Cách ứng xử thông minh khi bị giao thêm việc
Nếu nhận được đề nghị như vậy từ sếp, hãy khoan tỏ thái độ chấp thuận hay phản đối.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thôi chưa đủ. Đôi khi, bạn sẽ được yêu cầu kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác do cấp trên giao phó. Nếu nhận được đề nghị như vậy từ sếp, hãy khoan tỏ thái độ chấp thuận hay phản đối. Thay vào đó, bạn nên tham khảo 4 cách ứng xử thông minh dưới đây để có thể đưa ra giải pháp tốt nhất trong từng trường hợp.
Xem xét mức độ phù hợp của công việc đó
Điều quan trọng nhất để quyết định đồng ý hay từ chối nhận thêm việc chính là dựa trên khả năng của bạn. Nếu đó là công việc tương tự như nhiệm vụ bạn vẫn làm hàng ngày, và bạn cũng không quá bận rộn hay phải chạy deadline gấp thì hoàn toàn nên đồng ý nhận việc. Nhưng nếu công việc đó vượt ngoài khả năng, bạn nên từ chối để tránh những rắc rối về sau. Bên cạnh đó, trước khi tiếp nhận, hãy hỏi sếp thật kỹ về những yêu cầu cụ thể của công việc, thời hạn, nhân sự cùng tham gia... Luôn chắc chắn rằng, nếu bạn thực hiện công việc này thì đó phải là nhiệm vụ nằm trong khả năng của bạn, và không ảnh hưởng đến công việc chính mà mình đang phụ trách.
Hỏi về quyền lợi khi bạn kiêm nhiệm thêm công việc đó
Đây là cách ứng xử thông minh và là điều bạn cần phải làm trong trường hợp đồng nghiệp xin nghỉ đột xuất như nằm viện lâu ngày, nghỉ sinh hoặc nghỉ việc luôn. Bởi mỗi người đều có nhiệm vụ và trách nhiệm khác nhau trong công ty và được trả lương tương xứng với công việc đó. Do vậy, nếu bạn làm thay phần việc của đồng nghiệp, đặc biệt là trong thời gian dài, công ty cần có trách nhiệm chi trả lương thưởng phù hợp cho bạn. Đây là yêu cầu hoàn toàn chính đáng nên bạn không có gì phải ngần ngại hay băn khoăn.
Từ chối khéo léo nếu bạn đang quá tải
Từ chối là một việc không hề dễ dàng. Đặc biệt đây lại là nhiệm vụ cấp trên giao xuống, bạn cần phải hết sức cẩn trọng nếu muốn khước từ. Thay vì nói “không” ngay lập tức, thậm chí tỏ ra khó chịu và truy cập ngay vào các trang tuyển dụng việc làm nhằm tìm một vị trí mới, bạn hãy bình tĩnh gặp riêng sếp và trình bày tình trạng công việc hiện tại của mình. Đưa ra những lý do cụ thể rõ ràng như hiện tại bạn đang phải hoàn thành gấp những đầu việc này, những dự án kia, lịch làm việc đã kín, nếu như phải “ôm” thêm việc thì hiệu quả công việc sẽ bị ảnh hưởng... Những công việc nhỏ tuy dễ làm nhưng sẽ chiếm rất nhiều thời gian và có thể khiến bạn tăng thêm áp lực. Nếu cấp trên cứ đưa ra những nhiệm vụ như vậy liên tục thì chắc chắn, dự án bạn đang làm sẽ không thể hoàn thành đúng tiến độ...
Tóm lại, nếu như nhận được bất cứ yêu cầu nào khi đang quá tải, hãy trình bày và giải thích rõ ràng với cấp trên. Như vậy, sếp sẽ hiểu tình trạng bận rộn của bạn chứ không nghĩ rằng bạn đang cố tình từ chối. Khi đó, bạn sẽ không phải “ôm rơm nặng bụng”, mà cũng không sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bạn và cấp trên.
Nói “không” với những yêu cầu quá đáng
Bạn cần biết rằng, bất cứ nhân viên nào cũng có một phần trách nhiệm với công việc ở công ty. Do vậy, việc bạn được giao phó thêm nhiệm vụ trong trường hợp cần kíp cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục bị nhờ vả hay “sai vặt” những công việc không liên quan chỉ bởi sự tốt bụng hay tính cả nể của mình, thì bạn cần phải xem xét lại lời đề nghị để biết cách từ chối với những yêu cầu quá đáng. Kể cả đó là nhiệm vụ từ sếp bạn thì bạn cũng nên cân nhắc. Vì rất có thể, đồng nghiệp của bạn là người lười biếng và muốn đùn đẩy công việc cho bạn thông qua cấp trên thì sao?
Do vậy, trước khi đồng ý hỗ trợ ai đó công việc gì, hãy cân nhắc xem người nhờ bạn có thực sự cần giúp đỡ hay không, công việc đó có phù hợp với khả năng của bạn không, bạn có nên làm giúp họ không... Trong trường hợp bạn cảm thấy không thể đồng ý, hãy từ chối một cách khéo léo, nhẹ ngàng nhưng dứt khoát. Đó là cách ứng xử thông minh để họ không thể lợi dụng bạn trong những lần tiếp theo.
Huyền Nguyễn
Video được xem nhiều nhất