4 kiểu giao việc cho nhân viên kém hiệu quả

10/12/2019, 09:00

Làm thế nào giao việc cho nhân viên một cách hiệu quả không phải là một kỹ năng đơn giản. Đã không ít người mắc sai lầm dẫn tới ảnh hưởng đến chất lượng và sự phát triển chung của doanh nghiệp, dưới đây là 4 điều điển hình.

Để đảm nhiệm tốt được công việc ở vị trí lãnh đạo, các sếp không chỉ cần kiến thức và kỹ thuật chuyên môn sâu rộng mà quan trọng nhất là tư duy nhận thức cùng với bộ kỹ năng – giải quyết công việc thông minh, hiệu quả. Giải quyết công việc ở đây không phải là trực tiếp tham gia xử lý các vụ việc, mà là thông qua nhân viên cấp dưới để hoàn thành kế hoạch do công ty, tổ chức đề ra. Làm thế nào giao việc cho nhân viên một cách hiệu quả không phải là một kỹ năng đơn giản. Đã không ít người mắc sai lầm dẫn tới ảnh hưởng đến chất lượng và sự phát triển chung của doanh nghiệp, dưới đây là 4 điều điển hình.

Giao quá nhiều việc cùng lúc

Một trong những sai lầm sơ đẳng và đáng nói nhất đó chính là việc liên tục mang đến bàn làm việc nhân viên những sấp giấy tờ, tài liệu với suy nghĩ rằng điều này sẽ khiến cấp dưới ý thức về khối lượng công việc, từ đó có giải pháp sắp xếp hợp lý. Suy nghĩ này là không đúng và rất dễ phản tác dụng khi mà vì căng thẳng, áp lực có thể khiến nhân viêncủa bạn dễ chán nản và cảm thấy không còn tâm huyết khi phải liên tục đối mặt với deadline. Dù cho nếu đảm bảo được khối lượng công việc dồn dập như thế thì chất lượng vẫn sẽ không phải là tối ưu. Thay vì thế, bạn nên thử chia nhỏ và lựa chọn thời điểm hợp lý để giao việc nhằm tránh trường hợp lúc thì nhân viên ít việc để làm, lúc thì quá tải.

Bàn giao công việc không rõ ràng

Bàn giao công việc là quá trình thay đổi nhân sự phụ trách nhóm công việc từ bộ phận tiền nhiệm, bảo đảm sự liên tục trong guồng quay, tránh gây gián đoạn vì những lỗi thường mắc phải ở cả phía bàn giao và phía nhận bàn giao. Thường thì cấp trên sẽ có trách nhiệm giao việc cho nhân viên mới vừa được tuyển dụng về các kết quả trước đó để họ có thể tiếp tục thực hiện. Sai sót gặp phải ở khâu này đến từ thái độ chủ quan của sếp. Chủ quan trong việc không kiểm tra lại một lần nữa những sai sót đối với những tác vụ đã hoàn thành, hoặc chủ quan trong việc để nhân viên nghiệm thu sơ sài, không rõ ràng đối với những tác vụ chưa hoàn thành.

Không hướng dẫn

Sai lầm trên thường sẽ dẫn đến việc nhân viên gặp khó khăn khi tiếp nhận công việc mới, gây khó hiểu và mông lung. Lúc này theo nguyên tắc thì nhân viên sẽ tìm gặp người phụ trách – cấp trên của mình để được giải đáp cụ thể về những thắc mắc trong chuỗi công việc được giao. Trong tình huống này, vì nhiều lý do khách quan hoặc chủ quan khác nhau mà bạn thường sẽ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn một cách qua loa, sơ bộ. Điều này không chỉ không giải quyết thấu đáo những khó khăn của nhân viên mà còn có thể gây ra hiểu nhầm, dẫn tới tình huống nhân viên tiếp nhận và xử lý công việc lệch lạc, không theo như lộ trình kế hoạch ban đầu.

Phân chia công việc trong đội nhóm không phù hợp

Hiện nay, hầu như các sếp đều không làm việc với chỉ từng nhân viên một mà thay vào đó là tổ chức thành các đội, nhóm nhằm thuận tiện trong việc phân chia và giám sát công việc. Thách thức của giải pháp này sẽ liên quan đến lỗi sếp phân chia phần việc không đều cho mỗi cá nhân trong nhóm, dẫn đến những suy diễn lệch lạc liên quan đến thiên vị, thành kiến cá nhân. Bên cạnh đó nếu không thường xuyên tiếp xúc và đồng hành cùng với các thành viên thì cấp trên sẽ rất khó để hiểu được ưu và nhược điểm của mỗi người từ đó dẫn tới sai lầm khi phân chia công việc không đúng năng lực của mỗi người, không tận dụng được thế mạnh chung của đội nhóm dẫn tới không thể tối ưu hóa nguồn lực.

Trên đây là 4 kiểu giao việc cho nhân viên kém hiệu quả từ lãnh đạo. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn có cơ sở nhìn nhận quá trình làm việc của bản thân từ đó áp dụng phù hợp những giải pháp vào mô hình hiện tại ở công ty, doanh nghiệp.

Tiến Huy

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất