NS Dương Thụ: Nhiều giọng hát karaoke đang làm mưa gió Vpop
Nhạc sĩ "Họa mi hót trong mưa" hoang mang khi có nhiều giọng ca chỉ ở trình độ hát karaoke nhưng lại nổi đình nổi đám trong làng nhạc Việt.
Cửa sổ âm nhạc khui lại những thứ bỏ quên
- Thời buổi kinh tế khó khăn, ca sĩ, nhà tổ chức đều ngại tổ chức show lớn, đậm chất nghệ thuật vì sợ lỗ. Trong khi đó, ông làm Cửa sổ âm nhạc 3 với dàn sao, mời ban nhạc Anh em và dàn nhạc dây 22 người, tổ chức trong không gian sang trọng của Nhà hát Lớn. Nhạc sĩ nghĩ sao khi có nhận xét rằng: Dương Thụ quá xa xỉ?
- Nếu tôi có nhiều tiền thì phải “xa xỉ” hơn nữa mới có thể gọi là chúng ta tôn trọng người nghe. Ít tiền đành phải thế thôi, nếu không những người nghe nhạc của tôi sẽ thấy ngay là vị này nói có vẻ tử tế, nhưng làm chương trình cũng.... “rẻ tiền”.
Tôi làm chương trình không có mục đích thương mại nên cố làm sao không phải bỏ tiền túi là được. Các ca sĩ đến hát trong chương trình tôi cũng vậy. Họ đến với tôi không phải để kiếm tiền. Nếu bán hết vé tôi cũng như mọi người có tiền để “cà phê cà pháo”.
Bằng không tôi coi như bị tai nạn. Mà tai nạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng sống, gặp nạn cũng là bình thường. Tôi gặp nạn nhiều nên cũng quen dần. Với tôi, làm được điều mình muốn là thứ quan trọng nhất. Mỗi năm được gặp và làm nghệ thuật cùng các thành viên trong “gia đình âm nhạc” một lần, được đến với công chúng ít ỏi một lần, thế là tôi toại nguyện rồi.
Ở tuổi 73, nhạc sĩ Dương Thụ vẫn say mê làm việc. |
- Ông có thể chia sẻ chương trình Cửa sổ âm nhạc 3 (diễn ra vào ngày 13/12) sẽ mở ra những mới mẻ gì so với 2 cửa sổ âm nhạc trước?
- Năm 2012, nghĩa là lúc bước vào tuổi 70 tôi mới nghĩ tới việc mở “cửa sổ âm nhạc” của riêng mình, khi ấy mới “lục lọi” vào chút gia tài để quên nhiều năm và thấy nó cũng không đến nỗi nào. Tôi cùng các bạn trong ê-kíp mở tiếp những cửa sổ mới, để “khui” dần ra nhiều thứ bỏ quên, nhiều thứ còn cất trong ngăn kéo. Vì vậy, phần âm nhạc của Cửa sổ thứ 3 này sẽ khác với hai cửa sổ trước. Và những bạn bè trong “gia đình âm nhạc” của tôi cũng có chút ít thay đổi. Có người lần trước bận không về được thì lần này sẽ tham gia như Bằng Kiều. Lại có người bận, lần này đành vắng như Hồng Nhung…
- Ông sống ở TP HCM, các bài hát của ông từng làm mưa làm gió bảng xếp hạng Làn sóng xanh trước đây như "Bài hát ru cho anh", "Vẫn hát lời tình yêu", "Cho em một ngày"... Vậy tại sao ông chỉ tổ chức Cửa sổ âm nhạc tại Hà Nội?
- Như đã nói, tôi làm Cửa sổ âm nhạc không vì mục đích thương mại, nhưng có những yêu cầu riêng đối với âm nhạc và khán giả của mình, từ không gian thưởng thức, dàn nhạc, nghệ sĩ… Nhà hát Lớn Hà Nội là không gian thích hợp nhất cho những gì tôi cần và muốn thực hiện chương trình để khán giả được “nghe” nhạc.
Ngoài ra, các thành viên “gia đình âm nhạc” của tôi phần lớn cũng ở ngoài đó nên việc chuẩn bị, luyện tập, dàn dựng cũng thuận lợi hơn. Tuy vậy, tôi vẫn mơ có ngày được làm chương trình một cách tử tế ở TP HCM, nơi mình sống và làm nghệ thuật 38 năm, nơi có người nghe nhạc của mình dù không nhiều.
- Trong khi các nhà tổ chức khác phải rất khó khăn mới mời được các diva hát trong chương trình, trả cát-xê cao. Còn với nhạc sĩ thì họ lại ngỏ lời muốn được hát trong live show của ông. Phải chăng ông rất có uy với các diva, divo?
- Có uy thì không phải. Các cô các cậu ấy nổi tiếng hơn tôi, giàu có hơn tôi, quan hệ xã hội tốt hơn tôi, tôi có đáng gì mà họ phải sợ. Ở đây là chữ tình, sự chân thành và nghiêm khắc trong việc làm nghệ thuật cho ta nhiều thứ. Sống là cộng sinh chứ không phải là đổi chác. Được làm nghệ thuật cùng một người như tôi có lẽ không đến nỗi làm cho các bạn ấy cảm thấy thiệt thòi hoặc bị xấu hổ. Bạn cứ thử hỏi họ xem.
Nhạc sĩ bên những thành viên trong "gia đình âm nhạc" của mình: Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo. |
Người hát không có hồn vía mà mơ làm ca sĩ thì không ổn
- Ở vai trò nhà sản xuất, ông khá mát tay khi phát hiện tài năng của các ngôi sao từ rất sớm, giúp họ khẳng định vị thế. Tuy nhiên, rất nhiều ca sĩ muốn được ông làm sản phẩm nhưng nhạc sĩ rất khó tính trong việc lựa chọn người hợp tác, vì sao vậy?
- Sống dễ dãi nên thấy người làm đúng thì coi là khó tính? Dư luận kiểu này chắc phải xem lại. Tôi không khó tính đâu. Chỉ là muốn làm cái gì cũng phải đúng người, đúng việc. Người hát không có hồn vía mà mơ làm ca sĩ thì không ổn. Tôi không tìm cách dụ họ làm album để lấy tiền mà thường khuyên họ: “Nếu cháu thích hát thì đi karaoke là được rồi, làm ca sĩ để hát đám cưới cũng khổ lắm đấy!”. Nhưng có lẽ tôi nhầm. Nhiều giọng hát “karaoke” đang làm mưa làm gió trên thị trường ca nhạc, và họ nổi tiếng hơn tôi nhiều. Sự đời đang từ chỗ “có lý” tiến sang “vô lý” và bây giờ là “phi lý”. Kể ra, cũng hoang mang thật!
- Sau giọng ca đẹp Nguyên Thảo, ông đã tìm ra giọng ca tiềm năng nào, hứa hẹn sẽ ghi dấu ấn trong làng nhạc sắp tới?
- Sau Nguyên Thảo, một số bạn trẻ hát cũng hay đấy như Uyên Linh, Hà Linh chẳng hạn. Uyên Linh không gắn bó với tôi vì cô ấy có lẽ có những quan tâm khác. Hà Linh bị dư luận vì những chuyện không đâu, tôi rất tiếc. Cô ấy ở Hà Nội, không có điều kiện để làm việc cùng. Nói qua điện thoại chẳng giải quyết được việc gì. Không cẩn thận chuyện tiền bạc và những danh vọng hão sẽ khiến chúng ta mất những giọng hát này.
- Những ngôi sao được ông phát hiện và giúp đỡ như diva Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam hiện là những tên tuổi lớn trong làng nhạc nhưng Hồng Nhung bị chê hát không còn cảm xúc như xưa, Mỹ Linh hay quên lời và đôi khi vô cảm. Là người gắn bó lâu năm với họ, ông nhận xét về sự thay đổi giọng hát của các diva thế nào?
- Chẳng ai trẻ mãi, chẳng ai hay mãi (trừ thiên tài). Tôi cũng thế chứ không phải chỉ có Hồng Nhung, Mỹ Linh hay Thanh Lam. Chúng ta nên thực tế một chút. Nhung có 30 năm hát, cái đoạn đầu năm 16 tuổi phải khác cái đoạn cuối năm 45 tuổi chứ. Mỹ Linh thời Tóc ngắn cũng phải khác bây giờ. Tuổi nghề của một ca sĩ nhạc nhẹ Việt Nam như thế là dài đấy. Người ta gọi nhạc nhẹ là “nhạc trẻ” mà. Mỗi tuổi có cái hay của nó. Có lẽ các cô ấy nên tự tin về chuyện này hơn và các bạn đừng áp lực để họ phải giữ mãi hình ảnh mà các bạn biết mấy chục năm trước.
Bằng Kiều sẽ tham gia Cửa sổ âm nhạc 3 vào ngày 13/12. |
Không có con, đó là số phận
- Những giai điệu bài hát của nhạc sĩ có thể thấy tinh thần ông trẻ trung, đầy năng lượng. Nếu vẽ chân dung của mình ngoài đời, ông sẽ vẽ thế nào?
- Tôi chẳng biết sẽ vẽ như thế nào. Tôi cũng không thể hình dung ra mình mỗi khi đứng soi gương, sao nó tệ thế. Mình đấy ư? Gớm, già nua. Vậy mình phải thế nào? Một “tên tù khổ sai” trong cái “nhà tù” mà tự tạo ra. Nửa ngày không làm việc là tôi cảm thấy có lỗi. Lúc đó, tôi phải lấp đầy nó bằng công việc gì đó cho an tâm: ra sửa máy bơm, bón phân cho cây, cho cá ăn hay viết một lá thư mà mình đã quên trả lời... Chỉ có những lúc đi nước ngoài, tuy vẫn ôm laptop, làm việc ngày 2 tiếng nhưng tôi thấy thảnh thơi hơn nhiều.
- Có một nữ MC từng nói: “Nhạc sĩ Dương Thụ tài hoa như thế mà không có con nối dõi thì thật tiếc”. Ông nghĩ sao về điều này?
- Nói thế cũng hơi quá. Tất nhiên con cái rất quan trọng đối với việc tồn tại của một gia đình. Nhưng với tôi đó là số phận. Có những cái chúng ta phải chấp nhận dù việc chấp nhận đó là cực kỳ khó khăn.
- Theo ông, để giữ hạnh phúc gia đình khi cả hai đều bận rộn với công việc thì cần phải có những yếu tố gì?
- Quan tâm đến công việc và sức khỏe của nhau. Hỗ trợ nhau một cách tối đa. Và phải có một ngôi nhà mơ ước của cả hai và bữa cơm gia đình làm ta không bao giờ muốn đi ăn uống ở nhà hàng.
- Ở tuổi 73, ai cũng nghĩ đó là lúc để nghỉ ngơi, hưởng thụ, còn ông vẫn say mê làm việc. Điều gì giúp ông có nhiều năng lượng như vậy?
- Ham sống, biết sống và được sống. Để có những cái này phải có một cơ thể khỏe mạnh, một nền tảng văn hóa đủ để phát huy hết tiềm năng của mình. Và có sự độc lập cần thiết để được là chính mình ở mọi nơi, mọi lúc, mọi việc.
Video được xem nhiều nhất