Đau xót lời ‘mong tha thứ’ của con gái Hồng Sơn sau 4 năm bố mất
Khi chuẩn bị rời xa cõi tạm, điều cố nghệ sĩ Hồng Sơn mong muốn nhất là được ăn bánh mì chấm sữa.
Bốn năm trước, khi nghe tin cố nghệ sĩ Hồng Sơn bị tai biến mạch máu não, đang nằm điều trị ở bệnh viện Bạch Mai, tôi lập tức chạy vào. Phần nhỏ vì công việc, phần lớn vì sự yêu mến đã dành cho ông ở những năm tháng tuổi thơ.
Cố nghệ sĩ Hồng Sơn nằm đó, ở góc cuối của căn phòng có tới vài chục bệnh nhân. Nhìn ông tiều tụy với đám dây dợ chằng chịt trên người, thật khó để nhận ra diễn viên từng làm điêu đứng bao người say mê phim Việt.
Cố nghệ sỹ Hồng Sơn.
Ở bên giường cố nghệ sĩ lúc nào cũng có vợ, con gái và bạn bè túc trực. Những người hâm mộ cũng thường xuyên ra ra vào vào vì thương ông.
Ai cũng mong ông chóng khỏe để còn trở về với gia đình, với phim ảnh. Thế nhưng, sức khỏe của ông ngày một yếu dần.
Phòng bệnh của nam diễn viên Cây bạch đàn vô danh phần lớn đều là những người có có hoàn cảnh tương tự.
Thế nên, thỉnh thoảng lại có tiếng chân vội vàng của các bác sĩ, tiếng máy đo nhịp tim ngang phè đến đáng sợ và tiếng khóc rấm rứt của những người thân.
Khung cảnh ấy ai đã một lần chứng kiến đều không thể nào quên được. Đó là khoảnh khắc con người ta giành giật sự sống một cách vô thức trong tiếng cầu nguyện, lẩm bẩm của những người xung quanh. Nhưng đôi khi, kết quả là vô vọng.
Nghệ sĩ Hồng Sơn cũng ra đi theo cách đầy đau lòng ấy, khi những người thân vẫn còn hy vọng vào một phép màu thì ông đã từ giã cõi đời vào lúc 5h55 phút ngày 13/8/2011.
Bốn năm sau ngày định mệnh ấy, niềm đau vẫn còn hiện hữu và dằn vặt Kim Chi, đứa con gái ruột ông vẫn rất thương yêu.
Ước nguyện giản dị cuối cùng
Viết về ông trên trang cá nhân, Kim Chi không ngăn được nước mắt: “Hai lỗ mũi nghẹt đặc, không thở được, cổ họng ứ lại và những lần nuốt nước bọt vô thức như kìm giữ những cảm xúc đang dâng lên từng cơn.
Trạng thái lúc này của tôi, gần 2h sáng ngày 21 tháng 6. Đặt lưng xuống nhưng bỗng dưng nước mắt cứ trào lên cùng với nhớ thương và nhiều nỗi ân hận. Tôi đã là một đứa con chẳng ra gì”.
Chị Chi viết về bố, cố nghệ sĩ Hồng Sơn trên trang cá nhân với tất cả sự dằn vặt và tiếc nuối.
Sự tiếc nuối và nỗi ám ảnh quá lớn đã đưa chị Chi về lại những ngày đen tối trong quá khứ, thời điểm nghe tin bố bị tai biến một mình ở căn phòng đang thuê trọ.
Khi chị đến thì, “bố ngồi đó, mặc một chiếc quần đùi quấn chăn quanh người, trạng thái lơ mơ.
Sau này tôi mới hiểu lúc đó 1 nửa não của bố đã gần như tê liệt. Tôi vừa gọi vừa lay, bố nghe thấy còn nói: “Chi à?” rồi sau đó mắt lại lơ mơ, lúc tỉnh lúc lim dim.
Tôi gọi taxi rồi đưa bố vào Bạch Mai. Trên xe tôi liên tục gọi bố, nhưng trạng thái ngày càng lơ mơ, tôi gọi to thì bố lại bừng tỉnh rồi lơ mơ tiếp.
Khi vào phòng cấp cứu, chờ kết quả khám, chụp chiếu… Tôi chưa hình dung chuyện gì đang xảy ra. Lúc này tôi cố nói chuyện với bố để bố tỉnh táo, nhưng giọng tôi thì cứ hụt hơi suốt.
Tôi còn nhớ khi ấy bố cứ kêu đói, bố thèm ăn bánh mỳ với sữa đặc. Có lẽ trong tiềm thức còn lại, trong phần não sống còn lại của bố lúc ấy nhớ đến một món đơn giản từ ấu thơ.
Bác sĩ nói tôi chỉ nên cho ông uống sữa bột pha ấm, hoặc ăn 1 ít cháo, tốt nhất là nên uống sữa. Khi ấy tôi đã dỗ dành bố rằng không ăn được bánh mỳ, chỉ uống sữa ấm thôi.
Cứ lúc tỉnh bố lại hỏi tôi có mua bánh mỳ chưa. Cho đến bây giờ, hàng ngàn lần nghĩ đến phút giây này, tôi lại khóc nghẹn.
Vì sao tôi lại từ chối ước nguyện về bữa ăn cuối cùng của bố? Chỉ vài mẩu bánh mỳ với sữa thôi sao tôi lại từ chối bố? Làm gì có cái nên và không nên vào lúc mà biết người thân yêu chắc chắn sẽ ra đi?
Chả có lý do gì để đổ lỗi ngoài chính bản thân tôi. Bởi vì tôi đã quen từ chối bố, quen đối xử hà khắc với ông.
Như một phản xạ tự nhiên sau chặng đường dài vấp váp nhiều sóng gió của bố, tôi thường chọn cách nghiêm khắc và không chiều theo những thói quen cũ của ông.
Và tôi đã làm gì vào phút cuối khi bố tôi còn một phần tỉnh táo trước khi chìm vào hôn mê sâu rồi ra đi”.
Người đã đi nhưng nỗi đau còn lại mãi mãi...
Trong những ngày nặng nề và đen tối ấy, có lúc tỉnh lại, cố nghệ sĩ thều thào xin một điếu thuốc lá. Vì lo cho sức khỏe của ông và cả những bệnh nhân nằm cạnh nên chị Chi kiên quyết từ chối.
Để rồi cho đến bây giờ, khi nhớ lại khoảnh khắc ấy, chính chị lại thấy đau đáu xót xa: “Tại sao có một câu đơn giản vào lúc đó mà tôi không nói, chỉ một câu đơn giản thôi: “Con yêu bố! Bố hãy nhắm mắt lại và mơ tới những nơi tươi đẹp mà bố muốn đến”.
Tôi đã không nói vào những phút ngắn ngủi còn lại trong cuộc đời ông. Những phút ít ỏi còn lại, khi một phần nhỏ trong bộ não vẫn còn hoạt động, khi lơ mơ mỗi lần nghe thấy giọng tôi: “ Con, Chi đây!”, bố lại mở choàng mắt ra nói “Chi à?” rồi lại khép hờ lại”.
Ba ngày cố nghệ sĩ nằm viện, Kim Chi đã cố động viên bố, động viên bản thân mọi thứ sẽ ổn. Thậm chí, khi nghe bác sĩ nói về điều xấu nhất sẽ xảy đến, chị vẫn còn tin vào một phép màu.
Chỉ đến khi nhìn thấy khóe mắt cố nghệ sĩ lăn xuống giọt nước mắt, mọi thứ trong chị như vỡ òa: “Bố ra đi. Tôi đã khóc như điên, mọi thứ trong tôi vỡ òa và lúc đó tôi mới nhận ra sự đau đớn, mất mát trong mình.
Tôi đã ích kỷ khóc cho thỏa cơn đau khi mà lẽ ra tôi không được khóc để bố được ra đi thanh thản, để vong linh được nghe tiếng kinh mà hồi hướng siêu thoát.
Tôi đã làm những gì, từ đầu đến cuối thời khắc này đều là sai. Để đến giờ sau ngày bố ra đi đã gần 4 năm trời, tôi vẫn luôn hối hận. Nuối tiếc nhiều điều mình đã không nói, không làm vào lúc ấy.
Giọt nước mắt cuối cùng của bố khi ra đi, giọt nước mắt ấy dành cho tôi và để cho tôi một nỗi đau không bao giờ kết thúc. Để đến giờ, khi hình ảnh cũ bất chợt hiển hiện thì nỗi đau lại vẫn mới nguyên.
Tôi cần phải viết ra để mong được tha thứ, sự tha thứ từ chình bản thân mình. Cố gắng để được nhẹ lòng. Cố gắng gột rửa đau thương, để bố tôi được thanh thản nơi ấy”.
Video được xem nhiều nhất