Váy bị chê "nhái" của Đỗ Mạnh Cường bán giá 100 triệu đồng

Ione - 18/06/2015, 17:06

Trước những lời chê trang phục do mình làm ra là hàng nhái, nhà thiết kế tiết lộ giá bán và khẳng định, khách hàng mới là người quyết định thành công hay thất bại của một thương hiệu.

Là một trong số nhà mốt Việt định giá sản phẩm khá cao trên thị trường trong nước, một bộ váy đơn giản của Đỗ Mạnh Cường có giá trung bình từ 10 triệu đồng trở lên. Những trang phục giới hạn về số lượng hoặc càng cầu kỳ thì giá càng cao. Đỗ Mạnh Cường cho biết anh tổ chức show thời trang thường là để thỏa mãn đam mê nghệ thuật và tri ân khách hàng. Nhà thiết kế cũng đề ra nguyên tắc không bao giờ "sale off" hàng của mình, và không cho nghệ sĩ mượn trang phục đi sự kiện. Các ngôi sao dự show của anh tại Mỹ hôm 14/6 vừa qua là những khách hàng thân thiết từ trước tới nay.

Mặc dù bộ sưu tập "La vie en rose" mới trình diễn được đánh giá là không có nhiều ý tưởng đột phá, đồng thời nhiều sản phẩm bị so sánh là "copy" các thương hiệu quốc tế, Đỗ Mạnh Cường vẫn tự tin về đầu ra của loạt trang phục mới này. "Khách hàng ủng hộ tôi vì họ hiểu rõ giá trị của trang phục mà họ mua từ tôi", nhà thiết kế 34 tuổi khẳng định.

Nhà thiết kế chia sẻ, đã có hai bộ váy phiên bản độc bản nằm trong bộ sưu tập được bán với giá 5.000 USD do hai vị khách đang sống ở Mỹ mua ủng hộ anh. Đây cũng là mức giá cao nhất trong bộ sưu tập. "Hai khách hàng này đã đặt mua đồ của tôi mặc trong show diễn, sau show, họ thấy thích nên đã mua thêm mỗi người 10 bộ. Tổng cộng, tôi đã bán khoảng 150 bộ váy trước và sau khi diễn show".

 

top-8270-1434614179.jpg

Bộ váy của vị khách bên trái có giá 5.000 USD, còn bộ váy tím đã được bán với giá 3.500 USD. Đỗ Mạnh Cường chia sẻ, đây là hai trong những khách hàng thân thiết của anh.

Về những ồn ào sau đêm diễn, nhà thiết kế chia sẻ cảm giác mệt mỏi khi cho rằng những ý kiến tố "đạo, nhái" đó xuất phát từ những người không am hiểu về thời trang và xu hướng. Đỗ Mạnh Cường giải thích: "Váy dạng cape của Hà Kiều Anh mặc và kiểu váy mullet bị cho giống với trang phục của nữ diễn viên Caitlin Fitzgerald thật ra là những phom dáng hết sức quen thuộc trên thế giới. Nhưng cách cắt và chi tiết của mỗi nhà thiết kế khác nhau. Nếu so sánh kiểu đó thì đã có hàng ngàn thương hiệu nổi tiếng 'nhái' nhau rồi. Riêng bộ váy đen đính hoa hồng trắng mà tôi làm cho Kim Thoa, trước show chị ấy cũng có bảo tôi là bị 'đụng hàng' thương hiệu khác. Tôi rất ngạc nhiên và khẳng định, bộ này tôi làm riêng cho chị ấy. Tôi cũng đã định bỏ đi thiết kế này, nhưng nghĩ lại mình không làm gì sai". 

Trước nhiều ý kiến cho rằng show diễn tại Mỹ vừa qua kém xa những buổi trình diễn trước của Đỗ Mạnh Cường về mức độ đầu tư, nhà thiết kế giải thích: "Tôi chọn một không gian vừa phải để phục vụ đối tượng khách hàng Việt kiều mà mình đang hướng tới. Tôi mời 1.000 khách cũng được, nhưng bao nhiêu người trong đó sẽ thích và mua đồ của mình? Thêm nữa, đây là show diễn hướng về thiên nhiên, tận dụng ánh sáng, sân khấu ngoài trời nên tôi dàn dựng đơn giản theo xu hướng thế giới. Nếu ai nói tôi thiếu đầu tư thì xin nhẩm tính con số mà tôi vận chuyển trang phục và ê-kíp từ Việt Nam sang Mỹ, chỉ để phục vụ cho show diễn hơn 30 phút. Tôi nghĩ không phải ai có tiền cũng đủ quyết tâm để làm điều này".

Khi giá trị các trang phục bị cho là "đạo nhái" của Đỗ Mạnh Cường được tiết lộ với mức tiền lên tới vài nghìn USD, một số tín đồ thời trang Việt đã phản ứng.

Nhà văn Vũ Phương Thanh (Gào) chia sẻ: "Chuyện các thương hiệu 'ăn liền' như Zara, Topshop... nhái 'ông lớn' là điều bình thường, bởi ai cũng muốn được mặc đồ đẹp nhưng không phải ai cũng có nhiều tiền. Mỗi thương hiệu đều có một phân khúc khách hàng nên các nhà mốt lớn cũng không lo bị cạnh tranh. Nhưng bỏ ra mấy trăm triệu để có một bộ đầm thiết kế Việt nhái Dior, Dolce, Givenchy, Lanvin... thì tôi hoàn toàn không hiểu được".

 

235etz-8809-1434603886.jpg

Trong những năm gần đây, họa tiết hoa được rất nhiều nhà mốt quốc tế ưa chuộng và đưa vào bộ sưu tập của mình. Năm nay, nó là một trong những xu hướng nổi trội nhất.

Đồng tình với suy nghĩ của nhà văn Vũ Phương Thanh, cựu giám khảo Vietnam's Next Top Model mùa đầu tiên - diễn viên Đức Hải - trải lòng: "Các nhà thiết kế Việt khi được hỏi đều cho rằng đó là sự trùng lặp ý tưởng hay đi theo xu hướng chung. Nhưng điều kỳ lạ là ý tưởng của họ luôn trùng sau một mùa hay một vài năm so với các nhà mốt thế giới". Theo nam diễn viên, nếu đã học và lấy ý tưởng thì nên nói rõ từ đầu, như vậy không ai có thể lên án hay trách móc.

Đức Hải nhìn nhận Đỗ Mạnh Cường đã thành công về thương mại khi mang bộ sưu tập của mình sang Mỹ để trình diễn trong show riêng, điều mà chưa nhà thiết kế Việt nào làm được. Nhưng điều đó vẫn không có nghĩa vị trí của thời trang Việt sẽ tiến xa thêm một bước trên bản đồ làng mốt thế giới khi chúng ta không tuân thủ về luật sáng tạo và bản quyền. Nam diễn viên khẳng định, anh nói ra điều này với tư cách một người "đóng góp cho nghành nghề thời trang suốt bao năm và không muốn người Việt mất đi văn hóa mặc".

Theo VnExpress

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất