5 khám phá khảo cổ vĩ đại nhất thế kỷ 20: Tất cả đều chứa bí ẩn kỳ lạ, khiến sử gia kinh ngạc

Tiin - 13/08/2020, 09:12

Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng được xem là một trong những khám phá khảo cổ học vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Nói đến Tần Thủy Hoàng (259 TCN-210 TCN) - hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc - sử gia và giới khảo cổ không thể không nhắc đến kỳ quan dưới lòng đất vĩ đại mà ông để lại cho ngày sau bên trong lăng mộ khổng lồ của mình: Đội quân binh mã Tần Thủy Hoàng hơn 8000 tượng bằng đất sét nung.

Hơn 4 thập kỷ sau ngày đội quân đất nung được vô tình phát hiện, binh mã dũng của Tần Thủy Hoàng cho đến nay vẫn là một trong 5 phát hiện khảo cổ đắt giá nhất, bí ẩn nhất và có sức thu hút nhất đối với các nhà nghiên cứu.

Dưới đây là khám phá khảo cổ học vĩ đại nhất thế kỷ 20, mời độc giả theo dõi:


BINH MÃ DŨNG TẦN THỦY HOÀNG

Có lẽ, người ta sẽ khó lòng được chiêm ngưỡng kỳ quan vĩ đại dưới lòng đất được xây dựng từ thời của những năm 246 TCN nếu không có một người nông dân tại Thiểm Tây (Trung Quốc) vô tình tìm thấy bức tượng đầu tiên khi ông đào giếng lấy nước năm 1974.

Kể từ đó, 3 cuộc khai quật khảo cổ quy mô đã phát hiện thêm hàng nghìn binh sĩ bằng đất sét nung cùng rất nhiều vũ khí và tượng ngựa. Khi đó, sử gia mới biết đội quân gần 10 vạn binh mã này đang canh gác giấc ngủ của vị hoàng đế Tần Thủy Hoàng.

Điều đáng ngạc nhiên là mỗi bức tượng binh đều có kích thước y người thật, với kiểu tóc, khuôn mặt, đôi tai, biểu cảm và thần thái khác nhau. Các loại vũ khí vẫn còn sắc nét đến tận ngày nay.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Là hoàng đế có công rất lớn trong việc xây dựng và hoàn thiện Vạn Lý Trường Thành, không ngạc nhiên khi Tần Thủy Hoàng chuẩn bị hậu sự cho mình thật chu đáo. Để xây dựng lăng mộ cho mình, ông ra lệnh cho hơn 700.000 người ngày đêm làm việc trong gần 40 năm.

Quy mô và sức mạnh được thể hiện đầy đủ trong lăng mộ này: Trong khu lăng mộ khổng lồ của Tần Thủy Hoàng không chỉ có đội quân đất nung 8000 tượng cùng vô số ngựa và vũ khí, mà kỳ quan ngầm này còn được xây dựng dựa trên các quy tắc phong thủy chặt chẽ cùng hệ thống bẫy tinh vi - Trừng phạt bất cứ kẻ nào dám phá ngang giấc ngủ của vị hoàng đế.

Tạp chí  Archaeological Research in Asia  trích dẫn sử chép của các nhà thiên văn học cổ đại cho biết: Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được thiết kế theo hướng bắc-nam một cách hoàn hảo. Quần thể lăng mộ này hội tụ đầy đủ yếu tố địa lý, thiên văn.


MẶT NẠ VÀNG CỦA PHARAOH TUT

Ai Cập - đất nước của những kim tự tháp khổng lồ đầy bí ẩn - luôn là một trong những cái tên thu hút giới khảo cổ học mạnh mẽ nhất thế giới.

Nhắc đến Ai Cập, người ta nhanh chóng gợi nhớ đến Giza, các vị pharaoh, thuật ướp xác đỉnh cao cùng những bí ẩn chôn vùi ngàn năm dưới các lăng mộ bề thế ở vùng sa mạc nóng bỏng. Trong số đó, vua Tut và chiếc mặt nạ vàng bí ẩn của ông khiến sử gia không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu.

Vua Tutankhamun (Vua Tut) là một vị Pharaoh Ai Cập thuộc Vương triều thứ 18, trị vì từ năm 1332-1323 TCN, trong giai đoạn Tân Vương quốc của Lịch sử Ai Cập.

Chiếc mặt nạ vàng của Vua Tut. Ảnh: Fineartamerica

Chiếc mặt nạ vàng của Vua Tut. Ảnh: Fineartamerica

Chiếc mặt nạ vàng (bản sao khuôn mặt của nhà vua) nặng 11kg là phần bọc ngoài phần thi thể được ướp xác của vị vua trẻ qua đời năm 1323 trước Công nguyên ở tuổi 19, sau khi cầm quyền được 10 năm.

Phần đế bằng vàng nguyên khối lấp lánh với ngọc lưu ly, ngọc lam và các loại đá bán quý khác. Phần cằm được gắn bộ râu làm bằng vàng, trên trán gắn một con kền kền và rắn hổ mang, những vị thần cùng nhau tượng trưng cho sự thống nhất của Hạ và Thượng Ai Cập.

Chiếc mặt nạ xuất hiện trở lại thế giới hiện đại vào năm 1922, khi nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter phát hiện ra lăng mộ gần như nguyên vẹn của Vua Tut ở Thung lũng các vị vua, một khu chôn cất hoàng gia dọc theo sông Nile thời Ai Cập cổ đại.

Cho đến nay, nhiều sử gia vẫn chưa tìm được nguyên nhân vì sao Pharaoh Tutankhamun lại qua đời sớm đến vậy. Việc mộ tặc đào bới và  'khoắng'  nhiều phần của khu lăng mộ Vua Tut khiến các nhà nghiên cứu gặp nhiều khó khăn trong việc tái hiện lịch sử cách đây hàng nghìn năm.

ĐẦU ĐÁ KHỔNG LỒ

Nhắc đến Mexico - đất nước vùng Bắc Mỹ - nhiều người nghĩ đến thung lũng Teotihuacan nơi có quần thể kim tự tháp Mặt trời và Mặt trăng hoành tráng nhất, đại diện cho kiến trúc cổ đại châu Mỹ - mà quên mất nền văn minh Olmec lớn đầu tiên tại quốc gia này.

Trỗi dậy từ những khu rừng đầm lầy của Bờ Vịnh Mexico trong khoảng từ năm 400 đến 1400 trước Công nguyên, văn minh Olmec có một nền văn hóa vô cùng rực rỡ với những tạo tác có 1-0-2 trên thế giới. Nổi bật nhất trong số đó là tác phẩm nghệ thuật khổng lồ mà họ gọi là tượng đầu đá khổng lồ.

Hơn 2 thiên niên kỷ sau thời kỳ thịnh trị của Olmec, một người nông dân đã vô tình đào được một đầu đá khổng lồ, hé mở lịch sử vĩ đại của người Mexico cổ.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Bức tượng đầu này là chiếc đầu tiên trong số 17 chiếc đầu tương tự chưa được phục hồi. Chúng được cho là chân dung của những người cai trị Olmec.

Các bức tượng hùng vĩ cao từ 1,5 đến 3 mét, mỗi bức nặng vài tấn. Tạo tác khổng lồ bằng đá bazan này có điểm chung là có đôi mắt hình quả hạnh, mũi tẹt và đôi môi căng mọng. Nhưng bức tượng đầu mang một hình ảnh, biểu cảm và mũ đội đầu độc đáo và khác nhau. Giới khảo cổ cho rằng đó là vì người Olmec muốn biểu đạt gương mặt của mỗi người cai trị khác nhau.

Làm bằng đá bazan, nhưng các nhà khảo cổ học phát hiện ra rằng hầu hết các tượng đầu đều được đặt ở vị trí cách mỏ đá bazan khoảng 100 km. Đó là lý do, giới nghiên cứu vẫn chưa thể nào hiểu người Olmec làm cách nào có thể vận chuyển các tảng đá nguyên khối nặng gần chục tấn về quảng trường trung tâm để chạm khắc và trưng bày.


CUỘN SÁCH BIỂN CHẾT

Năm 1947, Muhammed ed-Dib, một người chăn cừu du mục thuộc dân tộc Bedouin, đi tìm một con dê lạc dọc theo những vách đá cheo leo bên bờ Biển Chết.

Chẳng ai ngờ, từ một việc đi tìm dê thất lạc của một người nông dẫn lại mở ra cánh cửa đến một trong những  khám phá khảo cổ học vĩ đại nhất của thế kỷ 20 : Trong một hang động hẹp, Muhammed ed-Dib phát hiện ra những chiếc lọ đất sét chứa những cuộn giấy cổ được viết từ năm 300 trước Công nguyên đến năm 70 sau Công nguyên. Chúng là một phần của Cuộn sách Biển Chết - Một trong những tác phẩm viết tay kỳ công và vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Ảnh: Lerner Vadim / Shutterstock

Ảnh: Lerner Vadim / Shutterstock

Cuộn Sách Biển Chết là tập hợp 981 bản ghi khác nhau, có niên đại 2000 năm tuổi. Khoảng 230 trong số đó chép lại các câu chuyện trong Kinh Thánh Hebrew hoặc Cựu ước của Cơ đốc giáo. Phần còn lại chứa các văn bản tôn giáo khác, như lời cầu nguyện, thánh ca và các giáo lý.

Mặc dù Cuộn Sách Biển Chết chủ yếu được viết bằng tiếng Do Thái, nhưng các nhà sử học cũng tìm thấy các bản viết có cổ ngữ cổ hơn tiếng Do Thái, gồm một số phương ngữ Aramaic, tiếng Hy Lạp, tiếng Latin và tiếng Ả Rập.

Trong những năm qua, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy thêm nhiều cuộn giấy từ 12 hang động ở phía đông hoang mạc Judaea, Bờ Tây ngày nay. Nhờ điều kiện thích hợp, một số cuộn giấy vẫn còn nguyên vẹn, số còn lại hầu hết đều bị hư hỏng, tạo thành một kho chứa hơn 25.000 mảnh giấy da và giấy cói.

Bài toán khó đối với các sử gia và giới khảo cổ là cách mảnh giấy còn sót lại này còn thiếu vô số mảnh ghép để hoàn thiện. Trong tương lai, phương pháp ADN có thể hữu ích vì nhiều cuộn giấy được làm bằng da động vật.

Từ những gì có thể đọc được, các nhà nghiên cứu tranh luận về tập hợp tác giả của cuộn sách. Một số sử gia cho rằng các tập giấy đến từ nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều tác giả khác nhau; những người khác quy tất cả vào một giáo phái Do Thái sống gần 12 hang động vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

Cho đến nay, Cuộn sách Biển Chết vẫn còn chứa nhiều câu hỏi khiến nhà nghiên cứu phải đi tìm câu trả lời.


VỆ NỮ WILLENDORF

Ngắn, béo và có niên đại gần 30.000 tuổi, Venus of Willendorf là biểu tượng phụ nữ thời Kỷ Băng hà. Bức tượng cao 10 cm, mô tả một người nữ có ngực, mông, bụng nhưng không có bàn chân hoặc các đặc điểm trên khuôn mặt này là một trong những đồ tạo tác và hiện vật khảo cổ quan trọng nhất của ngành khảo cổ hiện đại.

Các nhà khảo cổ tìm thấy bức tượng nhỏ vào năm 1908, khoảng một tuần vào cuộc khai quật tại Willendorf II, một địa điểm tại Áo dọc theo sông Danube, khoảng 80 km từ thủ đô Vienna. Giới khảo cổ đặt tên bức tượng dạng này là Vệ nữ Willendorf.

Tượng Vệ nữ Willendorf được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại Viên, Áo. Ảnh: AFP

Tượng Vệ nữ Willendorf được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại Viên, Áo. Ảnh: AFP

Trong suốt những năm 1900 và 2000, một số cuộc khai quật khác đã diễn ra ở đó, nhờ các phương pháp ngày càng cải tiến, đã khai quật được 2 bức tượng nhỏ của thần Vệ nữ và hàng trăm công cụ bằng đá.

Trên khắp châu Âu, gần 200 bức tượng tương tự được khai quật với các niên đại khác nhau từ 23.000 đến 40.000 năm tuổi.

Mặc dù các học giả hiện đại gọi những hiện vật này là Vệ nữ, theo tên nữ thần tình yêu và sinh sản của thần thoại La Mã, thực chất các nhà điêu khắc ra các bức tượng này đã sống cách thời La Mã cổ đại ít nhất 20 thiên niên kỷ trước.

Câu hỏi đặt ra cho các nhà khảo cổ là: Không rõ tại sao những người ở Kỷ băng hà lại chạm khắc những bức tượng nhỏ này? Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng được dùng làm biểu tượng sinh sản, chân dung tự họa. Hiện nay Vệ nữ Willendorf được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại Viên, Áo.

Bài viết sử dụng nguồn: Discover Magazine

Theo toquoc.vn

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất