Dấu hiệu tuyển sai người và cách xử lý
Vậy những dấu hiệu nào cho thấy công ty của bạn đã tuyển sai người, cần kịp thời xử lý? Hãy cùng tham khảo ngay sau đây nhé.
Hiệu quả công việc không đạt yêu cầu
Dù trực tiếp tuyển dụng hay nhờ đến các headhunter thì việc tuyển sai nhân sự cũng có thể xảy ra và dấu hiệu nhận biết rõ nhất đó chính là hiệu quả công việc. Trong thời gian đầu, nhân viên mới của bạn có thể chưa quen môi trường làm việc mới, chưa quen tính chất công việc mới, hiệu quả có thể không đạt được như chỉ tiêu đề ra. Điều này hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu sau giai đoạn thử việc, tình trạng này vẫn tiếp diễn thì nhân viên đó không thực sự phù hợp với doanh nghiệp của bạn.
Hiệu quả làm việc kém của nhân viên khiến cho năng suất của công ty bị sụt giảm và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của công ty. Hơn nữa, doanh nghiệp sẽ tiêu tốn thời gian khi phải chuyển phần công việc của người đó sang nhân viên khác, hoặc phải cầm tay chỉ việc mọi lúc mọi nơi.
Nhân viên khác bị ảnh hưởng
Trong doanh nghiệp, nhân viên không chỉ cần làm việc độc lập tốt mà luôn cần hỗ trợ cho nhau. Nếu như giữa mọi người có sự đồng đều hoặc chênh lệch không quá nhiều về kỹ năng, kiến thức, khi hợp tác với nhau sẽ dễ dàng hơn và hiệu quả công việc cũng sẽ được nâng cao. Ngược lại, nếu sự chênh lệch này lớn sẽ ảnh hưởng tinh thần chung của mọi người. Do đó, nếu bạn nhận được nhiều lời than phiền hay phản ánh rằng “người mới” đang làm trì trệ hiệu suất chung của cả nhóm, hoặc những thành viên vượt trội hơn đang phải gánh thay công việc của nhân viên mới thì hãy cân nhắc xử lý. Bởi tình trạng này kéo dài dễ nảy sinh bất mãn, bất hợp tác và mất đi tinh thần cống hiến. Thậm chí, nhân viên giỏi có thể sẽ bỏ đi nếu như công việc của họ thường xuyên quá tải nhưng lại không được san sẻ áp lực.
Thái độ làm việc kém
Tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp, đi trễ giờ thường xuyên, không chú tâm làm việc, không tôn trọng khách hàng, tư vấn sai dịch vụ, sản phẩm... đều là những biểu hiện của một người làm việc không tốt. Đây không chỉ thuộc về phần kỹ năng công việc mà còn là thái độ làm việc của mỗi người. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đang đề cao tiêu chí “thái độ hơn trình độ” để tuyển người, thì việc một nhân viên có thái độ không tốt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của công ty bạn.
Là “trung tâm” trong các khiếu nại của khách hàng
Chúng ta đều biết, việc xây dựng thương hiệu, uy tín và danh tiếng của mỗi doanh nghiệp đều tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức. Đó là tổng hợp giữa chất lượng dịch vụ, sản phầm và sự phục vụ của nhân viên. Nhưng chỉ cần một sơ sẩy nhỏ từ nhân viên cũng có thể đánh bay mọi thứ bạn dày công vun đắp. Không chỉ vậy, sai sót của nhân viên cũng sẽ khiến khách hàng đánh đồng những yếu kém của một nhân viên với cả thương hiệu của bạn.
Nếu như một nhân viên thường xuyên nhận được nhiều phàn nàn không tốt từ khách hàng, như thái độ không tốt, không tận tình tư vấn, nói cộc lốc với khách hàng... thì đã tới lúc bạn cần có biện pháp xử lý thỏa đáng. Nếu để tình trạng đó tiếp tục diễn ra, khách hàng cảm thấy không được tôn trọng, người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là bạn và doanh nghiệp của bạn.
Dù việc xử lý nhân viên yếu kém rất tốn thời gian và cũng không hề dễ chịu, nhưng vẫn luôn cần thiết để cứu doanh nghiệp khỏi những rủi ro. Trước tiên, hãy sắp xếp cuộc họp hoặc buổi nói chuyện riêng với nhân viên để xác định rõ nguyện vọng của họ, cũng như nhấn mạnh yêu cầu của công ty về tiêu chuẩn năng lực và hiệu suất làm việc. Nếu cần thiết, hãy tổ chức huấn luyện, đào tạo kỹ năng làm việc cho nhân viên hoặc tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ. Nếu tình hình không thay đổi, cách cuối cùng là tìm một người khác để thay thế.
Huyền Nguyễn
Video được xem nhiều nhất