4 sai lầm tối kỵ khi sa thải nhân viên
Có không ít trường hợp doanh nghiệp buộc phải đưa ra quyết định sa thải khi nhân viên không đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời gian dài, có các lỗi nghiêm trọng và tái phạm gây thiệt hại, khi tình hình kinh doanh khó khăn khiến công ty phải cắt giảm nhân sự... và rất nhiều trường hợp khác.
Thực tế cho thấy có nhiều doanh nghiệp mắc phải những sai lầm nghiêm trọng và cơ bản khi ra quyết định sa thải nhân viên, để lại những hậu quả lớn, làm xấu hình ảnh của công ty cũng như gây ra những mâu thuẫn không đáng có. Ở cương vị người sử dụng lao động, nhà quản lý có trách nhiệm đảm bảo quy trình sa thải diễn ra một cách chuyên nghiệp, đúng mực và công bằng. Dưới đây là 4 sai lầm tối kỵ có thể gây hậu quả khi sa thải nhân viên, hãy cùng tham khảo nhé!
Cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất tại Careerlink
Không giải thích, trao đổi và cảnh cáo nhân viên rõ ràng trước khi sa thải
Việc bị sa thải luôn là một tình huống rất tiêu cực cho nhân viên, và trách nhiệm của người quản lý giỏi đó là giúp họ chuẩn bị tâm lý một cách rõ ràng cho việc này. Đừng bao giờ sa thải nhân viên mà không có sự giải thích, trao đổi cặn kẽ về lý do, cũng như cần có quá trình cảnh cáo trước khi sa thải với thời hạn nhất định. Nếu hết thời hạn cảnh cáo, nhân viên không cải thiện tình hình hoặc tiếp tục sai phạm, lúc này bạn hãy thông báo quyết định sa thải tới họ. Quá trình chuẩn bị tâm lý này là vô cùng quan trọng để giúp họ chấp nhận tình thế của mình và không phản ứng một cách tiêu cực.
Dùng sức ép để khiến nhân viên nghỉ việc
Việc gây sức ép lên nhân viên để khiến họ tự nguyện thôi việc là một “cách thức" được áp dụng khá phổ biến của nhiều công ty, nhất là tại những doanh nghiệp nhỏ, có tình hình kinh doanh không ổn định. Tuy nhiên, cách làm này không được đánh giá cao vì nó đem lại hình ảnh xấu, không chuyên nghiệp cho công ty, khiến quá trình tuyển dụng sau này gặp nhiều khó khăn, đồng thời cũng gây tâm lý e ngại, tiêu cực cho những nhân viên hiện tại. Có nhiều biện pháp trọn vẹn, tích cực hơn bao gồm trao đổi, thảo luận, đàm phán với nhân viên để họ tự đưa ra quyết định, thay vì dùng đến sức ép khiến cho tình hình trở nên căng thẳng.
Thông báo sa thải qua email thay vì gặp mặt trực tiếp
Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, nếu bạn ở cương vị quản lý hoặc nhà lãnh đạo, việc sa thải nhân viên của mình có thể là một quyết định khó khăn. Nhưng dù trong tình huống nào, bạn cũng nên là người đầu tiên gặp mặt và trao đổi trực tiếp với họ, thay vì chỉ gửi quyết định qua email hoặc để phòng nhân sự thông báo. Gặp mặt trực tiếp thể hiện thái độ chuyên nghiệp, cảm thông và chia sẻ đối với nhân viên, trong khi một văn bản quyết định sa thải được gửi một cách máy móc qua email sẽ khiến họ cảm thấy vô cùng hụt hẫng và không có cảm giác được tôn trọng.
Sa thải đột ngột mà không có quá trình bàn giao lại công việc
Trong những tình huống cấp bách hoặc đôi khi vì mất bình tĩnh, các nhà quản lý có thể đưa ra những quyết định sa thải vô cùng đột ngột hoặc yêu cầu nhân viên nghỉ việc ngay lập tức. Có thể nói đây là một sai lầm nghiêm trọng có thể đem lại hậu quả lớn. Một nhân viên khi nghỉ việc thường cần đến quá trình bàn giao kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần tuỳ vào vị trí của họ. Yêu cầu họ nghỉ việc ngay sẽ gây thiệt hại cho công ty khi họ vẫn đang nắm giữ nhiều thông tin, tài sản, nội dung công việc trong tay. Khi bị sa thải đột ngột, nhiều khả năng họ sẽ “một đi không trở lại" mà không hề bàn giao công việc, tạo ra nhiều khó khăn cho những người ở lại. Chính vì thế, quyết định sa thải, đuổi việc nhân viên cần phải được cân nhắc, thận trọng, đảm bảo quy trình để có thể hạn chế tối đa những thiệt hại không đáng có.
Ngân Linh
Video được xem nhiều nhất