Nói về cú vấp của Thùy Minh, tôi có ý chia sẻ tích cực và hoàn toàn không phải phán xét để đạt mục đích khoe mẽ nào đó. Nó cũng giống như khi tôi gặp những cuộc khủng hoảng năng lượng và hướng giải quyết của bản thân khi đi "xử" những cuộc khủng hoảng truyền thông khác. Người cho tôi sự chia sẻ sẽ làm tôi trưởng thành hơn là người thích phán xét để thể hiện bản thân họ.
Nếu đưa vụ việc của Thùy Minh cùng “Những kẻ lắm lời” ra để mổ xẻ một cách chính diện, thực ra nó hơi giống “dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà”. Tức là nó chưa phải một trường hợp điển hình để những người có yếu tố nghề nghiệp tương tự phải giật mình. Nhưng nó có những yếu tố để các đối tượng sau có thể tham khảo và mở rộng quan điểm chia sẻ nhiều hơn: Những MC có thể được coi là người nổi tiếng, các nhà sản xuất chương trình trên Youtube, và những vụ việc tạo dư luận đa chiều. Vì vậy mà cú vấp của Thùy Minh ở đây mang tính “đen đủi” về mặt dư luận, nhiều hơn là những thiệt hại thực sự (biết đầu Thùy Minh đắt show hơn). Nhưng nếu cô ấy không may mắn và sự trắc trở khiến dư luận bất ngờ lật chiều, tên tuổi Thùy Minh sẽ rất dễ bị đổi màu, từ cá tính thành vô duyên, từ thẳng thắn thành áp đặt, từ hài hước thành nhạt nhẽo. Đặt vào từng bối cảnh cụ thể, cú vấp của Thùy Minh mang tính chu kỳ nhiều hơn là sai lầm nghề nghiệp. Khi người ta đã khai thác cạn kiệt nguồn năng lượng và nội dung từ bản thân mình, những thứ bị bắt ép phải sản sinh ra rất dễ gặp “tai nạn”.
Nhưng nếu cô ấy không may mắn và sự trắc trở khiến dư luận bất ngờ lật chiều, tên tuổi Thùy Minh sẽ rất dễ bị đổi màu, từ cá tính thành vô duyên, từ thẳng thắn thành áp đặt, từ hài hước thành nhạt nhẽo
Thùy Minh có thể coi là một người nổi tiếng, tức là mức độ tên tuổi của cô ấy đã ở mức phổ cập, nhắc tên là biết hoặc có một chút khái niệm gì đó. Từ một cái tên của người bình thường, trở nên nổi tiếng là một hành trình cần rất cấp thiết sự may mắn vào đúng thời thế và một khả năng chuyên môn được công nhận ở khu vực họ đang thực hiện. Điều này có thể được giải thích rất logic về mặt tâm lý. Những người nổi tiếng hơn cộng đồng thường có sự kiêu ngạo ở mức độ nhất định, khi đến giai đoạn người ta đã cảm thấy mệt mỏi với sự kiêu ngạo của bản thân, nó sẽ ẩn vào bên trong tạo thành sự kiêu hãnh (đây là hình thái tương đối).
Nên nhớ, không một người nổi tiếng nào là thân thiện thực sự. Một người không biết bản thân mình “vĩ đại” ra sao thì sẽ chỉ mãi mãi là những người bình thường. Mọi sự dễ chịu mà công chúng cảm nhận được từ một người nổi tiếng là do tập luyện mà thành, yếu tố văn hoá từ môi trường, sự văn minh theo quy chuẩn, hoặc đơn giản là họ đang diễn. Quay lại sự kiêu ngạo, đó chính là mồi lửa châm lên những bước nhảy khiến những người thích/ghét Thùy Minh phải theo dõi cô, từ giai đoạn là một cây viết “Tây Tây” của Hoa học trò (sản phẩm có lượng phát hành lớn nhất khi đó), chuyển sang một MC cá tính, hơi quái (VTV6 thời kỳ đầu), tiếp theo là một VJ có “đất” để nói những điều mình thích mà không bị cấm cản, cắt gọt tại Yan TV, dấu ấn điềm đạm và vừa vặn tại “Chuyện đêm muộn”, và gần đây nhất, như ai cũng thấy, cú hích tạo điểm nổ với “Những kẻ lắm lời”. Những người kiêu ngạo luôn biết cách chán những gì mình đã làm ở thời điểm khán giả còn đủ yêu thích và đặt tinh thần “chiến đấu” vào những điều mới mẻ để dẫn dắt thị trường.
Áp lực hấp dẫn
Nếu lập luận không đủ vững, nhận xét mang tính cảm quan, một buổi talk show sẽ chuyển sang xu hướng "một cái chợ"
“Những kẻ lắm lời” có những số làm rất “được” nếu nói đến yếu tố nội dung và giải trí. Với ý tưởng có thể làm dài hơi và một nhóm vừa vặn, gồm một người có nhạy cảm về hình ảnh là Lê Minh Ngọc, một người có nhạy cảm về câu chữ là Nguyễn Ngọc Thạch và một người trung gian dám mượn lời, khẳng định, cũng như đưa ra những câu chốt đủ để giật title bất kỳ bài báo nào là Thùy Minh. Họ chỉ thực sự gặp vấn đề khi những lời họ nói ra thiếu mức độ kiểm chứng chính xác, vì áp lực phải luôn có những câu chuyện mới và hay để bình luận (showbiz lấy đâu ra lắm chuyện thế). Đến một thời điểm nào đó, họ đưa ra quan điểm lập luận trên nền thông tin không đủ vững vàng và nhận xét mang nặng tính cảm quan, thái độ cá nhân, khiến cho những người muốn tranh luận thực sự cảm thấy tính “chiến đấu” trong vấn đề giảm đi và chuyển sang xu hướng “một cái chợ” nhiều hơn là một buổi talk show. Vấn đề ở đây là họ cần có thêm cố vấn để hoàn thiện trọn vẹn hơn ý tưởng về một chương trình giải trí văn minh. Và còn cần để ý hơn về câu chuyện thương mại (điều này thì không bàn sâu thêm ở đây).
Thách thức công chúng
Những lời bênh trên thế “thách thức công chúng” như vậy sẽ không làm Thùy Minh lấy lại được phần “chất” đã được khẳng định trong tổng thể thương hiệu tên tuổi của cô
Khi đang ở thế rơi vào vòng tranh luận của công chúng, cách khôn ngoan nhất là im lặng trong một khoảng thời gian vừa đủ đã vạch sẵn (không phải im thin thít, lặn mất tăm), hoặc chia sẻ thêm nhiều quan điểm đa chiều hơn về việc tại sao mình đưa ra nhận định đó. Như thế những người ghét mình sẽ có thời gian tư duy lại về sự ghét của họ, còn những người thích mình cũng có thêm lý do để ủng hộ. Khi rơi vào vòng xoáy của chuyện bênh Hồ Ngọc Hà, “lên án” vợ cũ của doanh nhân Chu Đăng Khoa, công chúng còn đăng băn khoăn về lời xin lỗi có phần bị ép của Thùy Minh, cô tiếp tục gây ra điểm nổ kép cho cả tên tuổi và chương trình của mình với những nhận xét về MC Kỳ Duyên, về Mỹ Tâm, Tóc Tiên, Đông Nhi. Có nghĩa là công chúng thấy một sự thách thức. Khi những lời khẳng định liên tục theo một trường phái hoặc thái độ cố định (có thể để giữ bản sắc cho chương trình hoặc tăng lượt xem), một điều thực tế sẽ nhìn thấy được, những lời bênh sẽ trở nên rất nhạt nhoà, ví như “nói thế đúng rồi còn gì”, “nói thẳng thắn đấy”, hay “chương trình vui nhỉ”. Những lời bênh trên thế “thách thức công chúng” như vậy sẽ không làm Thùy Minh lấy lại được phần “chất” đã được khẳng định trong tổng thể thương hiệu tên tuổi của cô.
Những “tổng biên tập” a dua
Có thể khi họ tỏ ra yếu kém và mất tự tin trong việc “biên tập” bản thân mình, họ thích đi “biên tập” tai nạn của người khác với những lời chê và lôi kéo những người khác tạo nên những “tổng biên tập” a dua
Về lý thuyết, tên tuổi của một người, cũng như một chương trình, mà ở đây Thùy Minh đại diện một cách khá dũng cảm cho “Những kẻ lắm lời” cũng giống như một công ty bán sản phẩm, không có khách đồng nghĩa với công ty phá sản. Tuy nhiên, đây là về lý thuyết. Tôi biết, khi tôi nói về sai lầm của ai đó nó cũng dễ hơn vạn lần việc nếu tôi có một sai lầm, tôi phải giải quyết sao. Không ai có thể khẳng định rằng mình không mắc sai lầm. Nhất là khi cái đúng và ý tốt của bản thân lại được đặt trong một môi trường có thể biến chuyển khó ngờ để trở thành một cái sai đầy may rủi. Trong thời đại của Facebook và Youtube, mỗi một người tham gia với một tài khoản miễn phí đều có thể là một “tổng biên tập”. Có thể khi họ tỏ ra yếu kém và mất tự tin trong việc “biên tập” bản thân mình, họ thích đi “biên tập” tai nạn của người khác với những lời chê và lôi kéo những người khác tạo nên những “tổng biên tập” a dua. Giống như cũng có lúc tôi buột miệng nói chương trình của Thùy Minh nhảm nhí, hay “tại sao lại để 3 đưa kia lên ngồi nói gì trước công chúng vậy”, Ở đây Thùy Minh và chương trình của Minh có sự may mắn một cách tương đối bề mặt về dư luận, tức là có ý kiến khen chê, dù chưa đủ sắc sảo và xác đáng, nó có khả năng phát triển hơn việc không được ai quan tâm đồng nghĩa với sự tẩy chay hoàn toàn.
Đó là những lập luận để tôi khẳng định cú vấp của Thùy Minh lần này không phải một sự vụ nghiêm trọng và mang tính chu kỳ nhiều hơn là một sai lầm bị ném đá về mặt chuyên môn nghề nghiệp. Thời điểm và hoàn cảnh có thể khiến 1 người thành anh hùng, nhưng cũng có thể giết họ.