"Civil war" - Thành công của Marvel khi vượt qua được cái bóng quá lớn từ bản truyện tranh gốc
Tác phẩm "Captain America: Civil War" đã được làm khác xa truyện tranh gốc và đó là quyết định hợp lý.
- "Captain America" Chris Evans rên la khi bị đổ nước đá vào chỗ hiểm
- ‘Captain America 3’ thu 60 tỷ đồng tại Việt Nam sau một tuần
- Emily VanCamp - Từ "Nữ hoàng báo thù" cho đến "bóng hồng điệp viên" mới trong cuộc đời Captain America
- "Captain America" Chris Evans: "Tôi đã sẵn sàng bỏ nghiệp diễn lại sau lưng"
- Captain America - Siêu anh hùng mang trên vai biểu tượng của xứ Cờ Hoa
Captain America: Civil War được dựa trên bộ truyện Civil War được xuất bản năm 2006 của tác giả Mark Millar và họa sĩ Steven McNiven. Ngay từ khi được chủ tịch Kevin Feige công bố, dự án này đã khiến người hâm mộ vô cùng háo hức trong suốt một khoảng thời gian dài. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người được chứng kiến sự đối đầu trên diện rộng giữa các siêu anh hùng Marvel.
Civil War không chỉ là một trận chiến vô nghĩa, nó còn là cuộc xung đột của sự tự do và kiểm soát. Đối với những thứ mà người ta cảm thấy không thể kiểm soát, họ buộc phải tìm cách loại bỏ. Trong cuộc chiến này cũng vậy, khi chính phủ không biết các siêu anh hùng có trở thành mối nguy hại trong tương lai hay không, họ buộc phải tìm cách chế ngự bằng cách dùng vũ lực. Những ai không theo, như chính tướng Ross đã nói, sẽ phải giải nghệ.
Tác phẩm truyện tranh kinh điển
Civil War là loạt truyện tranh bao gồm 7 chương của Marvel Comics do tác giả Mark Millar và họa sĩ Steve McNiven sáng tác. Khi ra mắt, bộ truyện đã gây nhiều ý kiến trái chiều khi tạo ra sự mâu thuẫn giữa các siêu anh hùng, khiến họ phải đối đầu lẫn nhau.
Mark Millar, tác giả đại tài của câu chuyện đặc sắc này trước đó đã từng khiến giới hâm mộ truyện tranh Marvel nghiêng ngả với các bộ truyện như The Ultimates, Ultimate X-Men. Nơi đó, ông đã tạo ra một vũ trụ hoàn toàn mới và đen tối hơn, một thời làm cho người hâm mộ mê mệt. Và đến với Civil War, bút lực của Mark Millar vẫn còn nguyên và ông tạo ra một cuộc chiến diện rộng, nơi mà các siêu anh hùng phải chọn phe để rồi đối đầu lẫn nhau.
Một cảnh được lặp lại trong phim
Civil War lấy bối cảnh ở thời điểm hiện đại, khi các siêu anh hùng đã chiến đấu cùng nhau một thời gian dài. Đội Avengers cùng với S.H.I.E.L.D trở thành những kẻ gìn giữ hòa bình cho thế giới. Nhưng rồi đến một ngày, một nhóm siêu anh hùng trẻ tuổi gây ra tai họa tày trời, khiến nhiều đứa trẻ mất đi sinh mạng. Việc này như một giọt nước làm tràn ly, và sức ép dư luận khiến chính phủ có cớ đặt ra vấn đề kiểm soát các siêu anh hùng.
Họ đã lập ra một đạo luật có tên là Đạo luật Đăng ký Siêu anh hùng. Những ai tuân thủ theo đạo luật phải công bố danh tính của mình và làm việc theo chỉ thị của chính quyền. Còn đối với những kẻ bất tuân thì họ sẽ bị truy nã, một kết cục không chút tốt đẹp cho những người mong muốn sự yên bình cho thế giới.
Những hoạt động của các siêu anh hùng giờ đây đều bị soi xét bởi chính quyền. Điều trớ trêu thay là những người cầm quyền nhiều lúc còn không biết thế giới những siêu anh hùng phải đương đầu là như thế nào. Việc này cũng như những gì đang diễn ra trên thế giới thực của chúng ta, đôi khi các cơ quan chức năng không hiểu rõ những điều mới mẻ mà người dân tạo nên, và giải pháp duy nhất họ đưa ra là khoanh vùng và cấm tiệt.
Spider-Man tháo mặt nạ
Không chịu nổi sự chèn ép, một nhóm siêu anh hùng do Captain America đã từ chối hiệp định và chống lại phe chính phủ. Thế giới siêu anh hùng chia làm hai, khi mà một phía chống lại chính phủ, và một phía cảm thấy cần phải có sự can thiệp của chính phủ để không một tai nạn đáng tiếc nào xảy ra nữa. Tony Stark là người đứng đầu phe chính phủ và anh được hỗ trợ bởi Hank Pym và Mr. Fantastic.
Điểm hay nhất trong bộ truyện tranh này là không có kẻ đúng người sai rạch ròi, cả hai phía đều có những lý lẽ xác đáng. Mark Millar đã tạo ra một cuộc chiến toàn diện, buộc các siêu anh hùng phải tham gia để bảo vệ sự tự tôn và bản chất của chính mình. Liệu việc theo chính phủ có thật sự tốt hay những kẻ ngoài vòng pháp luật kia thật sự xấu xa? Việc đó còn dựa vào sự thấu hiểu và nhìn nhận của từng độc giả. Có thể nói, kết cục của Civil War đã tạo nên một thời kì hoàn toàn mới cho Marvel, cục diện của cả thế giới đã thay đổi từ đó.
Phiên bản điện ảnh có giống với nguyên tác?
Những bộ phim làm từ truyện tranh rất ít khi sát với nguyên tác. Khác với chuyển thể tiểu thuyết, việc đưa truyện tranh lên màn ảnh rộng đòi hỏi khả năng phóng tác cao độ. Bộ truyện Civil War trở nên kinh điển bởi nó là kết quả của hàng thập kỷ xung đột của vô số nhân vật trên những trang giấy. Điều này không thể thực hiện trong vũ trụ điện ảnh Marvel bởi thiếu vắng khá nhiều nhân vật, một số do bản quyền như Fantastic Four, một số vẫn đang gắn bó với dòng phim truyền hình như Punisher, Luke Cage, và một số thậm chí còn chưa xuất hiện như Ms. Marvel.
Cảnh này sẽ không xuất hiện trong phim
Phương thức sáng tạo của truyện tranh và điện ảnh không hề giống nhau. Một họa sĩ/tác giả có thể diễn đạt rất nhiều ý tưởng tuyệt vời trong những khung tranh với chi phí tương đối rẻ. Ngược lại, việc đưa chúng lên màn ảnh rộng tốn nhiều tuần và hàng triệu đô la. Cách thưởng thức của phim và truyện tranh cũng hoàn toàn khác nhau. Khi xem truyện tranh, nếu chưa hiểu gì đó, bạn ngay lập tức có thể lật lại các trang trước để xem lại, hoặc tra cứu thêm trên Internet rồi xem tiếp. Khi xem phim ở rạp, mọi thứ sẽ cuốn bạn đi đến phút cuối cùng, không có thời gian để tìm hiểu.
Thiếu cả số lượng nhân vật lẫn thâm niên hoạt động của họ, các đạo diễn Anthony và Joe Russo cùng hai biên kịch Christopher Markus và Stephen McFeely đã mở một lối đi riêng. Về cơ bản, phiên bản điện ảnh của Civil War chỉ giống nguyên tác về ý tưởng cốt lõi, còn các tình tiết khác đều khác xa.
Trong truyện tranh, vụ nổ do Nitro gây ra là giọt nước làm tràn ly dẫn đến Đạo luật. Trong tác phẩm điện ảnh, sự kiện "châm ngòi" là khi Scarlet Witch xử lý thất bại một quả bom ở Lagos, khiến 11 người thiệt mạng. Hiệp ước Sokovia thay cho Đạo luật Đăng ký Siêu anh hùng vì trong vũ trụ điện ảnh Marvel, các anh hùng hầu hết đều đã công khai danh tính. Nhà tù 42 trong Negative Zone bị thay bằng The Raft, một nhà tù ở giữa đại dương. Các anh hùng chia ra hai phe do Captain America và Iron Man lãnh đạo rồi đánh nhau. Một câu thoại đáng nhớ và một hình ảnh biểu tượng được sử dụng lại, tất cả chỉ có thế.
