”Vua nhạc sến” Vinh Sử tạ ơn đời nghệ sĩ bằng “Hai bàn tay trắng”

Màn Ảnh Sân Khấu - 03/07/2015, 08:30

Đêm nhạc sẽ vinh danh những ca khúc nổi tiếng của ông như “Gõ cửa trái tim”, Đêm lang thang, Qua ngõ nhà em, Nối lại tình xưa…

 Sau thành công của đêm nhạc Nguyễn Ánh 9- “Kỷ niệm” hồi tháng 5, Công ty “Vàng son một thủa”  do ca sĩ Ngọc Châm điều hành, tiếp tục thực hiện chuỗi chương trình vinh danh tác giả, tác phẩm một thời “vàng son” trong ký ức, tình yêu của người nghe nhạc Việt Nam. Và tác giả được vinh danh lần này là nhạc sĩ Vinh Sử với đêm nhạc "Hai bàn tay trắng" sẽ diễn ra vào tối ngày 01/8 tới ở Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhạc sĩ Vinh Sử trong căn nhà nhỏ ở Sài Gòn

  "Hai bàn tay trắng" là chương trình để nhạc sĩ tri ân khán giả và cũng kể câu chuyện đời khốn khó của tác giả.  Cách đây 3 năm, nhạc sĩ Vinh Sử đã có một đêm nhạc riêng tại Cung văn hóa Việt Xô (Hà Nội) thu hút rất đông người yêu mến nhạc của ông tới xem, năm đó là năm ông phát hiện mình bị ung thư đại tràng. Vì đêm nhạc, ông tạm dừng việc điều trị để thực hiện xong chương trình mới quay lại Sài Gòn để mổ. Những tưởng như vậy là… xong, nhưng đến năm ngoái ông phát hiện căn bệnh của mình đã di căn, phải mổ lại và điều trị tích cực. Năm nay, sau 3 năm, sau đợt chữa trị, sức khỏe của ông đã ổn định hơn, ông có thể đi lại được, tự nấu nướng chăm sóc cho chính mình. Ông lạc quan tin rằng, với sự ổn định thời điểm hiện tại sẽ giúp ông làm được nhiều việc hơn trong sự nghiệp âm nhạc của mình ở những năm tháng mà không biết điều gì có thể xảy ra phía trước này.

 Mấy năm nay, sức khỏe yếu, bệnh triền miên khiến ông phải ra vào bệnh viện Gia Định như cơm bữa. Bao nhiêu tiền có được đều đổ vào thuốc thang, điều trị. Vợ cũ, người chăm sóc ông khi ông đau ốm thường kể, hai ông bà phải tằn tiện từng xu một để có tiền cho ông trị bệnh. Hoàn cảnh đáng thương của người nhạc sĩ đã khiến các nghệ sĩ ở Việt Nam và ngoài nước chung tay góp sức giúp ông trị bệnh. Nhạc sĩ Vinh Sử tâm tình, tuy khó khăn nhưng ông thấy mình may mắn hơn rất nhiều người, bởi ông luôn nhận được sự giúp đỡ của người hâm mộ, của các nghệ sĩ từ trong và ngoài nước, điều đó giúp ông thấy luôn yêu đời và biết ơn đời nghệ sĩ. Dù rằng, đến giờ này người nghệ sĩ nghèo như ông sống cô đơn trong căn nhà nhỏ chỉ có 15m2 ở con ngõ nhỏ tại Sài Gòn, nhưng ông luôn thấy mình rất “giàu” từ tình yêu thương của mọi người dành cho mình. Ông cũng mong, đêm nhạc “Hai bàn tay trắng” là một lời tri ân đến những khán giả yêu thương ông, những nghệ sĩ, bè bạn đã luôn bên cạnh khi ông khốn khó.

Ca khúc “Hai bàn tay trắng” là ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Vinh Sử, là câu hát cửa miệng của rất nhiều người, nhưng dường như cũng vận vào đời sống của ông. Từng nổi tiếng là một nhạc sĩ hái ra tiền nhờ bán nhạc, từng nổi tiếng đào hoa vì yêu nhiều và cũng có tới 4 đời vợ, nhưng cuối cùng, với ông giờ là “hai bàn tay trắng”, không có người vợ nào bên cạnh, người vợ thứ 4 chỉ thường đến chăm sóc khi ông đau bệnh, bởi bà cũng có cuộc sống riêng của mình, con cái mỗi đứa mỗi đời sống, còn ông lủi thủi một mình. Các con cũng khó khăn, nên khi đau ốm bệnh tật ông thường tự xoay sở bằng tiền tác quyền, bạn bè, nghệ sĩ, người hâm mộ hỗ trợ. Ông biết ơn cuộc đời, người yêu nhạc, các nghệ sĩ khi mà đến giờ ông vẫn được nhận tiền tác quyền hàng tháng với các sáng tác của mình, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để ông trang trải phần nào viện phí, lo cho cuộc sống riêng.

 Đau ốm, khó khăn là thế nhưng người nhạc sĩ nghèo vẫn rất lạc quan, ông không sợ bệnh tật, không sợ cuộc sống phía trước mình dài hay ngắn, ông chỉ sợ mình không còn sáng tác được nữa. Với ông, âm nhạc là cuộc đời, là “thuốc” chữa của ông khi đau ốm. Ông nói, chính trong những ngày đau bệnh là quãng thời gian ông viết được nhiều nhất, hiện tại ông đang cho thu âm các tác phẩm của mình để chuẩn bị ra tuyển tập trong thời gian sắp tới. Tại đêm nhạc “Hai bàn tay trắng”, nhạc sĩ Vinh Sử cũng sẽ giới thiệu một số ca khúc mới của mình.

 Sau 3 năm trở lại Hà Nội, nhạc sĩ Vinh Sử rất hồi hộp, mong ngóng đêm nhạc lần này. Ông nói: “Cuộc sống của tôi không còn bao nhiêu nữa, người nhạc sĩ như tôi thì luôn khao khát có được những đêm nhạc của mình như thế, tôi cảm thấy vinh hạnh, hạnh phúc khi người ta vẫn còn nhớ đến nhạc của tôi”.  Khi biết Công ty Vàng son một thuở sẽ thực hiện đêm nhạc cho mình tại Hà Nội, ông đã hạnh phúc đến nỗi không hỏi bất cứ điều gì về quyền lợi của mình mà chỉ lo lắng làm sao đi lại cho khỏe và an toàn vì sức khỏe của ông không được như xưa. Nhạc sĩ Vinh Sử đã khỏe lại hơn nhiều sau lần điều trị tích cực cách đây một thời gian, ông đang cố gắng giữ sức khỏe thật tốt để  ra Hà Nội với đêm nhạc. Trong đêm nhạc, chính ông sẽ làm người dẫn chuyện, trực tiếp kể về cuộc đời, âm nhạc và số phận của mình. Ông chia sẻ, do đau yếu triền miên lâu nay nên ông không còn minh mẫn như xưa nữa, nhưng, ông tin vẫn sẽ kể được cho khán giả Hà Nội đủ đầy những câu chuyện cuộc đời, âm nhạc mà ông lưu giữ mãi mãi trong vùng nhớ của mình.
  
 Chương trình hy vọng, dưới bàn tay đạo diễn nghệ thuật của nhạc sĩ Nguyễn Quang, nhạc Vinh Sử sẽ được khoác những “tấm áo mới” khi bước vào “thánh đường” Nhà hát lớn. Nhạc sĩ Vinh Sử luôn coi các sáng tác của mình là dành cho người nghèo nên ca từ khá bình dị, thân thuộc với đời sống số đông công chúng bình dân, khi bước vào Nhà hát lớn, những “tấm áo mới” của nhạc Vinh Sử sẽ rất đáng để người yêu nhạc của ông đón chờ.

Bảo Khánh từ hải ngoại về biểu diễn trong đêm nhạc của nhạc sĩ Vinh Sử

 Liveshow “Hai bàn tay trắng” sẽ vinh danh những ca khúc nổi tiếng của ông như: Gõ cửa trái tim, Đêm lang thang, Qua ngõ nhà em, Nối lại tình xưa… Đặc biệt, chương trình sẽ có một số ca khúc mới sáng tác mà nhạc sĩ Vinh Sử mới sáng tác thời gian gần đây. Góp mặt trong chương trình là các giọng ca đặc biệt yêu mến nhạc Vinh Sử như Lệ Quyên, “gà cưng” của trung tâm nhạc hải ngoại Thúy Nga- ca sĩ Bảo Khánh, danh hài Chiến Thắng, ca sĩ Ngọc Châm, Hạ Vân, Quang Tám, Bách Nguyễn…

Được biết nhạc sĩ Vinh Sử có đêm nhạc riêng tại Hà Nội, ca sĩ Bảo Khánh của trung tâm Thúy Nga đã sẵn sàng thu xếp để về nước tham gia chương trình bằng được. Nổi tiếng với giọng hát ngọt ngào, từng tạo thành một hiện tượng “chấn động” trong cuộc tuyển chọn ngôi sao mới của trung tâm Thúy Nga, Bảo Khánh rất yêu các tác phẩm của Vinh Sử và với anh, đây là cơ hội hiếm có để anh có thể hát trong chương trình của người nhạc sĩ anh yêu mến.  

Ngọc Châm

Nữ ca sĩ Ngọc Châm cho biết, việc thực hiện các đêm nhạc, kinh doanh âm nhạc hiện tại rất khó khăn, vất vả do thị trường âm nhạc đang trong giai đoạn bão hòa, nhưng cô vẫn quyết tâm thực hiện “giấc mơ” của mình là vinh danh những nhạc sĩ, nghệ sĩ tài hoa, những tác phẩm “vàng son” trong chuỗi chương trình “Vàng son một thủa” này. Bởi, theo cô, những nhạc sĩ, nghệ sĩ và các tác phẩm “vàng son” ấy luôn cần nhắc lại, để người nghe luôn ghi nhớ, giữ gìn trong đời sống âm nhạc hôm nay.

 

 

Đôi nét về nhạc sĩ Vinh Sử

Nhạc sĩ Vinh Sử tên đầy đủ là Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944 tại quận 4, Sài Gòn. Cha mẹ của ông từ Hà Tây đi làm phu đồn điền cao su cho Pháp, lưu lạc vào miền Đông Nam Bộ trong thập niên 1940. Sau đó gia đình tìm về Sài Gòn, sinh sống bằng nghề làm lò bún trong một xóm lao động nghèo ở quận 4. Gần 10 tuổi ông mới đi học (lớp một bây giờ), ông là người duy nhất trong số 4 anh chị em trong gia đình được đi học.


Học hết lớp nhất (khoảng 15 tuổi) thì Vinh Sử bỏ học vì mê nhạc. Âm nhạc như đã có sẵn trong máu của ông từ kiếp nào. Vừa học nhạc, ông vừa mua sách hướng dẫn sáng tác nhạc để học cách sáng tác. Sau một năm học nhạc, Vinh Sử âm thầm tập sáng tác, những tác phẩm của ông nói về sự chia ly, những mất mát của tình yêu đôi lứa. Hình như trong tất cả nhạc phẩm nói về tình yêu của ông chỉ có những nhớ nhung, đau thương, mỗi người một ngả, yêu và không được yêu... Các bản nhạc: Gái nhà nghèo, Hai bàn tay trắng, Người phu kéo mo cau, Nhẫn cỏ cho em... đã được ông sáng tác từ trong những ngày đầu tập tành làm nhạc sĩ. Sau đó ông trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng, được mệnh danh là “vua nhạc sến”, có những thời kỳ huy hoàng ông từng làm “vua một đêm” ở các nhà hàng sang trọng bậc nhất Sài Gòn, chi phí mỗi đêm cả chục lượng vàng.
Vinh Sử thích viết boléro vì nó gần với ông và cũng bởi nó gần với những người cùng kiếp nghèo như ông. Dễ nghe, dễ thuộc, dễ ca theo mà đồng cảm thân phận vô cùng. Ông cũng chẳng buồn khi ai đó chê nhạc của ông sến sẩm, quê mùa. Bởi, mỗi người có thế giới quan, sở thích, tâm tư tình cảm khác nhau.

 

 

 

 

 L.V

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất