6 sai lầm cản trở bước tiến của nhà quản lý trẻ
Những nhà quản lý trẻ với vô số ưu điểm như năng động, nhiệt huyết, có thời gian và sức khỏe, nhanh nhạy với cái mới… hơn thế hệ trước. Nhưng không phải ai cũng có khả năng tạo dấu ấn cá nhân và thành công. 6 sai lầm sau có thể sẽ là rào cản, kéo lại bước tiến của các nhà quản lý trẻ mà bạn nên tránh.
Quá ôm đồm và kiểm soát mọi thứ
Các nhà quản lý trẻ thường có tâm lý thích kiểm soát, để ý và quản lý tất cả mọi thứ. Điều này có mặt tích cực là bạn sâu sát và nắm được chi tiết tất cả mọi việc của công ty. Nhưng về lâu dài bạn sẽ phải quản lý đủ mọi thứ, đưa ra cả những quyết định nhỏ như “hạt vừng”, bạn sẽ trở nên “nhỏ nhen”, tầm nhìn cũng bị “ngắn” lại. Và, nhân viên sẽ ngày càng thụ động, thiếu tính sáng tạo, làm việc rụt rè hơn.
Điều bạn nên làm là tin dùng đúng người đúng việc, nắm giữ những nhân tố quan trọng. Trao cho họ quyền tự quyết nhất định, bạn nên tin tưởng có nhiều quyết định tốt trong công việc được đưa ra từ người khác.
Thiếu mục tiêu trọng tâm
Vì bạn trẻ, bạn nhìn đâu cũng thấy cơ hội, tiềm năng, lĩnh vực nào bạn cũng muốn tìm cho mình “một phần bánh”. Sự dàn trải này nhiều khi lại là rào cản bước tiến của bạn. Hãy nghiên cứu, đánh giá thận trọng, xác định và đặt phần lớn tinh lực của bạn vào mục tiêu trọng tâm. Đặt các mốc thời gian bạn có thể đưa doanh nghiệp của mình tiến lên phía trước với mục tiêu đó. Thành công với mục tiêu trọng tâm rồi sẽ là nguồn lực để bạn và doanh nghiệp mở rộng thêm các mục tiêu khác.
Thiếu dấu ấn cá nhân
Dấu ấn cá nhân cũng chính là thương hiệu của bạn khi ở trên vị trí quản lý. Những việc bạn làm, những thành quả bạn gặt hái được có dấu ấn cá nhân của bạn hay chỉ là sự nối tiếp những gì có sẵn của người đi trước? Hãy tìm và phát huy những mặt tích cực đã có và điều chỉnh, khắc phục những hạn chế. Hãy “thổi” vào đó những quan điểm và chính kiến riêng của bạn. Điều đó sẽ giúp bạn tạo dựng dấu ấn cá nhân của mình với những quyết định đúng đắn. Dấu ấn cá nhân của một nhà quản lý trẻ có tầm không chỉ thể hiện ở những phát ngôn ấn tượng, mà hơn hết là ở hành động, hiệu suất và kết quả của những quyết sách đúng đắn mang lại.
Thiếu kỹ năng cần thiết trong quản lý
Ở bất cứ vị trí nào, học hỏi không ngừng để hoàn thiện mình luôn là điều cần thiết. Nhà lãnh đạo trẻ tài năng nếu thiếu hoặc chưa hoàn thiện những kỹ năng cần có trong quản lý sẽ cản trở bước tiến của họ một cách rõ ràng. Đó là kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đặt câu hỏi hay khả năng phán đoán và ra quyết định, tầm nhìn xa, độ kiên trì, khả năng thích nghi, …
Thiếu kỹ năng giao tiếp, tạo dựng và duy trì các mối quan hệ
Có được các mối quan hệ tích cực là sự đảm bảo cho công việc luôn trôi chảy, thuận lợi và tiết kiệm được khá nhiều thời gian, công sức. Để tạo dựng được các mối quan hệ tốt đẹp nhà lãnh đạo trẻ cần phát triển kỹ năng giao tiếp. Đó là khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói và viết, song song với ngôn ngữ cơ thể, cách diễn đạt dễ hiểu, thuyết phục… Đây là những khả năng cần thiết trong các buổi hội thảo, hội nghị, những buổi thương thuyết để ký kết hợp đồng, hay kể cả việc xây dựng hình ảnh cá nhân và doanh nghiệp. Một nhà quản lý trẻ thiếu kỹ năng này sẽ bị hạn chế khá nhiều trong mọi việc, kể cả trong điều hành nhân sự.
Không thừa nhận thất bại
Hiếu thắng, “cái tôi” quá lớn khiến nhà lãnh đạo trẻ không dễ dàng chấp nhận sai lầm và dám thừa nhận thất bại. Và có thể họ sẽ phạm thêm cái sai nữa là tìm cách đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan, cho người khác… Điều này sẽ cản trở bước tiến của họ, vì phải biết sai mới có các hành động tiếp theo như sửa sai, khắc phục những lỗi phạm phải và rút ra những bài học kinh nghiệm sau đó.
Thanh Hằng
Video được xem nhiều nhất