Tại sao thu tiền bản quyền ca khúc "Tiến quân ca"?
"Biểu diễn bài "Tiến quân ca" trong một chương trình biểu diễn thì phải trả tiền bản quyền cho tác giả" - nhạc sĩ Phó Đức Phương cho hay.
Liên quan đến việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đề xuất thu tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao, sáng 20/8, nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc VCPMC giải đáp rõ vấn đề này.
Ông Phó Đức Phương cho biết:
“Hiện nay chúng ta đang mặc nhiên nếu hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao lúc chào cờ thì thôi, chưa thu tiền, nhưng mà ví dụ bây giờ biểu diễn bài Tiến quân ca trong một chương trình biểu diễn các ca khúc cách mạng, có nhiều ca khúc như Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng…trong đó có bài Tiến quân ca thì vẫn phải trả tiền bản quyền cho tác giả.
Còn nếu cử hành bài Quốc ca Tiến quân ca theo theo nghi lễ bình thường thì từ xưa đến nay chưa bao giờ thu tiền. Nghĩa là nếu hát bài Tiến quân ca trong nghi thức chào cờ thì không thu tiền. Chỉ thu tiền khi biểu diễn như những bài hát bình thường khác.
Nhạc sĩ Văn Cao - tác giả Tiến quân ca. Ảnh tư liệu |
Sử dụng ca khúc Tiến quân ca trong một chương trình biểu diễn thông thường thì phải thu tiền chứ. Không thể có chuyện trong một chương trình biểu diễn, các ca khúc khác thì phải trả phí bản quyền, mà riêng ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao lại bị cắt ra, không phải trả tiền bản quyền được. Khi mà bài hát Tiến quân ca được biểu diễn trên sân khấu như một chương trình bình thường khác thì phải cho tác giả (cố nhạc sĩ Văn Cao – PV) được hưởng tiền bản quyền chứ?
Thực ra, ở các nước khác trên thế giới, ví dụ ở Hàn Quốc, cứ sử dụng tác phẩm âm nhạc của tác giả nào là phải trả tiền bản quyền cho tác giả đó. Cho đến khi tác giả tình nguyện hiến tặng ca khúc của mình cho Nhà nước”.
Ông Phó Đức Phương cũng cho biết, trước đây gia đình nhạc sĩ Văn Cao từng đề nghị được hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho Nhà nước. Nhưng phía cơ quan Nhà nước lại không có câu trả lời đáp lại nguyện vọng đó, mà khi sử dụng ca khúc này thì cứ mặc nhiên không trả tiền bản quyền.
“Vậy thì cứ theo nếp cũ, nếu bài hát Tiến quân ca được cử hành trong các nghi lễ thì nhạc sĩ Văn Cao không hưởng tiền bản quyền. Còn nếu trong một chương trình biểu diễn nghệ thuật thì ca khúc này phải được hưởng tiền bản quyền bình đẳng như các ca khúc cách mạng và những bài hát khác.
Thông thường cũng không mấy chương trình lựa chọn ca khúc này để biểu diễn, nhưng nếu có một chương trình nào đó có sử dụng ca khúc này như là một bài hát nghệ thuật trong chương trình biểu diễn thì phải trả tiền bản quyền”, ông Phó Đức Phương khẳng định.
Video được xem nhiều nhất