Trần Lập: "Vì sự sẻ chia cần được lan toả"
Ngày 16/1 tới đây, ban nhạc Bức Tường và các nghệ sĩ sẽ tổ chức đêm nhạc Đôi bàn tay thắp lửa tại Hà Nội với mục đích ủng hộ nhạc sĩ/ca sĩ Trần Lập.
Dự kiến trong đêm nhạc tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Trần Lập sẽ trở lại sân khấu cùng những người bạn mà anh đã gắn bó nhiều năm qua trong ban nhạc Bức Tường. Những ngày này, tranh thủ giữa các buổi xạ trị, Trần Lập đã có thể tới phòng tập cùng ban nhạc.
- Tôi được biết, khi có ý định tổ chức đêm nhạc này, anh em trong ban nhạc cũng khá băn khoăn vì e anh sẽ không đồng ý...
- (cười) Anh em ban nhạc bị "lo xa", chưa hỏi đã lo tôi từ chối. Chứ thực ra khi mọi người nói chuyện, tôi đã đồng ý ngay.
Thực ra ngay từ những ngày tôi mới ốm, đã có nhiều nhóm anh em, bạn bè đã có ý định thực hiện những chương trình, đêm nhạc ủng hộ tôi. Và thực tế là ở TP HCM, mọi người đã làm một cách hoàn toàn chủ động. Tấm chân tình đó, tôi luôn ghi nhận bởi lúc khó khăn, mới hiểu hết cái tình của mọi người với mình ra sao.
Lúc ốm thôi, chưa cần nói là ốm nặng, người ta thường có suy nghĩ muốn làm việc này việc kia. Tôi cũng vậy, có cả một danh sách những việc mình muốn và sẽ làm sau khi khoẻ lên. Nhưng điều tôi mong muốn nhất là quay trở lại sân khấu biểu diễn, dù chỉ một lần cuối... Và đêm nhạc này chính là thoả được điều mong muốn đó của tôi.
Hình ảnh đầy lạc quan của rocker Trần Lập trước giờ lên bàn mổ đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Ảnh: NVCC |
- Vốn là thủ lĩnh của Bức Tường, người quán xuyến các công việc tổ chức của ban nhạc, lại từng đứng vị trí đạo diễn nhiều rock show lớn, lần này anh có tham dự nhiều vào công việc tổ chức chương trình?
- Không. Lần này thì tôi chịu! (cười) Anh cũng thấy những người đứng ra tổ chức đều là người quá uy tín và tài năng, thậm chí là đàn anh của tôi như anh Phạm Hoàng Nam, anh Quốc Trung, anh Thanh Phương... Các anh ấy và những bạn bè khác đứng ra tổ chức rồi thì chắc chắn là tôi cứ việc yên tâm mà lên hát thôi, còn khán giả có thể yên tâm về một live show rất chất lượng.
Tất nhiên, một lý do quan trọng là điều kiện sức khoẻ không cho phép tôi bao đồng cả công việc tổ chức. Hiện nay, nhiệm vụ của tôi là yên tâm tập trung điều trị, giữ gìn sức khoẻ để có thể lên sân khấu cùng anh em vào tối 16/1.
- Anh bắt đầu có những buổi tập cùng ban nhạc Bức Tường. Chủ quan mà đánh giá, anh thấy có thể yên tâm về thể lực để trở lại với những khán giả đang chờ đợi mình không?
- Bệnh tật và sức khoẻ thì không thể nói trước được điều gì. Nhưng sau mấy buổi tập gần đây, tôi thấy mọi thứ tiến triển tốt. Vì tôi sẽ không hát nhiều bài mà cơ bản các ca khúc mình đều đã quá quen thuộc nên làm việc với anh em vẫn bình thường như mọi khi.
Nhưng vất vả chính là anh em trong ban nhạc Bức Tường. Tập bài cho tôi hát chỉ là một phần nhỏ của khối lượng công việc mọi người phải làm vì sẽ có nhiều ca sĩ cùng lên sân khấu trong đêm diễn.
Trong những ngày khó khăn nhất, Trần Lập luôn có gia đình và bạn bè bên cạnh, đồng hành trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Ảnh: Đ.B |
- Thực ra thì cũng có ý kiến cho rằng Đôi bàn tay thắp lửa nên là đêm nhạc của các ban nhạc rock, đúng tính chất thể loại âm nhạc của Bức Tường và bản thân anh hơn. Anh nghĩ sao về điều đó?
- Trước hết, đừng phân loại âm nhạc và cũng đừng nghĩ rằng cứ phải là các ban nhạc mới là rock. Tôi đang tò mò lắm nhưng cũng rất tin tưởng rằng chính mình, ở vai trò một khán giả, sẽ được thăng hoa khi chị Thanh Lam, Hồng Nhung hay Tùng Dương rock!
Một điều nữa, đó là ý nghĩa của đêm nhạc. Đôi bàn tay thắp lửa là đêm nhạc ra đời từ tinh thần chia sẻ giữa những người bạn, người anh em và người nghệ sĩ với nhau. Chúng tôi không phân biệt chúng tôi theo đuổi thứ âm nhạc nào, điều gắn kết chúng tôi trong chương trình nghệ thuật này chỉ duy nhất là cái tình người đó thôi.
- Lý do nào khiến anh chọn mời 4 ban nhạc rock Oringchains, Microwave, Cát và SmallFire mà không phải nhiều ban nhạc không kém phần nổi tiếng khác ở Việt Nam?
- Chính xác là tôi không mời mà ban tổ chức mời. Nhưng cũng dễ lý giải thôi. Họ đều là các ban nhạc và rocker thân thiết với tôi nhiều năm qua. Tôi biết rất nhiều anh em nghệ sĩ và ban nhạc khác cũng rất nhiệt tình tham gia chương trình. Nhưng có lẽ sẽ là "làm khó" cho ban tổ chức trong việc xây dựng kịch bản nếu danh sách nghệ sĩ quá dài.
- Tôi được biết anh đã đề nghị ban tổ chức rằng mình chỉ nhận một phần khoản thu từ đêm diễn còn lại dành tặng một quỹ hoạt động vì bệnh nhân ung thư. Vì sao anh không nhận hết tấm lòng của mọi người?
- Bởi vì sự sẻ chia cần được lan toả.
Tôi may mắn hơn rất nhiều người khác đang mắc ung thư, đó là khi mình bị bệnh, bạn bè và mọi người xung quanh có thể xúm vào giúp đỡ, hỗ trợ mình. Biết như thế, làm sao mình có thể nhận tất cả tấm lòng của mọi người. Chia sẻ tấm lòng của mọi người với những người kém may mắn hơn mình là điều chắc chắn tôi phải làm.
Thú thực là tôi cũng chưa có kế hoạch cụ thể như thế nào. Nhưng tôi muốn hỗ trợ các cháu bé không may mắc phải căn bệnh quái ác này. Ở trong viện điều trị, điều khiến mình không thể cầm lòng chính là hình ảnh các con phải chống trọi với bệnh tật. Đôi khi nhìn hình ảnh các con, mình thấy thật sự bất lực. Vì thế có cơ hội, tôi muốn giúp gia đình các bệnh nhân nhi được phần nào cũng quý.
"Cả cuộc đời mình chỉ nhường người khác, vậy mà có lúc người khác phải nhường mình." Ảnh: NVCC |
- Hình ảnh anh đầy tự tin đối diện với bệnh tật được coi là một hình ảnh đẹp của đời sống văn nghệ trong nước năm qua. Thực sự cho tới nay, có bao giờ anh mất tinh thần trong cuộc chiến với ung thư?
- Có chứ, tránh sao nổi. Đau đớn về thể xác khi điều trị là rất kinh khủng. Nhưng cuộc chiến đấu về tinh thần còn lớn hơn nhiều.
Tôi không sốc vì chuyện đang là chân chạy mà phải nằm một chỗ. Thực ra, thời gian rồi mình cũng đi nhiều quá, cũng mỏi và cũng cần ngừng lại một chút.
Nhưng khi nằm một chỗ trong bệnh viện, tất cả những gì mình nhìn thấy chỉ là cái trần nhà và những thứ máy móc, thuốc men xung quanh. Không tránh được có lúc mình cảm thấy chán.
Trong thời gian sau phẫu thuật, có lúc tôi phải ngồi xe đẩy. Một lần khi vào thang máy, mọi người phải nhường cho tôi vào trước. Điều đó khiến tôi rất sốc. Cả cuộc đời mình chỉ nhường người khác, vậy mà có lúc như thế này, người khác phải nhường mình.
- Điều gì giúp anh vượt qua những "thử thách tâm lý" đó để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật?
- Gia đình và người thân. Là người đàn ông trong gia đình, tôi không thể gục ngã dễ dàng. Nhất là khi bên cạnh mình có một người vợ rất vững vàng. Từ khi tôi ốm tới nay, cô ấy chưa hề một lần yếu đuối. Không cần lời nói nào mà chính sự vững vàng của cô ấy đã truyền rất nhiều sức mạnh cho tôi.
Trong những thời khắc đối diện "thách thức tâm lý", tôi luôn tự bảo mình: "Không thể như thế này được." Và tôi bắt đầu hướng suy nghĩ tới những kế hoach cuộc sống của mình. Hôm nay sẽ làm gì, mai sẽ làm gì, tuần sau sẽ làm gì và xa hơn nữa. Đó là cách để chúng ta không nghĩ tới những điều tiêu cực và để lý trí sáng suốt trong cuộc chiến khó khăn.
Video được xem nhiều nhất