Bốn đại thụ âm nhạc Việt Nam qua đời trong nửa đầu năm 2015
Năm 2015, người yêu nhạc Việt Nam dồn dập đón nhận tin buồn khi những đại thụ của làng nhạc Việt lần lươt qua đời.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
10h15 ngày 29/6, người yêu nhạc Việt Nam xót xa nhận tin nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vừa trút hơi thở cuối cùng.
Trước đó, vào tối 28/6, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rơi vào hôn mê sâu. Ông nhập viện vì bị xuất huyết và ngất xỉu tại nhà. Bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh bạch cầu cấp (một dạng ung thư máu). Tuổi già sức yếu cộng với bệnh tật khiến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không thể qua khỏi.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ XX.
Sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khiến nhiều người hâm mộ xót xa. |
Bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940, sáng tác giúp tên tuổi Phan Huỳnh Điểu được biết rộng rãi là Đoàn giải phóng quân, Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Quê tôi ở miền Nam...
Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc TP HCM. Ông đã công bố hơn 100 ca khúc, trong đó có quá nửa là ca khúc phổ thơ: Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu...
Ông cũng sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi như: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác...
Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng suốt 5 năm gần đây, Phan Huỳnh Điểu vẫn lặng lẽ cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam.
Những người hâm mộ chương trình Tiếng hát mãi xanh sẽ không bao giờ quên hình ảnh vị giám khảo già đầy lạc quan vui vẻ vẫn vô tư cất cao tiếng hát cùng các thí sinh.
Người ta vẫn trìu mến gọi ông là "Ông già Tiếng hát mãi xanh”. Sự ra đi đột ngột của nhạc si Phan Huỳnh Điểu là một mất mát lớn không chỉ riêng đối với những khán thính giả yêu mến ông mà còn đối với nền âm nhạc Việt Nam nói chung.
Nhạc sĩ Phan Nhân
Ngay sau khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời ít giờ, công chúng yêu nhạc Việt bàng hoàng đón nhận thông tin tác giả ca khúc Chú ếch con – Phan Nhân – đột ngột từ trần.
Theo thông tin từ phía gia đình, nhạc sĩ Phan Nhân đã bệnh tim và phổi gần hai tháng nay. Nhạc sĩ bị suy tim độ 3 và có khối u ác tính ở phổi.
Phan Nhân sinh năm 1930 tại Long Xuyên, An Giang. Từ ngày nhỏ, Phan Nhân đã yêu thích thơ văn và âm nhạc. Năm 20 tuổi, chàng trai Phan Nhân sáng tác ca khúc đầu tiên, đó chính là hành khúc Đoàn quân Long Châu.
Ngoài các ca khúc viết cho người lớn, Phan Nhân cũng có nhiều bài cho thiếu nhi được các em nhỏ yêu thích như: Chú ếch con, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên , Hàng cây ơn Bác, Vườn cây của ba…
Đặc biệt, những sáng tác: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Thành phố của tôi, Em ở nơi đâu, Bài ca cho em... đã ghi tên ông vào danh sách những nhạc sĩ gạo cội của Việt Nam.
Đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhưng hàng ngày, Phan Nhân vẫn rong ruổi trên chiếc môtô 125 phân khối để thăm thú, dạo chơi và tiếp tục... sáng tác. Bởi ông tâm niệm: "Là nhạc sĩ mà không còn sáng tác được thì buồn lắm. Một nhà thơ người Nga đã từng nói đừng chết trước lúc lìa đời, tôi không muốn mình sẽ rơi vào hoàn cảnh ấy".
Ông từng được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật (2001), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc, cùng nhiều huy chương và giải thưởng khác của các tổ chức Trung ương và địa phương.
Sự ra đi đột ngột của Phan Nhân khiến công chúng không khỏi ngỡ ngàng. Như vậy, chỉ trong 1 ngày, nền âm nhạc Việt Nam đã mất đi 2 nhạc sĩ gạo cội.
Giáo sư Trần Văn Khê
Nhà văn hóa Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho cũ (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ông đi du học tại Pháp từ năm 1949 và là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ Âm nhạc vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Không chỉ là ngôi sao sáng về nhân cách, tài năng của Việt Nam, ông còn là giáo sư Trường đại học Sorbonne, Pháp, và là thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO.
Giáo sư Khê là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Có thể nói ông là người đã khiến thế giới biết đến âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ.
Sinh thời, ông từng chia sẻ, âm nhạc là "người tình" khiến ông say đắm đến mức chẳng còn thời gian dành cho gia đình, vợ con.
Cuối đời, giáo sư Trần Văn Khê vẫn dành nhiều tâm huyết cho âm nhạc truyền thống Việt Nam. |
Ngày 27/5/2015, giáo sư Trần Văn Khê nhập viện do suy tim, viêm phổi nặng, thận hư. Sau gần 1 tháng chữa trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), ông trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng 24/6/2015, hưởng thọ 94 tuổi.
Đến giây phút cuối đời, giáo sư Trần Văn Khê vẫn dành tâm huyết của mình cho nền âm nhạc Việt Nam. Trong di nguyện, Giáo sư bày tỏ nguyện vọng chi phí tang lễ được dùng từ tiền mặt và trích sổ tiết kiệm của ông.
Tiền phúng điếu, nếu có thể được dùng lập quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hàng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Xúc động trước những cống hiến không ngừng nghỉ, cảm phục nhân cách sống của vị giáo sư, ngày di quan ông, hàng ngàn người đã tề tựu về nơi tổ chức tang lễ.
Không ai bảo ai, họ trật tự đứng 2 bên đường, đưa mắt hướng về phía linh cữu ông thay cho lời vĩnh biệt.
Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích
Nhắc đến nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích, khán giả nghĩ ngay tới những ca khúc ông viết cho thiếu nhi. Tuổi thơ của những thiếu niên Việt Nam gắn liền với những ca khúc của ông như: Đưa cơm cho mẹ đi cày, Tiếng chim trong vườn Bác, Tre ngà bên lăng Bác, Em bay trong đêm pháo hoa, Rửa mặt như mèo…
Hàn Ngọc Bích cũng là nhạc sĩ hiếm hoi có tới bốn ca khúc nằm trong danh sách 50 bài hát hay nhất thế kỷ XX đó là: Tiếng chim trong vườn Bác, Em bay trong đêm pháo hoa, Tre ngà bên lăng Bác và Đưa cơm cho mẹ đi cày. Nhiều ca khúc của ông dành những giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tác.
Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích có tới 4 ca khúc nằm trong danh sách 50 bài hát hay nhất thế kỷ XX. |
Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích sinh ngày 18/11/1940 ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, ông về Hà Tây và trở thành 1 nhà giáo.
11 năm sau ông về công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, với cương vị là Ủy viên Thư ký Hội đồng Âm nhạc của Bộ. Ông cũng từng công tác tại Vụ Giáo dục Phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Không chỉ là 1 nhà giáo tận tụy, 1 nhạc sĩ tài năng, Hàn Ngọc Bích còn là 1 người đàn ông còn là 1 người chồng, người cha mẫu mực.
Hàn Ngọc Bích sẵn sàng vào bếp nấu cơm giúp vợ. Thậm chí, ông còn tự hào vì mình có thể nấu cơm ngon hơn bà xã.
Trong âm nhạc, ông vẫn tự nhận mình chỉ là 1 người sáng tác nghiệp dư, nhưng Hàn Ngọc Bích đã khiến tất cả những ai từng có tuổi thơ đều hát vang những ca khúc của ông.
Sáng 1/5/2015, Hàn Ngọc Bích trút hơi thở cuối cùng, trong vòng tay yêu thương của bạn bè, gia đình và người hâm mộ. Ông ra đi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho những người yêu mến âm nhạc Việt Nam.
Video được xem nhiều nhất