Câu thoại này xuất hiện lại trong phim, nhưng do Sharon Carter nói
Nếu đẩy chuyện phim lên cao trào về lý tưởng (như truyện gốc), rất có khả năng là các biên kịch không xử lý nổi và tác phẩm sẽ biến thành một mớ hổ lốn nửa vời. Thay vì vậy, Christopher Markus và Stephen McFeely đã khôn ngoan khi chọn hướng tiếp cận thực tế hơn, tình cảm hơn. Các anh hùng vẫn mâu thuẫn về phương thức hoạt động, nhưng Bucky mới là nhân tố chính đẩy họ đến xung đột. Điều này tạo ra một câu chuyện khiến khán giả đại chúng có thể hiểu và cảm được ngay trong rạp chiếu.
Phiên bản điện ảnh của Civil War cũng được liên kết mượt mà với hai phim trước đó là The Winter Soldier và Age of Ultron. Như đã giải thích trong một bài viết trước, chính những sự kiện trong hai tác phẩm này đã đẩy Captain America và Iron Man về hai thái cực có vẻ đối lập với chính họ. "Người đàn ông của nước Mỹ" Steve Rogers giờ đây không còn tin vào các nhà cầm quyền, trong khi nhà tỷ phú Tony Stark lại thận trọng hơn hẳn sau sự cố Ultron.
Một khung tranh kinh điển được tái hiện trong phim
Trong truyện tranh, một sự kiện tầm cỡ như Civil War luôn có rất nhiều tập truyện tie-ins kèm theo, giải thích thêm về hoạt động của các nhân vật. Chính vì vậy, độc giả chấp nhận chuyện các nhân vật "xẹt ra xẹt vào" trong mạch chuyện chính, vì nếu cần biết thêm gì, họ có thể đọc trong các tập tie-ins.
Với điện ảnh thì khác, mọi thứ phải được gói gọn trong hơn hai tiếng phim. Thế nên tổng số siêu anh hùng của hai phe được giảm xuống còn 12. Với những nhân vật được "nhét" thêm vào vội vàng như Spider-Man hay Ant-Man, biên kịch đã khéo léo xử lý bằng các câu thoại hài hước, tạo cảm giác dễ chịu và bớt gượng ép.
Tương lại của vũ trụ điện ảnh Marvel sau Civil War
Captain America đã không chết ở cuối phim như truyện tranh, và thiệt hại hữu hình duy nhất cho các siêu anh hùng là việc War Machine bị liệt. Thế nhưng có một điểm chung giữa phiên bản điện ảnh và truyện tranh là sự chia tách trong đội Avengers. Trong tác phẩm gốc, kết cục của Civil War đã khiến đội New Avengers (các siêu anh hùng chưa đăng ký) phải hoạt động ngầm, còn Tony Stark trở thành giám đốc của S.H.I.E.L.D và lập ra đội Mighty Avengers.
Trên màn ảnh rộng, Captain America đã giải cứu các chiến hữu Falcon, Ant-Man, Hawkeye, Scarlet Witch và từ giờ họ sẽ là đội Avengers "ngầm". Trong khi đó, Tony Stark sẽ phải xây dựng một đội Avengers "công khai" xoay quanh hai thành viên còn sót lại là Vision và Spider-Man (War Machine đã bị liệt còn Black Widow có thể sẽ bị kiểm soát sau hành vi phản bội).
Team Cap sẽ lại tái xuất, trừ Winter Soldier (đã bị đóng băng lại)
Có một điều thú vị là trong thời gian tới, vũ trụ điện ảnh Marvel sẽ giới thiệu thêm hai siêu anh hùng mạnh mẽ là Dr. Strange và Ms. Marvel. Theo truyện tranh, Dr. Strange theo phe New Avengers còn Ms. Marvel là lãnh đạo của Mighty Avengers. Liệu điều tương tự có thể xảy ra trên màn ảnh? Nếu là vậy, Ms. Marvel thậm chí có thể được phát triển để thay thế dần vai trò "nữ chính" của Black Widow trong đội, còn Dr. Strange sẽ trở thành một nhân vật lãnh đạo trong giai đoạn 3 của Marvel.
Thế nhưng những giả thuyết đó vẫn còn xa vời. Ở thời điểm hiện tại, chỉ biết rằng Captain America: Civil War đã thay đổi mãi mãi vũ trụ điện ảnh Marvel và có lẽ phải đến Infinity War, các anh hùng mới có thể hàn gắn với nhau để chiến đấu với Thanos.
Civil War có thể không phải một phiên bản chuyển thể trung thành, nhưng nó lại là một bộ phim thành công, đủ hấp dẫn để lôi kéo khán giả đến rạp và đủ sức nặng để mở ra các hướng đi mới cho Marvel.
Video được xem nhiều nhất