Phát hiện bất ngờ, nước tiểu của người giúp xây bê tông trên Mặt Trăng
Theo như công bố của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), nước tiểu của con người có thể trở thành nguồn vật liệu hữu ích cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên Mặt Trăng.
Phi hành gia Edwin Aldrin trên căn cứ Tranquility tại mặt trăng, thuộc sứ mệnh Apollo 11 của NASA vào tháng 7/1969 (Ảnh: Space Frontiers)
Gần đây, các nhà khoa học của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã tiết lộ kết quả bất ngờ của một nghiên cứu cho thấy hợp chất hữu cơ chính trong nước tiểu người là urê có thể giúp hỗn hợp 'bê tông Mặt Trăng' trở nên mềm và dễ tạo hình hơn trước khi đông cứng lại thành khối rắn.
Nghiên cứu cho biết: 'Nhờ vào những cư dân tương lai trên Mặt Trăng, lượng 1,5 lít chất thải lỏng của một người mỗi ngày có thể trở thành một dạng sản phẩm phụ hỗ trợ cho công cuộc khám giá vũ trụ của con người' .
Trăng tròn được chụp tại vùng Taunus, gần Frankfurt, Đức (Ảnh: Michael Probst)
Thành phần chủ đạo trong 'bê tông mặt trăng' là loại đất bột được tìm thấy trên bề mặt vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất, được biết đến với tên gọi lớp đất mặt (Regolith) Mặt Trăng. Theo như nghiên cứu của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, urê có thể phá vỡ các liên kết hydro và giảm độ nhớt của hỗn hợp chất lỏng, từ đó giúp cắt giảm đi tổng lượng nước cần dùng.
Cơ quan này cũng lưu ý rằng trong tương lai, nếu căn cứ đặt trên Mặt Trăng được xây dựng, các nhân sự sẽ cần tận dụng các nguyên vật liệu có sẵn tại chỗ để tạo thành bê tông, nhằm giảm thiểu tối đa nhu cầu tiếp tế từ Trái Đất.
Một trong số các tác giả của nghiên cứu, cô Marlies Arnhof chia sẻ: 'Đây là một ứng dụng rất thực tế, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống tái chế lượng nước đã qua sử dụng trong không gian' .
Không chỉ phát huy tác dụng trên Mặt Trăng, hiện nay ở Trái Đất, urê cũng đang được sử dụng rộng rãi như một loại phân bón công nghiệp và là nguyên liệu thô cho nhiều công ty hóa học và y học trên thế giới.
Theo vtv.vn
Video được xem nhiều nhất