gateway đang vận hành như thế nào mà 1 học sinh mất tích suốt 8 tiếng vẫn không ai quan tâm?

Người lớn, xin hãy để tâm đến những thứ dù là nhỏ nhặt nhất của con trẻ

Sau sự việc xảy ra, người ta mới giật mình khi thấy nhiều phụ huynh khác cũng kể chuyện con em mình từng bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường. Chị T. N. - phụ huynh có con học mầm non quốc tế tại trường S. cho biết, vào năm ngoái, một bạn học cùng lớp với con chị cũng bị bỏ quên trên xe. Bé này chỉ được phát hiện 3 giờ đồng hồ sau đó do người tài xế quay lại vì quên điện thoại trên xe. Thời điểm đó, do không có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra với cháu bé nên phụ huynh cũng không truy cứu thêm.

 - Ảnh 2.

 

Chị T. N. cũng chia sẻ, bản thân bố mẹ cháu bé đó hiện giờ đang cảm thấy ân hận vì sự "dễ dãi" của mình. Giá như sự việc được làm lớn lên, trách nhiệm được truy cứu đến nơi đến chốn thì biết đâu, sẽ không có cái gọi là "sự cố Gateway" của ngày hôm nay?

Tâm lý của chúng ta là chuyện gì chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể xuề xòa bỏ qua, nhưng cũng bởi những lần làm ngơ đó mà đến khi sự số đáng tiếc xảy đến, chúng ta không còn có thể "cứu" được nữa. 

Trở lại câu chuyện trên, có thể thấy những người có trách nhiệm liên đới cũng đã mặc định chủ quan, cũng "tưởng" mọi thứ vẫn vận hành như mỗi ngày: Cô monitor nghĩ học sinh sẽ tự giác xuống xe, người lái xe nghĩ cô monitor đã bảo đảm không còn học sinh trên xe, cô giáo chủ nhiệm nghĩ chuyện học sinh vắng mặt trong lớp có thể do ốm, sốt hoặc du lịch gia đình. Vì vậy họ bỏ quên nhiệm vụ của chính mình: lái xe không màng việc nhìn vào băng ghế sau, cô monitor không đếm lại số học sinh lên xuống, và cô chủ nhiệm không thông báo về gia đình. 

1,2 lần không làm theo quy trình và không thấy có điều gì rắc rối, họ sẽ tự nhiên hình thành thói quen dễ dãi, thế rồi 4,5, 10 lần sau đó, họ tự tin đang kiểm soát được mọi thứ. Cho đến khi việc cẩu thả bỏ qua quy trình gây ra nỗi đau cho người khác, tất cả mọi người mới thốt lên "giá như"...

Nếu bác tài lướt qua 30 giây kiểm tra chiếc ô tô 16 chỗ thì mọi chuyện đã khác

Người ta thường nói làm nghề lái xe cần sự tỉnh táo, tay lái cứng cựa, nhưng chưa đủ. Cũng như tất cả ngành nghề khác, các bác tài còn cần phải là người điềm tĩnh và cẩn thận trong mọi tình huống. Và có lẽ người tài xế lái ô tô đưa đón chở em L. đã không có sự cẩn thận chu đáo cần thiết nhất trong trường hợp này. Bởi bác đã bình thản đỗ xe và đóng cửa rời đi mà không nán lại nhìn qua các băng ghế sau trên chiếc ô tô của mình.

" Nếu đã chọn nghề lái xe, thì phải học tính cẩn thận " - anh Luơng Xuân Thủy viết những dòng chia sẻ trên FB cá nhân sau vụ việc.

Xin được trích dẫn bài đăng trên mạng xã hội của anh Thủy: " Không ít lần, một số học sinh hỏi mình về việc chọn nghề nghiệp cho tương lai. Mình thường nói, hãy học gì mình thích, mình đủ khả năng. Sau này, nghề nó chọn người đấy, chứ hiếm khi người chọn được đúng nghề mình thích. Quan trọng nhất là gì biết không? Đó là nghề phải phù hợp với tích cách của mình hoặc không phù hợp thì cũng phải tập cho mình thói quen để có thể đáp ứng được yêu cầu tối thiểu cho công việc ấy. Ví dụ như: Bạn không nên làm kế toán nếu hay nhầm lẫn và không tập trung. Bạn không thể trông trẻ con nếu nóng tính và thiếu kiên nhẫn...

Còn nếu chọn nghề lái xe? Bạn hẳn phải là người rất rất cẩn thận và điềm tĩnh. Trong một lần đi du lịch cơ quan cũ là báo Bóng đá, mình thấy một bác tài cứ mỗi lần đừng xe cho mọi người xuống là lượn một vòng.

 - Ảnh 3.

 

Để ý lần nào cũng vậy, mình đùa: "Bọn em không có gì để quên đâu anh!" Bác tài đáp: "À! Anh quen rồi, cứ lượn một vòng cho chắc. Kiểm tra xem có ai quên gì hoặc ông nào ngủ quên không".

Đó là một thói quen tốt. Đến giờ mình mới thấy giá trị của nó. Không phải một, mà rất nhiều trẻ con đã tử vong trên xe oto vì sự bất cẩn của tài xế.

Câu chuyện hôm qua thật đau xót. Trước khi quy trách nhiệm thuộc về ai, thì nếu như, bác tài bỏ ra 30 giây để lướt qua kiểm tra chiếc xe 16 chỗ thì câu chuyện đau lòng đã không xảy ra. Đúng! Nó không bao giờ xảy ra nếu bác tài đó là một người cẩn thận. Chưa kể, việc lái xe cho học sinh thì việc kiểm tra xem các bé có quên đồ đạc trên xe cũng là việc nên làm!

Và như mình đã nói, nếu không cẩn thận thì đừng chọn nghề lái xe.

Tính cách có thể khó thay đổi nhưng thói quen thì có. Hãy thay đổi nó bằng sự nghiêm khắc của bản thân! ".

 - Ảnh 4.

 

"Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là một sự bất lương"

Sự việc đáng tiếc xảy ra với bé L. cũng khiến mọi người nhìn lại chính mình trong cách làm nghề. Nhà văn Nam Cao đã nhấn mạnh: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là một sự bất lương”. Câu nói này sẽ luôn đúng trong mọi hoàn cảnh và thời gian.

Trên FB cá nhân, dịch giả - nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cũng đã có những chia sẻ từ chính trải nghiệm của mình. Anh từng sống ở Nhật 8 năm, làm đủ nghề để sống từ làm cơm hộp trong nhà máy, vận hành máy trong nhà máy sản xuất mì ăn liền, bốc vác, thư kí văn phòng, phiên dịch cho các công ty sản xuất (cơ khí, hóa chất, xây dựng…) và phiên dịch cho luật sư tại trại tạm giam, tòa án, viện kiểm sát… Cùng với những trải nghiệm này, anh đã đưa ra phép so sánh sự bất cẩn và cẩn thận ở Việt Nam và Nhật Bản một cách tương đối thực tế như sau:

Người Việt khi làm với người Nhật thường hay phàn nàn và chỉ trích người Nhật "cứng nhắc, máy móc". Điều đó đúng khi họ phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt, tốn thời gian, công sức. Một người lái tàu ở Nhật, mỗi lần xác nhận các cánh cửa đã đóng lại an toàn đều phải đứng nghiêm ở đầu tàu, nhìn suốt tận đuôi tàu chỉ tay hô "yoi" (Tốt), sau đó đóng cửa và mở máy. Mỗi ngày họ đều làm cả chục lần như vậy. Tốn thời gian, mệt mỏi. Nhưng không thể không làm. Quy trình ấy nảy sinh từ chính các vụ tai nạn kẹp tàu khi vào phút chót có những người lao lên hoặc xuống tàu. Điều gì sẽ xảy ra khi tàu chạy và hành khách kẹp một tay, chân, hoặc nửa người giữa hai cánh cửa?

Người lái tàu, lái xe buýt, người soát vé tàu ở Nhật trước khi xuống tàu bao giờ cũng đi kiểm tra từ đầu xe tới cuối xe kiểm tra từng hàng ghế xem khách có bỏ quên vật dụng gì, có ai ngủ quên không. Chuyện lái xe đánh thức hành khách nhậu say ngủ quên là chuyện thường xảy ra ở Nhật.

 - Ảnh 5.

 

Quy trình họ đặt ra và yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt là để ngăn ngừa tối đa có thể rủi ro nhất là rủi ro về sinh mạng. Nhiều công nhân, kĩ sư người Việt khi làm trong nhà máy cơ khí thường phàn nàn người Nhật thiếu sáng tạo, làm động tác thừa mất thời gian và thích thú với sự làm tắt của mình khi có thể đẩy năng suất cao lên. Họ đâu biết rằng người Nhật thừa biết rằng cắt đi một vài công đoạn hay động tác có thể nâng cao năng suất nhưng sẽ có rủi ro. Rủi ro về sinh mạng là rủi ro khó lấy lại. 

Người lớn khác trẻ con ở chỗ có khả năng tính toán đến hệ quả trực tiếp và gián tiếp trước khi hành động. Cân nhắc lợi ích đạt được và rủi ro phải đối mặt. Sự cân nhắc đó là sự thận trọng. Thiếu nó là bất cẩn.

Bởi thế, sự bất cẩn xét ở ý nghĩa này cũng là biểu hiện của sự chưa trưởng thành. Muốn cải thiện điều này phải cần đến cả gia đình, nhà trường và xã hội. Khi tiêu chuẩn an toàn trong đó có cả các tiêu chuẩn an toàn được ghi trong luật được nâng cao và thực thi, sự bất cẩn sẽ giảm đi.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất