Chuyện phát ngôn của Hoa hậu: Khéo léo = giả tạo, thật thà = ngô nghê?
Đã là Hoa hậu thì phải thông minh khéo léo trong ứng xử, nhưng từ lâu người ta đề cao sự khéo léo của các người đẹp tới mức những lời thật thà bị ruồng bỏ phũ phàng.
- Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, Mâu Thủy vẫn phạm phải những lỗi đáng tiếc tại Hoa hậu Hoàn vũ!
- Mai Ngô là ai, hot thế nào mà bắt giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam phải "Google search"?
- Thí sinh trả lời "Thi Hoa hậu để kiếm nhiều tiền như Phạm Hương" đã bị loại khỏi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam?
- Top 10 tiếp theo lộ diện, đây là các đối thủ đáng gờm của Mâu Thủy tại "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017"
- Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2005 nổi bật giữa dàn sao Việt
Một thời, thí sinh Hoa hậu cứ mở miệng ra là nói tới chân thiện mỹ, công dung ngôn hạnh, cái nết đánh chết cái đẹp hay yêu hòa bình, thích sự thủy chung. Vài năm trở lại đây, các nhà tổ chức sân chơi nhan sắc không muốn thí sinh của mình quanh quẩn với đề tài tầm thường bếp núc ấy nữa.
Họ đưa ra những câu hỏi mang tầm thế giới hơn, với toàn vấn đề lớn lao mà các chính trị gia lẫn khoa học gia còn đau đầu. Tỉ như bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nữ quyền…
Và thật tuyệt vời, các cô gái đẹp luôn đưa ra câu trả lời xuất sắc, làm hài lòng giám khảo lẫn công chúng, nhận về những tràng pháo tay rần rần. Dù sau đó, chẳng ai nhớ các cô ấy đã nói gì.
Chỉ biết cô nào nói lưu loát một chút và hơi khác đi một chút giữa một đám ngôn từ hoa mĩ na ná như nhau thì cô ấy sẽ đăng quang Hoa hậu.
Hoa hậu Phạm Hương trong phần trả lời ứng xử tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015.
Điều này chẳng có gì lạ. Ở phía sau hậu trường, các cô gái đã được dạy dỗ thật kĩ về việc nên nói gì và phải nói gì. Quan điểm cá nhân ư, sự chân thành ư, xin mời mang về nhà bày tỏ.
Còn ở trên sân khấu này, trong cuộc thi này, EM (lối xưng hô quen thuộc của các người đẹp trước công chúng từ già lẫn trẻ nhỏ) cần phải nói những lời mà nhà tổ chức muốn nghe, ban giám khảo muốn nghe, sau đó là công chúng muốn nghe.
Nhưng đấy cũng là nguyên nhân khiến cho màn thi ứng xử trở thành màn thi căng thẳng nhất, thú vị nhất và được chờ đợi nhất. Bởi không ít người đẹp đến phút quan trọng nhất ấy thì bỗng dưng quên sạch 'đáp án'.
Những lời dạy dỗ vàng ngọc trong suốt thời gian tập luyện trốn hết ra khỏi não. Riêng một điều họ khắc cốt ghi tâm là không được nói thật suy nghĩ của mình. Và thế là, một câu hỏi lẽ ra rất giản đơn nhưng lại bị yểm bùa bởi khuôn vàng thước ngọc để trở nên phức tạp trong tai các người đẹp.
Kết quả là họ lúng túng như gà mắc tóc, nói ra những lời ngô nghê chẳng đầu chẳng cuối giúp khán giả được thư giãn bằng những tràng cười sảng khoái. Dù rằng, khi thoát ra khỏi sân khấu, những cô gái bị cho là ngô nghê, 'chân dài não ngắn' đó lại trở về với sự thông minh và linh hoạt thường thấy như thể vừa thoát ra khỏi một cuộc nhập đồng.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam được đánh giá là đấu trường nhan sắc chuyên nghiệp nhất về rèn lời ăn tiếng nói cho các thí sinh. Qua hai mùa tổ chức, phần thi ứng xử của thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ luôn được đánh giá cao.
Song, đến mùa thứ ba, với việc phát sóng chương trình truyền hình thực tế 'Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam', cung cấp cho khán giả những góc nhìn cận cảnh và chân thật phía sau hậu trường cuộc thi, sân chơi nhan sắc này cũng bị lộ việc họ đào tạo thí sinh của mình chẳng khác nào những buổi tập huấn học sinh ở trường phổ thông trước tiết dự giờ.
Nghĩa là các EM cần phải nói gì, làm gì, hành động ra sao để ghi điểm, để thể hiện mình là người văn minh, có hiểu biết, có tâm hồn đẹp và đi thi Hoa hậu vì mục đích cao cả. Các EM chỉ cần ngoan ngoãn, chăm chỉ học bài và thuộc bài. Bài vở thế nào đã có đội ngũ chuyên gia cố vấn lo.
Thế nên, một thí sinh dám phát ngôn ' nghĩ đến vương miện Hoa hậu là nghĩ đến sự nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền như chị Phạm Hương ' sẽ nhận về những cái nhăn mặt từ ban giám khảo. Dù tất cả họ đều biết tỏng đó chính là sự thực.
Siêu mẫu Võ Hoàng Yến – cố vấn catwalk của cuộc thi – khi nhận định về phát ngôn gây bão này đã nói: ' Tôi thấy câu trả lời của bạn đó rất ngây ngô mặc dù sự thật thì ai cũng có suy nghĩ như thế. Nhưng muốn trở thành một Hoa hậu thì vẫn cần sự thông minh và khéo léo. Bạn đó chưa chuẩn bị đủ những yếu tố cần thiết thì đã đi thi rồi. '
Chia sẻ của Võ Hoàng Yến gián tiếp khẳng định rằng, để đi thi Hoa hậu thì ngoài thông minh và khéo léo còn phải chuẩn bị sẵn tâm lý không nên nói ra những lời chân thật.
Tại cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong 1992 (nay là Hoa hậu Việt Nam), người đẹp Vi Thị Đông đã để tuột vương miện Hoa hậu vào tay Hà Kiều Anh trong tích tắc chỉ vì dám nói ra lời chân thật ấy.
Khi nhận được câu hỏi ' Em nghĩ sao về câu tục ngữ 'cái nết đánh chết cái đẹp'? ' , Vi Thị Đông đã hồn nhiên tỏ bày: ' Cái nết không nên đánh chết cái đẹp. Đã là người đẹp thì hãy nên làm như thế nào cho đẹp hơn, để cái nết và cái đẹp hòa thuận với nhau .'
Một câu trả lời thẳng thắn, thú vị và thực tế đã bị đánh giá thấp vì dám cho rằng cái đẹp quan trọng như cái nết. Kể cả khi đó, xã hội đang chuyển mình nô nức với các cuộc thi hoa hậu hoa khôi để tôn vinh cái đẹp hình thức và những cuộc thi nữ công gia chánh đã bị đẩy ra rìa từ lâu.
Tại cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong 1992 (nay là Hoa hậu Việt Nam), người đẹp Vi Thị Đông (bên trái) đã để tuột vương miện Hoa hậu vào tay Hà Kiều Anh trong tích tắc chỉ vì dám nói ra lời chân thật.
Điều đáng buồn là sau 25 năm, xã hội ngày càng cởi mở hơn, tự do hơn, mà các thí sinh Hoa hậu vẫn được dạy nguyên bài học cũ: nói lời hay ý đẹp thay vì nói lời chân thật. Chẳng phải chỉ riêng Việt Nam mới thế, tuyệt đại đa số các đấu trường nhan sắc quốc tế đều vậy cả.
Tuy vậy, cũng có những ngoại lệ. Đó là vào năm 1999, thí sinh đến từ quốc gia châu Phi Botswana khi được hỏi quan điểm cá nhân về việc có nên để cho một Hoa hậu mang thai trong nhiệm kì giữ vương miện hay không, đã mạnh mẽ trả lời rằng:
' Cá nhân tôi cho rằng Hoa hậu là biểu tượng của người phụ nữ mang đầy đủ thiên chức nữ tính. Nếu một Hoa hậu có thai, không nên tước đi vương miện và danh hiệu của cô ấy. Và là một phụ nữ, cô ấy nên cảm thấy hạnh phúc và chúc mừng cho chính mình .'
Người đẹp Botswana đã đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 1999 về câu trả lời đầy nhân văn đó. Điều đáng nói là, câu trả lời ấy là một sự chỉ trích nhằm vào chính nhà sản xuất Hoa hậu Hoàn vũ khi họ ra quy định các Hoa hậu không được phép mang thai trong thời gian đương nhiệm. Song bất chấp sự thẳng thắn đến chống đối ấy, chiếc vương miện vẫn được ban giám khảo trao vào tay thí sinh da màu.
Người đẹp Botswana trong phần thi ứng xử tại Hoa hậu Hoàn vũ 1999. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng một lời nói chân thật được tôn vinh tại đấu trường nhan sắc hàng đầu thế giới này.
Chỉ có điều, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng một lời nói chân thật được tôn vinh tại đấu trường nhan sắc hàng đầu thế giới này. Ban giám khảo năm đó đã tôn vinh không nhầm người. Hoa hậu Hoàn vũ 1999 đến từ Botswana sau khi hoàn thành nhiệm kì hai năm đã đi theo con đường trở thành nhà hoạt động xã hội giúp phụ nữ châu Phi chống lại đại dịch HIV/AIDS và nâng cao nhận thức về sức khỏe tình dục.
Tất nhiên, đó là ngoại lệ như đã nói. Còn thì, đã là Hoa hậu, là người của công chúng, luôn phải nói ra những lời hay ý đẹp, miễn là nói được còn làm được hay không không cần quá quan tâm. Nhưng công chúng vừa u mê đấy mà vừa tỉnh táo đấy.
Không phải lúc nào họ cũng thích nghe ý đẹp lời hay, nhất là khi họ nhận ra bên trong cái sự đẹp đẽ của lớp vỏ ngôn từ là sự trống rỗng. Thế mới có chuyện, mỗi khi ai đó nói những lời khéo léo, trau chuốt, mượt mà, vuốt ve chiều chuộng nhưng hành động thì trái ngược với lời nói, người ta lại 'tán dương': 'Nói như đi thi Hoa hậu'.
Vậy nên, xét cho cùng, Võ Hoàng Yến không sai. Hãy tập 'nói như đi thi Hoa hậu' đã rồi hẵng tính đến chuyện đi thi Hoa hậu. Đừng để đến lúc bị kêu gọi 'đuổi thẳng cổ' ra khỏi cuộc chơi như Mai Ngô hay Huyền Trang.
Theo Tiin
Video được xem nhiều nhất