Đám tang nhạc sĩ Thanh Tùng không nhận tiền phúng viếng
Không giống như các lễ tang khác, gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng thông báo không nhận tiền phúng viếng.
Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội) sáng 22/3 không đông người như vẫn thường thấy. Trong tiết xuân phân của đất trời, mưa đổ nhẹ khiến không khí lễ tang nhạc sĩ Thanh Tùng có phần tĩnh lặng hơn.
Lễ tang nhạc sĩ Thanh Tùng diễn ra sáng 22/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Lê Thánh Tông Hà Nội. Ảnh: Tuấn Mark |
Tấm lòng và sự thành kính lấp đầy những cuốn sổ tang là những gì cần và đủ để người nhạc sĩ tài hoa có thể yên lòng bắt đầu cuộc hành trình mới ở cõi bên kia.
Sự tiếc thương dành cho người nhạc sĩ tài hoa vừa qua đời ngày 15/3, ở tuổi 68 vẫn còn hiện rõ trên gương mặt của những người đến viếng. Trong lời chia sẻ hòa lẫn nước mắt, bà Phạm Thị Quý, người em vợ của nhạc sĩ nói: "Anh Thanh Tùng là người anh rể rất vui tính và luôn yêu thương mọi người. Vẫn biết sẽ có ngày anh ra đi nhưng chúng tôi vẫn lưu luyến không thôi. Anh từng nói rằng, chị tôi ra đi để lại tài sản, còn anh ra đi sẽ để lại kho tàng sáng tác âm nhạc cho mọi người".
Cuốn sổ tang của nhạc sĩ Thanh Tùng cứ dầy lên bởi những lời chia sẻ xúc động, những kỷ niệm của người đến viếng. Trong những hồi ức được nhớ lại, lời chia sẻ của NSND Trần Bình khiến nhiều người phải rơi nước mắt. "Thế là anh đi thật rồi. Còn đâu những ngày gặp gỡ, vui cười bên ly rượu, cùng những dự định về sang tác và lưu diễn. Anh Tùng ơi! Mong anh được thanh thản nơi chân trời mới. Mọi người nhớ anh lắm".
Những ca khúc như Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình cùa mùa xuân, Hoa tím ngoài sân, Phố biển, Giọt nắng bên thềm… vang lên nhiều hơn trong những ngày sau khi nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời nhắc nhớ chúng ta về thời đoạn đẹp nhất của nhạc nhẹ Việt Nam ở những năm thập niên 1980 – 1990. Tác giả Lối cũ ta về trong con mắt của mọi người là đồng nghiệp đáng kính trọng, có mối quan hệ rộng với tư cách là người anh, quan tâm, chăm sóc thế hệ trẻ.
Trong dòng suy tưởng như vậy, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ tại tang lễ: "Thanh Tùng như người tiên phong trong việc đưa âm nhạc đến gần với công chúng, đó là nhạc nhẹ, để công chúng dễ hiểu - dễ gần và dễ chia sẻ cảm thông hơn".
"Anh cũng là đồng nghiệp đáng kính trọng, có mối quan hệ rộng và luôn với tư cách là người anh, quan tâm, chăm sóc thế hệ trẻ. Gần cuối đời bị bệnh nặng nhưng anh vẫn quan tâm thăm hỏi mọi người" - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ thêm.
Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Cường xúc động nói: "Công chúng yêu nhạc Việt Nam đều rất nhớ những năm thập niên 1980 có sự xuất hiện của dòng nhạc trữ tình: gần gũi, giản dị và đẹp của nhạc sĩ Thanh Tùng".
Sau lễ viếng, tác giả Lối cũ ta về sẽ được an táng tại nghĩa trang Thiên Đức (Phú Thọ). Ảnh: Tuấn Mark |
Đối với những công chúng yêu nhạc, những sáng tác trong thập niên 1990 sau khi vợ của nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời đã để lại những kỷ niệm khó quên. Như lời nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: "Những tác phẩm anh để lại thì còn giá trị rất lâu bền".
Đối với công chúng yêu nhạc, những sáng tác của nhác sĩ Thanh Tùng đã khảm trong tâm hồn họ những ký ức đẹp đẽ của tuổi trẻ. Vì vậy, chia tay với nhạc sĩ cũng là lời chia tay một thời đoạn của tuổi trẻ với mối tình đẹp, những kỷ niệm thân thương.
MC Thảo Vân đến viếng nhạc sĩ Thanh Tùng như một người nghe nhạc. Cô lặng người trước linh cữu rồi không giấu được nước mắt mà bộc bạch: "Tôi đến viếng chú Thanh Tùng cũng là một cách chia tay thời tuổi trẻ lứa chúng tôi. Những ca khúc của chú gắn liến với thời tuổi trẻ lứa chúng tôi".
Lễ tang nhạc sĩ kéo dài trong hơn 2 giờ đồng hồ. Những kỷ niệm muốn cất giữ lại về nhạc sĩ tài hoa này dường như đã neo đậu trong từng ca từ, giai điệu mà ông viết lên. Tuy vậy, khi ban tổ chức thông bá lễ viếng kết thúc và thực hiện lễ di quan, nhiều người đã không cầm được nước mắt.
Anh Nguyễn Thanh Bách, con trai trưởng của nhạc sĩ Thanh Tùng đã xúc động nói lời cảm ơn người cha của mình trước giờ di quan. Trong giây phút đó, những người có mặt trong lễ tang đã lặng người nghe bài hát Hoa cúc vàng - một trong những sáng tác cuối cùng của nhạc sĩ Thanh Tùng.
Có lẽ, nhạc sĩ Thanh Tùng đã ở trong một giấc mơ vĩnh hằng, ở đó ông có thể an nhiên hơn và để những "bài hát cho anh giờ đã hát cho mọi người" (Giọt nắng bên thềm).
Khi nhạc sĩ Thanh Tùng ra đi, âm nhạc của ông đã vang lên trong lòng mọi người, gợi lên mối rung cảm và trở thành bất tử cho những người hậu thế.
Video được xem nhiều nhất