"Giấc mơ Mỹ": Scandal của Bình Minh cũng không thể cứu nổi một bộ phim vụng về từ kịch bản tới diễn xuất

Afamily - 11/12/2017, 13:36

Giấc mơ Mỹ xứng đáng là một bộ phim thách thức khán giả nhất năm 2017 khi sau 2 tiếng ngồi trong rạp, người xem vẫn không thể nào hiểu nổi: Tôi là ai, đây là đâu, tôi vừa xem cái gì vậy?

 

Trước ngày Giấc mơ Mỹ công chiếu, cái tên Bình Minh bất ngờ trở thành "hot trend" trên mạng xã hội. Đi đâu người ta cũng thấy tin tức về nam diễn viên điển trai trong lùm xùm ngoại tình hoặc hiểu nhầm gì đó.

Trong khi nam diễn viên chưa kịp thanh minh hay tâm sự thì Giấc mơ Mỹ "bất thình lình" lên rạp. À thôi, có lẽ mọi sự là "vô tình".

Giấc mơ Mỹ: Scandal của Bình Minh cũng không thể cứu nổi một bộ phim vụng về từ kịch bản tới diễn xuất - Ảnh 1.

 

Theo thông cáo của nhà sản xuất thì Giấc mơ Mỹ là "Một tuyệt tác nhân văn" mà cụ thể là câu chuyện của Hoàng Linh (Mai Thu Huyền), một bác sĩ vừa có tài vừa có đức. Và tất nhiên, xinh đẹp, giỏi giang như Hoàng Linh nên có chồng cũng không kém phần tài giỏi là Thế Vinh (Bình Minh). Nhưng Thế Vinh không phải là người đàn ông duy nhất trong cuộc đời Hoàng Linh, bên cạnh cô còn có Peter (Kyo York) - người đàn ông thích thì nói tiếng Việt, không thích thì nói tiếng Tây.

Cũng như bao bộ phim khác, nữ chính thường hay bị nữ phụ hãm hại, Hoàng Linh cũng không thoát khỏi mô típ thông thường ấy. Sau tai nạn nghề nghiệp, Hoàng Linh rời Việt Nam đến Mỹ và cuộc đời cô cứ "loạn xị ngầu" như bộ phim Giấc mơ Mỹ vậy.

Quả không quá lời khi nói rằng Giấc Mơ Mỹ là bộ phim thách thức mọi cảm xúc của khán giả khi vừa buồn, vừa tiếc lại vừa bực. Buồn vì lo lắng về tương lai của phim Việt, tiếc vì bộ phim chi phí khủng mà chẳng đâu vào đâu, bực vì sau cùng chẳng hiểu phim nói về cái gì.

Thông điệp nhân văn bị thể hiện một cách cẩu thả, vụng về

Xét về mặt ý tưởng, Giấc mơ Mỹ mang thông điệp khá nhân văn về tình yêu cho đến đề tài y đức, một chủ đề ít được khai thác trên màn ảnh Việt. Thôi thì đành khen cho thông điệp nhân văn này của kịch bản vậy bởi thú thật rằng, bộ phim chẳng thể khen thêm điều gì nữa.

Nhưng điều đau lòng là thông điệp thì ý nghĩa mà diễn đạt chẳng đâu đến đâu nên phản tác dụng.

Phim mở màn bằng cảnh một vụ tai nạn tàu hỏa và ngay sau vụ tai nạn, dàn bác sĩ "hạng A" bay vèo vèo bằng phi cơ ngay lập tức có mặt. Thậm chí, để tô vẽ sự giỏi giang và y đức của bác sĩ Hoàng Linh, đạo diễn còn cho phép cô mổ ngay tại hiện trường, nơi điều kiện y tế không cho phép. Nhưng thôi, cái này khó hiểu chắc thuộc phạm trù y tế vậy, bàn thêm lại gây khó hiểu.

Sống chết với nghề là vậy nhưng chị Hoàng Linh lại bỏ cả bệnh viện, bỏ cả con trai, khóc thút thít trên đường rồi chạy vèo ra sân bay mà chẳng buồn chuẩn bị đồ đạc gì. Trước khi ra đi chị chỉ nhắn nhủ lại anh Peter câu: "Nghĩa tử là nghĩa tận" rồi sang Mỹ để thăm anh Thế Vinh nào đó mà mọi người chưa kịp biết là ai.

Giấc mơ Mỹ: Scandal của Bình Minh cũng không thể cứu nổi một bộ phim vụng về từ kịch bản tới diễn xuất - Ảnh 3.

 

Và tất nhiên, như hiểu rõ được thắc mắc của khán giả, ngay lập tức chị Hoàng Linh kể về chuyện của 10 năm trước.

Hóa ra cách đây 10 năm, Hoàng Linh đã từng là vợ của Thế Vinh. Sau một tai nạn y khoa, Hoàng Linh đang buồn vì bị đuổi việc lại thêm cảnh chồng ngoại tình nên quyết định theo chân Peter sang Mỹ, tiếp tục học y khoa với ước mơ có ngày quay lại hành nghề.

Sang Mỹ, Hoàng Linh và Peter nên duyên vợ chồng. Sau đó ít lâu, cả hai đường ai nấy đi khi Peter phát hiện vợ mình "léng phéng" với chồng cũ ở Mỹ.

Khi gặp Thế Vinh ở Mỹ, Linh cũng chẳng tìm hiểu rõ ràng tại sao anh chấp nhận bỏ vị trí cấp cao ở bệnh viện để sang làm công việc chân tay ở Mỹ. Nghe đồn anh định sang Mỹ giúp Hoàng Linh nhưng bị lừa mất tiền.

Có vẻ như thông điệp về y khoa chưa đủ, Giấc Mơ Mỹ còn khai thác thêm đề tài về sự khác biệt văn hóa Việt - Mỹ. Và quả thật, khi một chân đã dẫm bùn thì chân kia cũng khó thoát khỏi chung số phận. Cả hai ý nghĩa cài cắm của Giấc mơ Mỹ đều thất bại một cách hoàn toàn.

Giấc mơ Mỹ: Scandal của Bình Minh cũng không thể cứu nổi một bộ phim vụng về từ kịch bản tới diễn xuất - Ảnh 4.

 

Với mong ước xây dựng hình ảnh nữ bác sĩ hoang mang, bỡ ngỡ vì ở xứ người với văn hóa khác biệt, kịch bản để cho Hoàng Linh tự sự dài lê thê không khác gì "Cô dâu 8 tuổi". Bất giác, người ta tưởng tượng mình đang xem phim truyền hình dài tập theo phong cách 10 năm trước.

À hình như, Giấc mơ Mỹ còn khai thác về đề tài tình yêu nhưng rốt cuộc không hiểu khai thác kiểu gì khi tận cuối phim Hoàng Linh thổ lộ với Thế Vinh khi đang hấp hối rằng "em từ chối anh vì em muốn giữ tình yêu ấy mãi mãi". Thực ra Hoàng Linh nói gì hẳn cô cũng không hiểu và khán giả cũng thế.

Để miêu tả tận cùng cho khái niệm Giấc - mơ - Mỹ, kịch bản phim còn phải cố tình xoáy sâu vào những câu thoại "dở tây - dở ta". Hẳn là khán giả sẽ mệt nhoài với những câu thoại cứ 2 từ tiếng Anh lại 5 từ tiếng Việt. Chẳng rõ mục đích của đạo diễn là gì nhưng nghe xong thấy mệt mỏi một cách thật sự.

Xem phim 2017 mà ngỡ MV ca nhạc quay từ năm 15 năm trước

Trước khi phim ra mắt, ê kíp Giấc mơ Mỹ có nhắn nhủ: "Bên cạnh những cảnh phim hoành tráng được đầu tư công phu với góc máy đẹp đến tận cùng chi tiết cùng những hiệu ứng của kỹ xảo hiện đại, phim còn có rất nhiều khoảng lặng khiến người xem rơi nước mắt".

Cảnh rơi nước mắt thì chưa thấy đâu mặc dù diễn viên trên phim đã khóc lụt trôi cả rạp phim nhưng cảnh quay "công phu, hoành tráng" thì có thật mỗi tội "đẹp tới tận cùng" thì chưa.

Phải nói rằng đoàn làm phim Giấc mơ Mỹ khá công phu khi chi tiền khủng khi đưa cả ê kíp sang California để quay phim.

Giấc mơ Mỹ: Scandal của Bình Minh cũng không thể cứu nổi một bộ phim vụng về từ kịch bản tới diễn xuất - Ảnh 5.

 

Nhưng tốn tiền để làm gì vậy khi mà quay xong chả ai nhận ra đó là Mỹ. Trừ một vài cảnh quay bằng flycam khoảng rộng thì hầu hết những khung hình "đẹp đến tận cùng" mà nhà sản xuất giới thiệu thì khán giả tìm mãi cũng chẳng thấy.

Hẳn là đạo diễn Davina Hồng Ngân có nhiều dụng ý khi đưa vào bộ phim rất nhiều cảnh hoành tráng nhưng quà thật chất lượng kỹ xảo như phim Trung Quốc cách đây 20 năm.

Ấn tượng khó phai với khán giả chính là đoạn phim mang đậm màu sắc hành động pha chút khoa học viễn tưởng khi mà Hoàng Linh phi xe cánh chuồn của Peter đến thăm Thế Vinh đang hấp hối. Về nước 5 năm rồi mà quay lại Mỹ Hoàng Linh vẫn phóng xe như đua công thức 1.

Để chứng minh cảnh quay hoành tráng, đạo diễn nhất định phải bắt Hoàng Linh gặp bão cát ầm ầm. Nhưng thể hiện hình ảnh người con gái Việt Nam bất khuất, Hoàng Linh vừa nắm chặt tay lái băng qua bão cát sa mạc vừa không quên đòi được video call với chồng cũ.

Những tưởng, bộ phim sẽ kết thúc ở đây với cảnh trầm hùng bi tráng nào đó. Nhưng không, để thể hiện tinh thần "sau cơn bão trời lại sáng", Thế Vinh vừa hồi tỉnh sau cơn hấp hối Hoàng Linh cũng vượt qua cơn bão.

Quả thật có lẽ để chạy theo được ý tưởng của đạo diễn đòi hỏi khán giả phải có một nền tảng điện ảnh thật sự bền vững.

Sau khi vượt bao nhiêu vất vả tới gặp được người chồng đang hấp hối nhưng Hoàng Linh nhất định phải dừng lại để ngắm đi ngắm lại bức tranh treo tường mà quên mất mục đích chính của chuyến đi.

Thậm chí khi gặp chồng cũ, cô nhất định bắt anh phải ôm cô đi dù người chồng đã thủ thỉ "anh bất lực, cơ thể anh không còn nghe lời anh nữa..."

Ở một cảnh khác, Hoàng Linh và nhân vật do Đinh Y Nhung thủ vai trò chuyện cạnh hồ, dưới đất là lá vàng phủ kín, phía sau là rừng cây xinh lung linh nhưng không ai không nhận ra đó là sản phẩm của phông xanh huyền thoại bởi kỹ thuật ghép sơ sài, cẩu thả.

Không chỉ thế, những phân cảnh chạy xe trên đường của Giấc mơ Mỹ chính là "đỉnh cao" của việc quay phim và xử lý kỹ xảo. Không hiểu quay kiểu gì nhưng nhân vật nào cũng có viền trắng quanh người, phông nền một nơi, người một nẻo. Đôi lúc xem Giấc mơ Mỹ mà ngỡ xem MV ca nhạc của Ưng Hoàng Phúc hay Cẩm Ly cách đây hơn 10 năm trước.

Có một điểm cần phải nhắc đến đối với Giấc mơ Mỹ chính là điểm trừ trong diễn xuất.

Là diễn viên chính của phim nên việc Mai Thu Huyền "chiếm spotlight" là điều không có gì khó hiểu. Nhưng qua bao năm, nữ diễn viên xinh đẹp vẫn khiến người ta quá mệt mỏi. Suốt cả phim, cô cứ gồng lên như đóng kịch nói hay phim truyền hình dài tập. Mai Thu Huyền cứ khóc, khán giả dưới thì cứ lắc đầu ngán ngẩm. Ngoài khóc và đọc thoại tự sự thì rốt cuộc Mai Thu Huyền của Giấc mơ Mỹ có gì?

Có một điều mà tôi vô cùng thắc mắc đó là có phải người phụ trách trang phục của Giấc mơ Mỹ quên chọn "size" áo cho Bình Minh và Kyo York hay sao mà bất kỳ cảnh quay nào khán giả cũng lo lắng bởi những chiếc áo sơ mi dường như quá bé so với thân hình đồ sộ của cả hai. Nhìn cảnh Bình Minh diện áo sơ mi, đeo dây an toàn trong xe mà khán giả cứ phải nín thở vì sợ tất cả số cúc sẽ bị bật tung.

Giấc mơ Mỹ: Scandal của Bình Minh cũng không thể cứu nổi một bộ phim vụng về từ kịch bản tới diễn xuất - Ảnh 6.

Hương Tràm có hát hay đến mấy thì Giấc mơ Mỹ vẫn... tệ.

Peter của Kyo York có vẻ là nhân vật "thần kỳ" nhất phim bởi từ yêu thương thành ghét bỏ, rồi từ ghét bỏ quay lại yêu thương của anh nhanh như cách Hoàng Linh bay từ Việt Nam tới Mỹ vậy.

Thôi thì phim cũng đã lên rạp rồi, hay dở cũng chẳng sửa được nữa, kể cả Hương Tràm hát có hay mấy đi chăng nữa thì... Giấc mơ Mỹ cũng là bộ phim Việt tệ nhất trong năm.

Theo Trí thức trẻ
 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất